Cổ tích giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cái tin cậu bé Nghĩa (Nguyễn Văn Nghĩa) - cháu “bà già” đã thi đỗ Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội với số điểm cao khiến cái xóm nhỏ bờ hồ xôn xao. Ai cũng bất ngờ, mừng vui, cảm phục trước sự nỗ lực vượt khó của cậu bé mồ côi và nghị lực của người bà...

Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới lại ghé thăm cái quán cóc của bà lão. Vẫn mái bạt xập xệ, treo toòng teng mấy xâu bánh mỳ, bánh rán. Trên cái bàn cũ sờn tróc, lèo tèo vài hộp kẹo, dăm bao thuốc lá cùng một vài món hàng lặt vặt. Bà lão vừa bán hàng cho khách vừa lui cui nhóm bếp chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Cái niêu bé xíu đủ cho hai bà cháu ăn như rộng ra, bởi từ hôm nay chỉ có mình bà, còn đứa cháu trai đã xuống trường nhập học.

Cơn mưa đầu thu mang theo hơi lạnh dễ làm lòng người chùng xuống, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt của bà lão niềm hạnh phúc, tình cảm ấm áp yêu thương khi nhắc về đứa cháu. “Cháu nó xuống trường nhập học sáng nay, đi thi một mình, đi nhập học cũng vậy. Bà định đưa cháu ra bến xe nhưng nó nhất quyết không nghe, sợ tốn tiền xe ôm, hàng quán chẳng có cửa giả gì, để không đấy ai trông. Thương cháu mà chẳng biết làm gì cô ạ!. Trước khi đi, nó dặn đi dặn lại: “Bà đừng khóc, đừng khóc, nhớ giữ gìn sức khỏe đợi cháu về!”. Thương bà một mình không dựng được bạt che quán, nó còn “thiết kế” hai mái hiên di động để bà hạ lên hạ xuống cho nhẹ”. Nói đoạn, bà lão chỉ lên “công trình” của Nghĩa với ánh mắt chan chứa yêu thương như thể cậu bé đang ở đó vậy.

Tôi biết hai bà cháu cũng khá lâu, từ khi tôi về ở khu tập thể gần đấy. Cả xóm ai cũng quen với hình ảnh một bà già, một đứa trẻ sống dựa vào nhau nơi quán cóc ven hồ km5 thành phố Yên Bái. Ít người biết tên bà lão mà chỉ gọi với cái tên “Quán bà già”, lâu dần thành quen. Tôi cũng ấn tượng mãi về một cậu bé gầy gò nhưng khuôn mặt rất sáng, nụ cười tươi thân thiện, luôn lễ phép với mọi người.

Dường như xung quanh đấy, ai cậu bé cũng quen, ai nhờ gì cũng giúp. Cô Vượng - hàng xóm trêu: “Nó còn làm bảo vệ cơ quan thuế từ bé đấy!”. Nói vậy cũng không ngoa, chú bảo vệ ở đấy thấy Nghĩa ngoan ngoãn, thật thà nên nhiều hôm còn nhờ Nghĩa trông cơ quan để về ăn cơm. Cô Hoa bán nước mía gần đấy cũng nhờ Nghĩa trông hàng để cô đi chợ. Có lần nhặt được chiếc điện thoại di động, cậu tìm mọi cách để trả lại vì luôn nhớ lời bà dặn: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đêm nào cũng vậy, cậu bé Nghĩa giúp bà bán hàng đến tận khuya rồi mới đi học bài. Nhìn đôi mắt hồn nhiên ấy, không ai nghĩ cậu bé lại có một tuổi thơ đầy sóng gió...

Nhắc lại chuỗi ngày cơ cực, khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ của bà lão rưng rức nỗi buồn. Quê của bà mãi Châu Quế Thượng, Văn Yên. Tai nạn liên tiếp ập xuống gia đình bà, năm trước đứa con thứ hai của bà chết đuối, năm sau bố Nghĩa (con cả của bà) lại qua đời, còn đứa con gái út lấy chồng xa lắc lơ mãi tận Bắc Ninh, biền biệt bao năm trời không về thăm mẹ lấy một lần. Bố mất, lúc đó Nghĩa mới 17 tháng tuổi, mẹ Nghĩa đang mang thai đứa em thứ hai.

Không có người đàn ông trụ cột trong gia đình, cuộc sống của mấy mẹ con ngày càng túng bấn, cơ cực, chỉ trông chờ vào sào ruộng, tiền gánh đất thuê. Mẹ Nghĩa đi bước nữa, nhưng cuộc sống gia đình càng khốn cùng hơn. Người đàn ông ấy nghiện hút, không những không giúp gì được cho mấy mẹ  con mà lại thêm gánh nặng, suốt ngày đánh đập mẹ Nghĩa. Quá cơ cực, bà Nghĩa đã bế đứa cháu còn ẵm ngửa xuống thị xã Yên Bái kiếm kế sinh nhai. Hai bà cháu lang thang khắp phố phường Yên Bái, hết bán dứa rong, lại làm bánh rán, bánh trôi bán. Chẳng có chỗ ngồi cố định nên bị dẹp đuổi khắp nơi, một bên gánh hàng, một bên gánh cháu. Có hôm, không bán được gì, hai bà cháu lại nhịn chay. Có lần, đi bán hàng rong đêm khuya về qua đường Rau Cá, trời mưa lũ, vừa đói vừa lạnh, bé Nghĩa cứ ôm chặt bà khóc: “Bà ơi, bà cháu mình... khộ... khộ (khổ) quá bà nhỉ?”. “Ừ, thế mai sau cháu làm gì để nuôi bà?”. “Cháu sẽ học giỏi để làm công an”.

Từ nhỏ, Nghĩa tỏ ra rất thông minh, hiếu học, cứ nằng nặc đòi bà cho đi học. Sáng nào cũng vậy, Nghĩa dậy sớm giúp bà dọn hàng rồi mới đi học. Chiều về, quẳng cặp sách đấy lại đi chợ mua hàng, bán hàng giúp bà, chỉ tranh thủ khi nào vắng khách mới giở vở ra học. Buổi tối, hàng quán tạm bợ chẳng có điện đóm gì, Nghĩa học nhờ ánh sáng mờ mờ hắt xuống từ bóng điện cao áp bên đường. Thương cậu bé nghèo hiếu học, mấy cô chú ở khu tập thể cho cậu mượn dây và bóng điện học nhờ ở phòng kho còn trống.

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, Nghĩa phấn đấu học hành và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến nhiều năm liền. Năm lớp 9, Nghĩa quyết tâm thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nhưng thiếu mất một điểm. Cậu không học bán công mà xin bà cho nghỉ một năm để ôn thi tiếp, năm sau cậu đã đỗ vào Trường THPT Nguyễn Huệ.

 Tốt nghiệp, Nghĩa tự ôn ở nhà. Bà lão chắt bóp được 500.000 đồng cho cháu một mình xuống Hà Nội thi đại học. Nghĩa thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Trường Đào tạo Nghề (thuộc Nhà máy Honda Vĩnh Phúc, kết quả đỗ cả hai trường. Hôm nhận được giấy báo đỗ đại học, bà đã ôm Nghĩa vào lòng mà khóc. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, lo lắng. Hai bà cháu chỉ sống dựa vào cái quán cóc ven hồ, biết lấy tiền đâu nuôi cháu học đại học bốn năm trời. Mà bà lão cũng đã bước sang tuổi 75, một thân một mình chẳng biết trông cậy vào ai, có Nghĩa ở nhà còn đỡ đần bà khuya sớm, đi chợ, dọn hàng, xách nước. Còn giờ, gánh nặng cuộc sống đang đè nặng lên đôi vai khiến lưng bà lão như còng hơn...

Biết tin Nghĩa đỗ đại học, các cô chú hay đến “Quán bà già” mừng lắm, ai cũng phấn khởi, cảm phục trước sự nỗ lực vượt khó của cậu bé mồ côi, nghị lực của người bà và động viên bà lão cố cho Nghĩa đi học. Cô Vượng đến giúp bà lão dọn hàng tỏ vẻ ái ngại: “Nhiều hôm nằm ở nhà mà thấy thương bà lão. Đêm hôm sấm sét, một thân một mình nằm ở cái lều dưới gốc đa bờ hồ, nói dại, nhỡ làm sao cũng chẳng ai biết đến...”. Cảm thương trước hoàn cảnh của hai bà cháu, người cho dăm chục, người cho một trăm động viên Nghĩa, cô giáo chủ nhiệm thì đóng cho Nghĩa quyển vở dày để viết. Mấy bác xe ôm đầu phố tình nguyện giúp bà lão đi chợ mua hàng. Tấm lòng thơm thảo, sẻ chia của những người hàng xóm khiến bà lão thêm ấm lòng.

Trời đã nhá nhem tối. Thành phố bắt đầu lên đèn. Tạm biệt bà lão mà lòng tôi day dứt mãi... Chỉ mong sao, bà lão luôn sống khỏe, là chỗ dựa tinh thần cho Nghĩa. Và tôi thầm chúc cho Nghĩa luôn vượt khó vươn lên, tự tin ở con đường tương lai phía trước!

 Nguyễn Thúy Mai
(Bài dự thi “Đất và người Yên Bái”)

Các tin khác
Anh Nguyễn Văn Hoan (người cầm bút) đang trao đổi công việc với các chiến sĩ trong đội cảnh sát bảo vệ.

YBĐT - Người ta vẫn nói, công an trại giam khó tính lắm, vừa khô khan, vừa lạnh lùng khó gần, lúc nào cũng khó đăm đăm vì công việc của họ là tiếp xúc với phạm nhân nhiều hơn là tiếp xúc với người thường. Cứ suy nghĩ đó, tôi tìm đến gặp anh Nguyễn Văn Hoan – Bí thư Chi đoàn công an Trại tạm giam km8. Tất cả những suy nghĩ ban đầu đã vụt tắt khi anh đón chúng tôi bằng nụ cười thật hiền cùng cái bắt tay thân thiện.

Anh Nông Đức Ngàn thái chuối bằng chiếc máy do mình tự chế tạo.

YBĐT - Cơ sở gia công cơ khí Đức Ngàn nằm ngay sát chợ trung tâm cụm xã Mai Sơn huyện Lục Yên (Yên Bái). Tuy vẻ ngoài không có gì khang trang bề thế, nhưng cơ sở không lúc nào hết việc. Chủ cơ sở là anh Nông Đức Ngàn, một thanh niên tuổi chưa đầy 30, với bề ngoài hiền lành và nhanh nhẹn. Anh Ngàn đã trở thành chủ cơ sở gia công cơ khí này cách đây 6 năm.

YBĐT - Anh Bùi Sỹ Đức - Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái tự hào giới thiệu với chúng tôi về Nguyễn Thị Lê - một sinh viên của trường, tuy gia đình có hoàn cảnh khăn nhưng biết cố gắng vươn lên và đạt được nhiều thành tích đáng kể trong học tập và lao động.

YBĐT - Từ UBND xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đi dọc theo con đường nhỏ về thôn 3, tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Đông - một trong những hộ làm kinh tế giỏi điển hình của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục