Những chàng triệu phú đất quê

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Song lo lắng nhất của nông dân là thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học, ý chí và nghị lực.

Anh Duật kiểm tra chất lượng chè trước khi đưa vào chế biến.
Anh Duật kiểm tra chất lượng chè trước khi đưa vào chế biến.

Bởi vậy có nhiều hộ dân vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Sự thành công của những nông dân sản xuất giỏi đã gợi hướng cho nông dân trên bước đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới!

Tạ Minh Duật - người nông dân thời đại

"Người ta khi đã thấm cái đói, cái nghèo thì lại càng quý đồng tiền, bát gạo; càng quý, càng thương người nghèo", anh Tạ Minh Duật, thôn Tân Bình, xã Tân Hương, huyện Yên Bình mở đầu câu chuyện như vậy.

-Thế bây giờ anh giàu hay nghèo?

-Nói là giàu thì chưa dám, nhưng nói chung là đủ ăn, đủ mặc và hàng năm có một chút tích lũy. Thực hiện chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới, năm 1975, gia đình dời quê hương Hà Nam lên lập nghiệp tại đây.

Khi đó, xã Tân Hương này còn rậm rạp lắm, ruộng nương không có gì, gia đình cùng bà con phải đi khai hoang được mấy sào ruộng, phát cỏ trồng chè. Cuộc sống gia đình cũng như toàn bộ các hộ trong thôn nghèo đói lắm, trong năm thì có tới 6 tháng ăn cơm độn sắn. Gia đình anh khi lên xây dựng vùng kinh tế mới, chỉ no trong 3 năm đầu được Nhà nước trợ cấp lương thực. Hết lương thực, gia đình khai hoang ruộng nước, trồng chè, trồng sắn ăn qua ngày. Nói là ruộng nhưng toàn ruộng chua ớm bóng, năng suất thấp.

Cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo cứ bám lấy như một định mệnh vì làm xã viên của HTX nông nghiệp Tân Ngoại nhưng cái cách "đếm công lấy điểm" làm sao mà đủ ăn! Ngày ngày anh cùng bố mẹ già và vợ  lóc cóc lên đồi vạc cỏ hái chè, trồng sắn từ mờ sáng đến nhá nhem tối mới về. Thu hái chè về đem bán cho nhà máy họ "ngâm" cho tới gần nửa đêm vẫn chưa thèm cân, thật là cơ cực. Không cam chịu đói nghèo, anh gom góp được ít tiền mà cả gia đình tích cóp hàng chục năm trời đi mua được một cái lò sấy chè về tự sản xuất tại nhà. Oái oăm thay, chỉ một thời gian ngắn đã bao nhiêu rủi ro, khốn khó.

Quần quật sao chè từ tối đến đêm khuya, tích cóp cho thành "hàng hoá lớn" đem bán, do thiếu kinh nghiệm chè mốc hết đành đổ đi. Có thất bại mới thành công, anh cứ đeo đuổi mãi với nương chè, nghiệp chè, trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi. Làm được đồng nào lại tích cóp, lại đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến chè. Năm 2003, bao nhiêu vốn liếng cùng với vay bà con dân làng anh đầu tư dây chuyền chế biến chè đen công suất 10-12 tấn búp tươi/ngày.

Ngày anh dựng xưởng bà con dân làng cùng xúm lại san cái nền nhà xưởng ngay bên nhà, người thì ủng hộ bằng bó nứa, cây tre. Cơ giới hoá đã về, tiếng máy vò chè chạy rè rè cả ngày trong cái thôn xa xôi ấy. Vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm vừa tìm kiếm thị trường, lại gặp thời tiết thuận lợi, chè búp lên tua tủa, giá chè khô ổn định, năm đầu đi vào sản xuất, sau khi trừ chi phí thu nhập gia đình đạt 63 triệu đồng, trong đó riêng chế biến chè 43 triệu đồng.

Cứ như vậy đến năm 2006, 4 ha rừng đã cho thu hoạch, chăn nuôi thuận lợi, xưởng chè hoạt động ổn định, gia đình đã đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí, nộp ngân sách còn lãi 165 triệu đồng. Năm 2007 này phấn đấu sản xuất chế biến 300 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt 4 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 300 triệu đồng. Anh luôn có tâm niệm, lúc mình khó khăn được bà con giúp đỡ nhiều, nay có điều kiện hơn mình phải biết trả ơn. Anh đã thu nhận 20 con em trong thôn đến làm việc cho gia đình với mức lương ổn định 1.200 ngàn đồng/người/tháng và còn ủng hộ thôn, xã hàng chục triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, các hộ nghèo trong thôn không có vốn đầu tư sản xuất, anh đã tạo điều kiện cho 45 lượt hộ vay với số vốn trên 45 triệu đồng không lấy lãi. Gia đình nào mua xe, làm nhà, cưới vợ, gả chồng cho con cần vay vốn anh đều sẵn sàng cho vay không lãi trong 2 năm. Bây giờ đã có tiền sắm đầy đủ các tiện nghi nhưng "ông chủ chè" vẫn ở trong ngôi nhà gỗ 5 gian, không mua xe riêng mà chỉ đầu tư một ô tô tải để chở hàng. "Không phải tôi không đủ tiền để mua một chiếc xe hơi kha khá đâu, nhưng mình là nông dân đâu có cần, tiền đó để đầu tư vào sản xuất, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho con em trong thôn, trong xã, nhiều nữa thì cho hộ nghèo vay đầu tư sản xuất còn hơn" - anh Duật nói vậy.

Đến những anh nông dân dám làm

Được làm giầu trên thửa ruộng, mảnh đất quê hương mình là khát vọng  lớn của nhiều nông dân. Ngô Thành Đông ở vùng quê núi Đông An, Văn Yên cũng nghèo khó như bao gia đình khác trong xã, một năm chỉ đủ ăn mấy ngày mùa còn tháng ba ngày tám lại chạy ăn từng bữa. Trước những khó khăn đó, Đông trăn trở suy nghĩ làm gì để phát triển kinh tế gia đình thoát cảnh nghèo đói? Qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm cùng với lợi thế đồng đất quê mình, Đông đã xây dựng kinh tế gia đình theo mô hình trang trại VACR. Với ý chí và nghị lực cùng với sự giúp đỡ của gia đình, người thân, Đông nay đã trở thành ông chủ một trang trại trị giá lên tới 2,5 tỷ đồng.

Bước đường xây dựng trang trại của Đông cũng trải qua bao sóng gió, vốn đầu tư hạn hẹp, vay mượn anh em bạn bè cũng chỉ được vài triệu đồng. Trước hoàn cảnh đó, anh đã tổ chức sản xuất theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài", đầu tư thâm canh lúa, ngô, sắn... Diện tích 1 ha lúa đưa những giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất từ 54 tạ/ha tăng lên 65-70 tạ/ha/vụ. Bên cạnh đó, 8 ha cây mầu anh trồng toàn bộ bằng sắn cao sản, cùng lúc nhà máy chế biến tinh bột sắn được xây dựng nên việc tiêu thụ không còn khó khăn.

Tiền cóp từ phát triển lúa, sắn lại đầu tư vào trồng rừng, cứ như vậy đến nay anh đã trồng được 60 ha quế, trong đó có 5 ha quế 10 năm tuổi đã cho thu hoạch, 90 ha keo, 10 ha bạch đàn, 40 ha rừng tự nhiên và bồ đề. Ngoài ra, anh còn trồng 200 cây nhãn lồng nay đã cho quả, kết hợp chăn nuôi 15 con bò, 7 lợn nái sinh sản. Khi trang trại đã có nguồn thu, Đông cùng một số bà con thành lập HTX Chế biến nông sản, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. HTX tổ chức thu mua bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng cho nhân dân trong vùng và những vùng lân cận với giá cả hợp lý.

Từ nghèo khó, đến nay gia đình Ngô Thành Đông đã có mức thu nhập hàng năm trên 350 triệu đồng. Không chỉ làm giầu cho bản thân, gia đình, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động với mức thu nhập 700-800 ngàn đồng/người/tháng.

Triệu Văn Bách, thôn Trà, xã Đông An, huyện Văn Yên, sinh ra trong một gia đình nông dân và cũng từng trải qua cái đói, cái nghèo cơ cực. Có lẽ không có ngọn núi nào, cánh rừng nào là không có dấu chân Bách. Lên rừng chặt củi, kiếm măng với mong ước kiếm bát cơm cho qua ngày, sự đói nghèo luôn thôi thúc Bách. Đồng đất nhiều, anh xin đăng ký với xã nhận đất trồng rừng bằng các giống cây nguyên liệu giấy. Song song với trồng rừng là tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng mức đầu tư phân bón. Đặc biệt từ năm 2003, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Văn Yên được xây dựng, anh đăng ký trồng sắn cao sản cung cấp cho Nhà máy.

Bằng những việc làm cụ thể, cuộc sống gia đình ngày một khấm khá và đến nay Bách đã trở thành một triệu phú. Năm 2006, thu nhập của gia đình đạt 120 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm, 5 năm liền được công nhận là gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2007, anh là một trong 4 gương mặt nông dân tiêu biểu toàn tỉnh đi dự Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ III.

Yên Bái là một tỉnh miền núi, lại nằm sâu trong nội địa, cơ sở hạ tầng còn rất thiếu thốn, người nông dân sống chủ yếu là dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp là chính. Song, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với ý chí nghị lực của mỗi cá nhân, nông dân Yên Bái đã và đang từng bước xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày một nhiều trên khắp các miền quê với trên 22 ngàn hộ có mức thu nhập từ 20 triệu đồng/năm trở lên. Họ đang là những nhân tố tích cực xây dựng nông thôn mới.

Thanh Phúc (Bài dự thi Đất và người Yên Bái)

 

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục