Người kỹ sư mặc áo lính

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2004, chuyên ngành Cơ khí chế tạo với tấm bằng hạng ưu, Đỗ Ngọc Cường không ở lại Hà Nội theo lời mời của nhiều liên doanh nước ngoài với mức lương khá cao mà trở về Yên Bái để lập nghiệp .

Về nhận công tác tại phân xưởng sửa chữa xây lắp (SCXL), Điện lực Yên Bái, anh được phân công làm kỹ thuật viên phân xưởng. Buổi đầu nhận việc rất nhiều bỡ ngỡ, nhiều công việc anh chưa hề được học ở trường, thiết bị máy móc đều lạc hậu, nhưng được sự tận tình chỉ bảo của đồng nghiệp, lòng ham học hỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn anh đã nắm chắc các thiết bị hiện có của phân xưởng, đề xuất với lãnh đạo nhiều phương án cải tiến thiết bị có tính chiến lược cao .

Phân xưởng SCXL điện được trang bị hai máy đột dập từ những năm 1980 của thế kỷ trước, máy đã quá già cũ không thể vận hành được, nhiều chi tiết quan trọng không còn cần phải đại tu, sửa chữa mà yêu cầu cho sản xuất cần gấp. Việc đại tu hai máy đột dập này chi phí hơn 30 triệu đồng, nhưng phải gửi đi xưởng tận Hà Nội và  thời gian chờ đợi khá lâu.

Trước yêu cầu của sản xuất, anh đề xuất với lãnh đạo xin được phục hồi, cải tiến hai máy công cụ này. Được cấp trên đồng ý, động viên khích lệ anh lao vào lục tìm lại tài liệu liên quan đến loại máy này. Do máy ra đời đã lâu nên tất cả các lý lịch máy, hồ sơ liên quan đều không còn, mặt khác hiện tại loại máy này hiện không còn nơi nào sản xuất nữa nên không có tài liệu để tham khảo. Khó khăn lại đến, anh tìm đọc trong sách đã học kiến thức về loại máy công cụ, máy có tính năng tương tự để tìm ra cách đại tu, sửa chữa sao cho hợp lý.

 Để đẩy nhanh tiến độ đại tu, cải tạo anh cho tháo rời các chi tiết của máy ra. Những chi tiết nào có thể khắc phục được thì làm ngay, nếu không được đem đặt hàng gia công ở các cơ sở có uy tín. Hàng tháng trời lăn lộn cùng hai cỗ máy, vẽ lại hàng chục bản vẽ các chi tiết của từng bộ phận trong máy để gia công lại, có những lúc anh thấy đuối sức vì công việc không chạy. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo Điện lực và Phân xưởng, các cộng sự, công trình đại tu, cải tiến sửa chữa hai máy đột dập đã hoàn thành và đi vào vận hành sớm hơn thời gian dự kiến.

Đặc biệt, anh đã cải tạo lại lưỡi cắt của máy cho phù hợp với thực tế  với những ưu điểm vượt trội so với cũ, năng suất cao hơn ít bị vỡ lưỡi dao. Theo thiết kế cũ của máy, lưỡi cắt tôn thép của máy là một lưỡi dao có diện tích  lớn nên khi cắt loại tôn thép có tiết diện dày hay bị mẻ lưỡi gây khó khăn cho việc thay, mài lại lưỡi. Anh dùng  lưỡi cũ cải tiến bằng việc chia lưỡi cắt ra thành các phần nhỏ ghép lại với nhau nên không xảy ra tình trạng mẻ lưỡi và cũng dễ dàng khi phải tháo lưỡi ra để mài lại.

Hiệu quả lớn nhất là năng suất cắt và đột lỗ của máy sau khi đại tu, cải tiến tăng lên rất nhiều, máy vận hành trơn trượt gần đạt được công suất thiết kế ban đầu. Việc đại tu, cải tiến làm sống lại hai máy đột dập đã tiết kiệm chi phí gần 20 triệu đồng. Đề tài đại tu, cải tiến thành công hai máy công cụ của anh đã được lãnh đạo Điện lực Yên Bái đánh giá cao trong hội nghị tổng kết công tác năm 2005. 

Cần mẫn trong công việc, khiêm tốn học hỏi, luôn tìm tòi sáng tạo để cải tiến những thiết bị hiện có của đơn vị mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất lao động  là  nhận xét của hầu hết cán bộ , công nhân Phân xưởng SCXL  điện  về kỹ sư Đỗ Ngọc Cường.

Tháng 6 năm 2006 Điện lực Yên Bái triển khai mạng viễn thông điện lực trên địa bàn tỉnh, quá trình triển khai mạng viễn thông phải chế tạo các cột ăng ten phát sóng BTS. Kết cấu của cột BTS bao gồm nhiều đoạn nối với nhau, mỗi đoạn dài từ 3m  đến 4,5m.

Việc gia công chế tạo các đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, làm cách nào khi gia công từng đoạn xong mà có thể lắp lẫn các đoạn với nhau mà không bị lệch tâm, nghiêng cột. Có rất nhiều phương án gia công, chế tạo song chưa có phương án nào khả thi, thuyết phục. Các đề xuất đều mâu thuẫn nhau và rất khó thực hiện. Thời gian triển khai dự án mạng viễn thông rất gấp, yêu cầu của Công ty  Điện lực Yên Bái phải nhanh chóng chế tạo cột ăng ten để lắp đặt.

Trước yêu cầu sản xuất, anh báo cáo giám đốc xin nhận tìm phương án giải quyết. Ban đầu lãnh đạo cũng phân vân, cân nhắc trước đề xuất của Cường, nhưng trước quyết tâm của anh, giám đốc cũng đồng ý và động viên sớm hoàn thành công trình.

Anh lao vào tìm đọc tài liệu, sách vở kiến thức đã học trong nhà trường và  trong thực tế. Hàng tuần liền hì hục với hàng chục bản vẽ chi tiết, đo đạc tính toán từng chi tiết, tham khảo ý kiến cấp trên, đồng nghiệp và các thợ cơ khí có kinh nghiệm. Sau nhiều ngày mày mò, thử nghiệm, sáng kiến gia công bộ đồ gá để chế tạo cột ăng ten đã ra đời.

Chỉ với một thanh thép chữ U  tiết diện 176 x100 x100 mm dài 6 m và hai tấm tôn thép tận dụng dày 10 mm hình tam giác đều. Hai tấm tôn thép này được hàn chặt với thanh thép U ở khẩu độ theo thiết kế của đoạn cột  (từ 3 đến 4,5 m ). Trên hai tấm tôn thép ấy khoan các lỗ đường kính 22 mm để bắt các mặt bích tạọ ra hình tam giác đều. Bộ gá đã hình thành, gắn chặt các mặt bích bằng tôn thép đã khoan lỗ vào hai tấm tôn hình tam giác bằng bu lông, đặt từng ống  thép tròn  76 mm dài từ 3 đến 4,5m vào giá đỡ rồi hàn các đầu ống với từng mặt bích đã được gắn chặt vào hai tấm tôn thép. Dùng dây dọi xác định tâm cho các ống thép, tạo ra mặt phẳng tam giác đều sau đó hàn các thanh giằng giữa 3 ống thép với nhau. Cuối cùng chỉ cần tháo các bu lông mặt bích ra. Việc gia công, chế tạo một đoạn cột đã hoàn tất  với độ chuẩn xác rất cao.

Việc chế tạo thành công bộ gá này cho phép các đoạn cột nối với nhau lắp lẫn  được mà không sợ bị lệch tâm hay nghiêng cột , đây là điều không cho phép khi chế tạo cột ăng ten vì cột có chiều cao từ 36 đến  40m. Nhờ có bộ gá mà việc chế tạo cột ăng ten  rất thuận lợi, năng suất tăng 300%, thời gian chế tạo một cột rút ngắn xuống chỉ còn 5 ngày. Hiệu quả kinh tế  mang lại nhờ bộ gá là rất lớn.  Đề tài gia công bộ đồ gá để chế tạo cột ăng ten của kỹ sư Đỗ Ngọc Cường được Hội đồng sáng kiến của Điện lực Yên Bái đánh giá cao được áp dụng rộng rãi  trong sản xuất. Đề tài của anh được Điện lực Yên Bái đề nghị  Công ty Điện lực I khen thưởng

Mới 27 tuổi đời, gần ba năm trong ngành điện  với 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật , chàng kỹ sư  tuổi Canh Thân - thế hệ 8X  này còn ấp ủ nhiều  dự định cho những sáng kiến sắp tới. Hy vọng những dự định của anh sớm trở thành hiện thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển điện lực ở tỉnh miền núi Yên Bái . Người kỹ sư mặc áo thợ  là  câu nói trìu mến mà anh em phân xưởng SCXL điện âu yếm đặt cho anh . 

Nguyễn Trung Cao

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục