Từ đất hoang đến đồi quả bạc triệu

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2025 | 9:24:29 AM

YênBái - Những ngày đầu tháng Tư, khi đất trời Nghĩa Lộ chuyển mình bước vào mùa cây trái đâm chồi, kết hoa, chúng tôi tìm về thôn 3, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ gặp ông Vũ Xuân Đoàn - người nông dân đã dành trọn đời mình gắn bó với đồi núi, cây trái nơi đây.

Ông Vũ Xuân Đoàn chăm sóc đồi nhãn đang độ ra hoa của gia đình.
Ông Vũ Xuân Đoàn chăm sóc đồi nhãn đang độ ra hoa của gia đình.

Người đàn ông ngoài 60 tuổi, dáng khỏe khoắn, nước da sạm nắng lái chiếc xe máy số đã cũ từ triền dốc xuống. Ông Đoàn sinh năm 1964, lập gia đình từ năm 1985 và bắt đầu cuộc sống tự lập với hai bàn tay trắng giữa vùng đất đồi hoang sơ. Ông kể: "Hồi đó, vợ chồng tôi khai hoang đất đồi, trồng ngô, khoai, sắn để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống mãi không khấm khá… 

Biết đến mô hình trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao, năm 1999 tôi quyết định chuyển hướng sang trồng nhãn. Khi ấy, thông tin, kỹ thuật còn rất hạn chế. Không mạng Internet, không lớp tập huấn, tôi và vợ chỉ tự học qua sách báo, truyền hình. Trồng thử trước, rút kinh nghiệm sau. Không thành công thì lại làm lại. Cứ thế, dần dần mới hiểu được cây”. 

Ban đầu, ông Đoàn trồng nhãn xen với các cây lương thực ngắn ngày như ngô, khoai, sắn. Khi cây nhãn lớn, khép tán, ông bỏ cây lương thực ngắn ngày chuyển hẳn sang trồng chuyên canh nhãn. Về sau, qua tìm hiểu và biết đến các giống nhãn mới cho năng suất, chất lượng cao, ông đã mạnh dạn thay thế bằng các giống chín sớm, chín muộn cho quả to, ngọt, thu hoạch rải vụ đồng thời chuyển đổi 1 số diện tích nhãn sang trồng bưởi da xanh, xoài, hồng xiêm… 

Ông Đoàn phân tích: "Cây nào cũng có mùa vụ riêng. Nhãn ra hoa vào tháng 3 - 4, thu hoạch tháng 7 - 8. Bưởi thì thu vào dịp tết, hồng xiêm quanh năm. Bố trí hợp lý thì cũng có thu nhập quanh năm. Hiện diện tích cây ăn quả của gia đình tôi rộng 6 ha, trong đó có khoảng 1.000 gốc nhãn, 500 gốc vải, 300 gốc bưởi, vải, xoài, hồng xiêm”.

Không được đào tạo bài bản hay học chuyên môn nông nghiệp nhưng ông Đoàn lại là người luôn chịu khó cập nhật kỹ thuật mới, kiên trì học hỏi từ thực tế. Thấy cây nhãn có biểu hiện sâu bệnh, ông không vội dùng thuốc hóa học mà mày mò đọc tài liệu, tìm hiểu cách xử lý an toàn. Ông cũng từng lặn lội đến các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho năng suất cao. Ông bảo: "Làm nông là phải học suốt đời. Cứ ở nhà mà đoán thì cây không trả lời đâu”. 

Nhờ được chăm sóc tốt, đồi cây ăn quả của ông Đoàn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Những mùa vụ chính, sản lượng nhãn, vải, bưởi, xoài lên tới hàng chục tấn, tiêu thụ cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Đặc biệt, không chỉ chú trọng sản xuất, ông Đoàn còn tích cực hỗ trợ cộng đồng. Nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn xã đến học hỏi mô hình, ông đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chọn giống, bón phân, xử lý bệnh hại. 

Ông nói: "Làm được thì chia sẻ với bà con. Một mình giàu thì không vui. Cả làng cùng khá lên mới ấm. Tôi cũng chẳng nghĩ gì cao xa, chỉ mong vườn cây ngày càng tốt, con cháu sau này yêu đất, giữ nghề. Từ đất mà sống, từ đất mà giàu - đó là cái gốc”.

Bằng sự cần cù, tinh thần đổi mới và tấm lòng sẻ chia, ông Vũ Xuân Đoàn đã từng bước xây dựng nên một vùng trồng cây ăn quả phát triển bền vững ngay trên mảnh đất quê hương. Mỗi mùa hoa kết trái là thành quả của biết bao ngày tháng lao động miệt mài, là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết và tình yêu sâu nặng với đất. Người nông dân ấy đã lặng lẽ chọn gắn bó với đồi vườn, bền bỉ vun trồng để làm nên những mùa quả ngọt, đóng góp cho quê hương bằng cả sức lao động lẫn niềm tin vào tương lai phát triển bền vững.

Lê Thương

Tags Vũ Xuân Đoàn

Các tin khác
Anh Lê Quang Tuấn giới thiệu về máy móc, quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với ý chí sắt đá, nghị lực vững vàng trước mọi thử thách, anh Lê Quang Tuấn ở tổ dân phố số 8, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã vươn lên trở thành ông chủ của một doanh nghiệp tư nhân sản xuất gỗ, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Bà Hoàng Thị Hồng (giữa) trao đổi với lãnh đạo xã Phan Thanh về phương án khắc phục tuyến đường thôn bị ảnh hưởng bão số 3 hồi tháng 9/2024.

Hơn 10 năm giữ vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, 2 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Thủy Văn, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, bà Hoàng Thị Hồng luôn tận tâm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được người dân tin tưởng, quý mến.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang bên cây đàn tính.

Suốt hành trình 50 năm không ngơi nghỉ, nghệ nhân Hoàng Kế Quang – người con ưu tú của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên – đã trở thành biểu tượng sống động của tình yêu văn hóa dân tộc Tày. Ông là “cánh chim không mỏi”, miệt mài gìn giữ và lan tỏa tinh hoa hát then, đàn tính – những giá trị đặc trưng trong kho tàng di sản văn hóa dân gian.

Chị Bùi Thị Minh Thu - chủ khu dịch vụ Family Garden ở tổ dân phố số 2, thị trấn Cổ Phúc (bên phải) giới thiệu sân thể thao Pickleball.

Những năm gần đây, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ. Sự phát triển ấn tượng ấy đến từ việc chính quyền địa phương tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ nhân dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo của thị trấn ngày càng khởi sắc, các mô hình kinh doanh dịch vụ phát triển đa dạng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục