Ông thương binh Trưởng ban công tác mặt trận

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ông Nguyễn Văn Cẩn là Trưởng ban Mặt trận khu phố Tân Dân I phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, một con người ăn nói điềm đạm, mực thước ai cũng quí trọng. Hơn thế nữa trong khu phố có tới trên hai trăm sáu mươi gia đình, mỗi khi chỗ nào, gia đình nào có việc vui, việc buồn cần có sự giúp đỡ của bà con khu phố, mỗi khi trong nước có địa phương nào gặp rủi ro, bão lũ là ông có mặt đứng ra vận động các thành viên của mặt trận và nhân dân giúp đỡ tận tình.

Chồng bát còn có khi xô, anh em ruột thịt trong nhà còn có khi to tiếng huống hồ như một khu phố có hàng trăm gia đình tránh sao khỏi xích mích này nọ. Biết thế nên khi có chuyện gì bất đồng xảy ra hay cả từ khi phát hiện ra thấy hai gia đình vốn thân thiết nay bỗng dưng tẻ nhạt ông cũng phải hỏi cho ra ngọn ngành để tìm cách hòa giải. Mấy lần xảy ra trường hợp tranh giành đất đai, vướng mắc bờ cõi, cấp ủy cùng với mặt trận và các đoàn thể tìm cách giải quyết thấu đáo có tình có lý.

Vất vả nhất là khi trong khu phố có người qua đời nhất là người cao tuổi bao giờ ông Trưởng ban Mặt trận cũng tham gia vào ban tang lễ. Tuổi cũng đã ngoài sáu mươi rồi nhưng ông Nguyễn Văn Cẩn chẳng nề hà ngày đêm chỉ đạo giúp đỡ gia đình để vừa làm theo qui ước văn hóa vừa tổ chức tang lễ trang trọng cho đến khi mồ yên mả ấm.

Bằng việc làm và lời nói của mình, ông Cẩn trở nên có uy tín, khóa nào cũng được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Mặt trận. Từ khi gánh vác công tác mặt trận năm nào ông cũng tổ chức được “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” được người người, nhà nhà tham gia đông vui chưa từng có. Mối tình đoàn kết xóm phố được tăng cường. “Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” từ đăng ký bình xét gia đình văn hóa đến thực thi qui ước nếp sống mới trong việc cưới việc tang được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm có từ 92 đến 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đường phố khu dân cư được công nhận là đường phố khu dân cư văn hóa.

Công tác mặt trận tưởng chừng như đơn giản hoặc có người cho là hình thức nhưng biết tìm việc, biết làm hết trách nhiệm như ông Trưởng ban Mặt trận ở khu phố Tân Dân I như ông Nguyễn Văn Cẩn thì không phải ai cũng làm được. Đã nhiều lần ông được đi dự hội nghị những người làm công tác mặt trận tiêu biểu.

Ấy là công tác mặt trận thì ai cũng biết, nhưng còn một điều mà không mấy người biết được, ông là một thương binh. Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam tết Mậu Thân 1968. Đang công tác ở ngành Thương nghiệp, ông vinh dự được chọn lên đường nhập ngũ để chi viện cho chiến trường miền Nam. Vào Nam, ông được điều động vào quân số của tỉnh Bình Định. Từ đấy, ông đã tham gia nhiều trận chiến đấu. Trong một trận tập kích vào một căn cứ của địch, ông đã bị thương. Vết thương được điều trị, sức khỏe được hồi phục, ông lại tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến ngày được trở lại miền Bắc và tiếp tục công tác ở  ngành Thương nghiệp cho tới lúc nghỉ hưu.

Được nghỉ chế độ rồi nhưng là người biết nghề, có đầu óc kinh doanh hơn thế, ông bà còn ba người con vẫn còn đang tuổi ăn học nên ông Cẩn mở cửa hàng sản xuất kinh doanh kem. Phải nói là nhu cầu đời sống nhân dân mỗi ngày một nâng cao, thị trường đã có nhiều thay đổi, một loạt các cơ sở sản xuất kinh doanh kem đổ vỡ. Riêng ông vẫn kiên trì bám vào nghề cũ nhưng phải biết đổi mới phương pháp kinh doanh làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng có yêu cầu chất lượng cao, vừa thỏa mãn được nhu cầu của số đông khách hàng bình dân. Ông sắm tủ kem mới, mua sắm phương tiện, hòm bảo quản giữ nhiệt phân chia thỏa đáng lợi nhuận cho người đi tiếp thị. Thế là ông vừa tạo việc làm cho nhiều lao động đang lúng túng về việc làm, vừa phục vụ nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng vừa có lợi nhuận. Ông được mang cái tên thân thiện “ông Cẩn kem” từ đấy.

Bằng lưng vốn, sức lao động chân tay và bằng đầu óc biết tính toán trên thương trường, cửa hàng kem của ông vẫn tồn tại, có nguồn thu nhập để nuôi cả ba người con ăn học đến nơi đến chốn. Mọi người trong khu phố đã “bình chọn” gia đình ông là gia đình “đại học hóa”. Giờ đây các con ông đều đã có việc làm ổn định. Bản thân ông vẫn đứng vững ở vai trò Trưởng ban Mặt trận và hơn thế nữa, còn được cấp ủy đoàn thể tin cậy, được nhân dân quí mến và kính trọng.

Hải Đường

 

Các tin khác

YBĐT - Theo lời giới thiệu của Huyện đoàn Văn Chấn, chúng tôi tìm đến nhà anh Hứa Văn Giáp - Bí thư Đoàn xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, anh là một trong những cá nhân được biểu dương trong phong trào tuổi trẻ làm theo lời Bác.

YBĐT - Hà "119" là cách gọi thân mật của đồng nghiệp với thượng úy Ninh Ngọc Hà - Đội phó Đội Điều tra án xâm phạm về nhân thân thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Yên Bái. Lý do đơn giản, Thượng úy Ninh Ngọc Hà là một trong những điều tra viên chủ công, chuyên điều tra án "buôn bán phụ nữ" - tội phạm được quy định tại điều 119 - Bộ Luật hình sự.

YBĐT - Cái tin cậu bé Nghĩa (Nguyễn Văn Nghĩa) - cháu “bà già” đã thi đỗ Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội với số điểm cao khiến cái xóm nhỏ bờ hồ xôn xao. Ai cũng bất ngờ, mừng vui, cảm phục trước sự nỗ lực vượt khó của cậu bé mồ côi và nghị lực của người bà...

Anh Nguyễn Văn Hoan (người cầm bút) đang trao đổi công việc với các chiến sĩ trong đội cảnh sát bảo vệ.

YBĐT - Người ta vẫn nói, công an trại giam khó tính lắm, vừa khô khan, vừa lạnh lùng khó gần, lúc nào cũng khó đăm đăm vì công việc của họ là tiếp xúc với phạm nhân nhiều hơn là tiếp xúc với người thường. Cứ suy nghĩ đó, tôi tìm đến gặp anh Nguyễn Văn Hoan – Bí thư Chi đoàn công an Trại tạm giam km8. Tất cả những suy nghĩ ban đầu đã vụt tắt khi anh đón chúng tôi bằng nụ cười thật hiền cùng cái bắt tay thân thiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục