Thầy giáo của bản mường
- Cập nhật: Thứ hai, 31/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là người con dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại bản Lụ, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ, năm 1976, thầy giáo Hà Thanh Tý đến nhận công tác tại xã vùng cao Làng Nhì, huyện Trạm Tấu.
Giờ thể dục của học sinh Trường phổ thông cơ sở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
|
Theo tiếng gọi của Đảng, năm 1979, anh lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc trên chốt lửa, thiếu úy Hà Thanh Tý đã anh dũng chiến đấu, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Anh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được bầu chọn là chiến sỹ thi đua tham dự Hội nghị thi đua toàn quốc tháng 2/1980. Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, anh từ huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trở về quê hương, tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của mình.
Được phân công công tác ngay chính nơi anh sinh ra và lớn lên, cuộc sống khó khăn, vất vả, đồng lương eo hẹp, nhưng anh đã cố gắng vượt qua để bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đến năm 2000, được sự tin yêu của tập thể nhà trường, sự tin tưởng của lãnh đạo Phòng Giáo dục Văn Chấn, anh được chuyển sang làm công tác quản lý tại Trường Tiểu học Phúc Sơn, huyện Văn Chấn. Là cán bộ quản lý, trách nhiệm càng nặng nề, vì xã trong diện 135, điều kiện cơ sở vật chất của trường nghèo nàn, nhà tranh dột nát, học sinh phải dùng tre nứa ghép vào để làm bàn, ghế học; dân trí thấp, phụ huynh lo cái ăn hơn lo việc học chữ cho con em mình; học sinh thì bỏ học giữa chừng, ở nhà giúp gia đình, nhiều em không chịu đi học... Nhưng với "chất lính", không sợ gian khổ anh thường xuyên động viên, khuyến khích kịp thời và quan tâm đặc biệt đến đời sống của từng anh chị em giáo viên.
Bất kể đêm ngày, cứ anh chị em nào có công việc lớn hay ốm đau, anh cùng công đoàn trường luôn có mặt động viên và giúp đỡ. Đây cũng là một động lực thúc đẩy tập thể hoàn thành nhiệm vụ. Thế rồi, từng bước anh tổ chức động viên anh em mở những lớp học xóa mù chữ vào ban đêm, lớp phổ cập vào buổi trưa để tránh vào những giờ lao động, vì học sinh là lực lượng lao động trong gia đình. Anh đã cùng lãnh đạo xã động viên, khuyến khích các học sinh đến trường bảo đảm, không có một em nào trong độ tuổi phải thất học, ở nhà. Nếu có học sinh bỏ học, anh trực tiếp cùng giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà tìm hiểu lý do và động viên các em đi học, trực tiếp cùng giáo viên tìm ra cái yếu của học sinh mình để có biện pháp giáo dục kịp thời.
Được sự quan tâm của Nhà nước những dãy nhà lụp xụp xưa, nay đã được thay bằng nhà 2 tầng khang trang. Học sinh đến lớp 100% đúng độ tuổi, hiện tượng học sinh ngồi nhầm chỗ, nhầm lớp được chấn chỉnh. Tỷ lệ học sinh lên lớn đạt 98%/năm. Năm nào, Trường cũng có đội tuyển học sinh đi thi học sinh giỏi, thi viết chữ đẹp của huyện Văn Chấn và đạt được nhiều giải cao. Trường nhiều năm đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh.
Được dân bản và đồng nghiệp yêu quý, lãnh đạo tin tưởng với sự cống hiến hết mình vì sự nghiệp cá nhân anh, 4 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và được huyện bầu chọn là lao động giỏi đi dự hội nghị thi đua toàn tỉnh Yên Bái.
Tâm sự với tôi, anh nói: "Khó khăn còn nhiều, nhưng đáng quý là chúng tôi có một tập thể giáo viên đoàn kết, hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục; coi học sinh như con, coi trường như gia đình lớn, anh em đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Cho đến bây giờ, mà mình không đưa được sự nghiệp giáo dục Phúc Sơn đi lên thì mình thực sự có lỗi với bà con dân bản nhiều lắm". Tâm sự ấy của người con, người thầy giáo bản Mường mới thật khiêm nhường mà sâu sắc làm sao!
Nguyễn Xuân Tình
Các tin khác
YBĐT - Nằm cách thành phố Yên Bái khoảng 200km về phía Tây Bắc, Mù Cang Chải là huyện thuộc diện vùng cao, vùng xa nhất của tỉnh Yên Bái. Bà con nơi đây hầu hết là người Mông, trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Là người có 15 năm làm xã đội trưởng ở vùng cao Mù Cang Chải, anh Sùng Bla Ký - người con của đồng bào Mông, xã Mồ Dề luôn chứng tỏ được vai trò tiên phong gương mẫu của mình trong công tác giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ, chàng thanh niên dân tộc Thái Lường Láng đã sớm nhận thức được những hậu quả do đói nghèo đem lại. Ngay sau khi học hết phổ thông cơ sở, anh đã vận động nhân dân trong thôn tập trung khai hoang, tận dụng những diện tích đất trống đồi trọc, làm phân xanh... để tăng gia sản xuất.
YBĐT - Nguyễn Văn Vinh nhà ở thôn 5, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên. Gia đình làm nông nghiệp và nhà Vinh nghèo lắm. Mẹ Vinh sinh được 3 chị em, bố Vinh mất lúc Vinh mới 8 tuổi. Mẹ ở vậy, nuôi các con khôn lớn. Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên anh, chị của Vinh chỉ học hết trung học phổ thông rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Còn Vinh luôn suy nghĩ, dù có khó khăn đến đâu Vinh vẫn quyết tâm thi đỗ đại học.