“Ánh sáng” từ đôi tay

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2024 | 7:46:38 AM

YênBái - Dưới sự giúp đỡ, chỉ dẫn của Hội Người mù tỉnh Yên Bái và hơn hết là nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan, không sợ hãi, đầu hàng trước nghịch cảnh khi phải sống chung với bóng tối, những người khiếm thị Yên Bái đã biến đôi bàn tay thành “đôi mắt sáng” để từng bước vượt qua sự tăm tối của số phận, tìm được ánh sáng riêng cho cuộc đời mình.

Chị Vũ Thị Bắc ở thôn 5, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn hàng ngày ngoài làm nghề tẩm quất, mát xa vẫn chủ động phát triển chăn nuôi.
Chị Vũ Thị Bắc ở thôn 5, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn hàng ngày ngoài làm nghề tẩm quất, mát xa vẫn chủ động phát triển chăn nuôi.

Vượt lên bóng tối

Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Bắc người khiếm thị tại thôn 5, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn một ngày mưa tháng 8 khi chị đang cho gà, vịt ăn. Nghe thấy tiếng bước chân có khách đến nhà, chị vội buông tay, nhanh nhảu vào nhà tươi cười chào hỏi. 

Lúc sinh ra, chị Bắc cũng bình thường như bao trẻ em khác cho đến khi lên 3 tuổi, trong một trận ốm bị biến chứng khiến mắt chị chỉ còn có thể nhìn thấy mờ mờ trong phạm vi 1 - 2 m. Sinh sống ở một xã nông thôn miền núi, lớn lên, chị Bắc cũng chỉ biết lao động, kiếm tiền bằng cách chăn nuôi gà, vịt, vì vậy, thu nhập không cao, cảnh thiếu trước hụt sau diễn ra thường xuyên. Cuộc sống thật sự khó khăn đối với một người khiếm thị lại đơn thân nuôi con như chị. 

Chị Bắc kể, cuộc đời chị bước sang trang mới kể từ năm 2016 khi chị được tham gia lớp học tẩm quất, mát xa do Hội Người mù tỉnh Yên Bái tổ chức. Thấy đây là một cơ hội, ngành nghề phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe của mình, chị tham gia liên tục nhiều khóa học từ cơ bản đến nâng cao suốt 2 năm. Năm 2018, chị chính thức mở cơ sở tẩm quất, mát xa tại nhà. 

Chị Bắc tâm sự: "Ban đầu mở quán tẩm quất, mát xa tôi không có khách đâu. Nhiều người nói người lành còn chẳng ăn ai nữa là đến cho người mù làm. Nhưng từ những người khách ban đầu đến tẩm quất, mát xa thấy hiệu quả dần dần người này giới thiệu người khác, tôi đông khách dần”.

Câu chuyện của chị Bắc khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Để có thêm những minh chứng thuyết phục về hành trình vượt khó vươn lên trong cuộc sống của người khiếm thị trên địa bàn tỉnh, chúng tôi quay về thành phố Yên Bái gặp anh Phạm Huy Cảnh ở tổ dân phố số 10, phường Minh Tân. 

Chung số phận với chị Bắc, anh Cảnh được nhìn thấy ánh sáng cho đến năm 3 tuổi. Nhưng câu chuyện cuộc đời anh lại có nhiều éo le, ngang trái hơn khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Không may mắn như chị Bắc vẫn nhìn thấy thế giới mờ mờ, biến chứng bệnh khi nhỏ đã cướp đi hoàn toàn ánh sáng của cuộc đời anh Cảnh. 

Trưởng thành, anh lập gia đình được 9 năm thì người vợ bỏ đi để lại cho anh đứa con thơ. Một mình anh vật lộn nuôi con khôn lớn. Biến cố tiếp tục ập đến khi năm 2014 mẹ anh bị tai biến, năm 2016 bố anh mất. Vậy là mình anh phải gồng gánh tìm một công việc nuôi mẹ và con trai. 

Kể lại câu chuyện cuộc đời mình, anh Cảnh ngậm ngùi: "Có lẽ, thứ xa xỉ nhất với tôi trong cuộc sống này chính là ánh sáng. Bởi ánh sáng tồn tại với tôi trong thời gian quá ngắn ngủi, khi tôi chưa nhận thức rõ. Hoàn cảnh tôi khó khăn, Hội Người mù tỉnh cho tôi tham gia học lớp chữ nổi, lớp máy tính và lớp tẩm quất, xoa bóp. Từ đó đến nay tôi mở cơ sở tẩm quất, xoa bóp tại nhà, thu nhập được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Dù chưa nhiều nhưng đây là nguồn thu ổn định, tự tay mình kiếm ra để nuôi sống gia đình. Hy vọng dần dần với sự nỗ lực của bản thân và tay nghề nâng cao, được nhiều người ủng hộ tôi sẽ đông khách hơn, thu nhập cao hơn”.

Cũng như chị Bắc, anh Cảnh, đôi mắt không còn sáng nhưng bù lại anh Nguyễn Ngọc Khuyến ở tổ dân phố số 8, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái có đôi tay khỏe mạnh, dẻo dai, tinh tế để thắp lên áng sáng cuộc đời mình. Học nghề tẩm quất xoa bóp từ ông nội, sau này khi hành nghề được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh anh đã trở thành một trong những tấm gương điển hình, thành công nhất với nghề tẩm quất, mát xa trên địa bàn tỉnh Yên Bái và nhiều tỉnh lân cận. Những kiến thức, kinh nghiệm xoa bóp, tẩm quất lâu năm giúp anh Khuyến thành thạo xác định điểm đau, xoa bóp, bấm huyệt phục hồi chức năng, chữa một số bệnh thông thường, hiệu quả cho khách hàng. Điều đó giúp cho cơ sở tẩm quất, mát xa của anh trụ vững với doanh thu trung bình 50 triệu đồng/tháng. 

Đồng hành mở "lối sáng”

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 830 người khiếm thị và họ vẫn còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là bài toán hóc búa khởi nghiệp, làm kinh tế. Tuy nhiên, ngay trong câu chuyện của chị Bắc, anh Cảnh, anh Khuyến chúng ta có thể thấy một phần lời giải cho bài toán này. Đó chính là sự đồng hành, mở lối của tổ chức Hội Người mù tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: "Hội Người mù tỉnh hiện có 276 hội viên. Trải qua 10 năm hình thành, phát triển, Hội luôn nỗ lực đồng hành, sẻ chia để những người khiếm thị Yên Bái không bao giờ đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn. Đặc biệt Hội luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững cho cộng đồng người khiếm thị trên địa bàn tỉnh”.
  
Xác định tẩm quất, xoa bóp là nghề chính để giải quyết công ăn việc làm, hiệu quả, phù hợp, đem lại thu nhập tốt cho người khiếm thị đồng thời giúp cho hội viên có cơ hội được giao lưu với khách hàng, giao lưu chia sẻ với những người cùng hoàn cảnh, tạo niềm tin vào bản thân và tổ chức Hội, Hội Người mù tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề tẩm quất, mát xa, cử nhiều hội viên đi học nâng cao tay nghề tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng của Hội Người mù Việt Nam, cử hội viên tham dự Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc. 


Anh Nguyễn Ngọc Khuyến ở tổ dân phố số 8, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái dạy học viên kỹ thuật tẩm quất, xoa bóp. 

Cầm trên tay Giấy chứng nhận đạt giải Ba, Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc năm 2017, anh Nguyễn Ngọc Khuyến tự hào khoe: "Được Hội Người mù tỉnh tin tưởng cử tham gia Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc tôi rất tự hào. Đó là cơ hội để tôi khẳng định bản thân cũng như học hỏi, nâng cao tay nghề hơn nữa. Cuộc sống của tôi không may mắn như những người mắt sáng, tuy nhiên, nhờ có công việc tẩm quất, mát xa tôi có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình, nuôi con ăn học đàng hoàng.

Những năm sống trong bóng tối giúp tôi ngộ ra cánh cửa sẽ không bao giờ đóng lại với bất cứ ai luôn nỗ lực mỗi ngày. Khắc tâm muôn vàn khó khăn thủa đầu lập nghiệp nên hiện tại bất cứ người khiếm thị nào đến học nghề tôi đều dạy miễn phí, ai có hoàn cảnh khó khăn tôi còn hỗ trợ thêm chỗ ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày. Học xong không tự mở được cơ sở kinh doanh riêng, tôi sẽ nhận vào làm luôn”. 

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của những hội viên khiếm thị, hơn cả là sự đồng hành mở lối "sáng” của Hội Người mù tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 14 cơ sở dịch vụ tẩm quất, xoa bóp; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động là người khiếm thị. Các cơ sở dịch vụ xoa bóp mạnh dạn đầu tư về máy móc, thiết bị massage, phòng xông hơi nâng cao chất lượng dịch vụ xoa bóp, xây dựng giá cả hợp lý, được thị trường chấp nhận. Tổng doanh thu mỗi tháng của người khiếm thị Yên Bái trung bình từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. 

Chia sẻ thêm về việc học tẩm quất, xoa bóp, chị Vũ Thị Bắc cho biết: "Với người khiếm thị như chúng tôi, hạnh phúc nhất là kiếm được công việc phù hợp với thể trạng và hoàn cảnh của mình. Công việc vừa giúp chúng tôi có nguồn thu nhập để lo cho bản thân, tạo niềm vui trong cuộc sống vừa để minh chứng rằng chúng tôi - những người khiếm thị "tàn nhưng không phế”, chúng tôi chỉ khiếm khuyết, bất tiện chứ không bất hạnh. Công việc tẩm quất, mát xa do Hội Người mù tỉnh tạo ra cho hội viên là một công việc phù hợp như thế. Giờ đây đã có nhiều người biết, tìm đến tôi để xoa bóp, trị bệnh. Nhờ đó thu nhập của tôi ngày càng ổn định, có tháng cao điểm tôi thu về trên dưới 10 triệu đồng”. 

"Ánh sáng” đồng hành chỉ lối của Hội Người mù tỉnh vẫn đang ngày ngày được chia sẻ, lan tỏa, khẳng định sức sống, niềm tin mãnh liệt. Và từ "ánh sáng” ấy đã thắp lên biết bao nguồn sáng trên đôi bàn tay của người khiếm thị, giúp họ phấn đấu trở thành người có ích, làm chủ cuộc đời mình, thoát cảnh nghèo, không còn mặc cảm tự ti mà hòa nhập ngày càng tốt hơn vào cuộc sống, cộng đồng. 

Lê Thương

Tags Hội Người mù Yên Bái tẩm quất mát xa

Các tin khác
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Già, xã Yên Thắng (bên phải) thăm mô hình chăn nuôi gà nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Già, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên những năm qua đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đóng góp của ông đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách đến với đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả.

Ông Hà Công Thắng (thứ 3, trái sang) vận động nhân dân đóng góp kinh phí để làm mái che nhà văn hóa thôn.

Là đảng viên, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều năm qua, ông Hà Công Thắng, dân tộc Tày, thôn Trung Tâm, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn là trung tâm tập hợp đoàn kết, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước đưa địa phương ngày một phát triển.

Đại úy Lý Phương Tuyển - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Công an xã Hạnh Sơn (người bên trái) nắm bắt tình hình tại các thôn qua camera an ninh.

Vì dân phục vụ, Đại úy Lý Phương Tuyển - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Công an xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ là tấm gương sáng trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của lực lượng công an thị xã Nghĩa Lộ.

Lương y Hà Thị Thoa chuẩn bị các bài thuốc nam gia truyền.

Lương y Hà Thị Thoa - người dân tộc Mường ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã có hơn 47 năm hành nghề bốc thuốc và nổi danh là “cứu tinh” của nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận với nhiều bài thuốc gia truyền chữa trị được nhiều bệnh khác nhau; trong đó, bài thuốc gia truyền chữa trị rắn cắn đã cứu sống hàng nghìn người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục