Hai lần gặp Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tôi gặp chị vào một ngày cuối tháng 4 năm 2008. Dù đã bước vào tuổi 66, nhưng chị vẫn còn giữ được nét xuân sắc, duyên dáng của một diễn viên chuyên nghiệp. Nói về sự nghiệp ca hát của mình, chị bồi hồi xúc động kể lại những kỷ niệm không bao giờ quên, đó là hai lần vinh dự được gặp và hát cho Bác Hồ nghe...

Bà Lương Khánh Nguyệt (người có đánh dấu x) cùng Đoàn chụp ảnh lưu niệm trong lần biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch năm 1962.
Bà Lương Khánh Nguyệt (người có đánh dấu x) cùng Đoàn chụp ảnh lưu niệm trong lần biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch năm 1962.

Chị là Lương Khánh Nguyệt, sinh ra tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Lào Cai. Năm 1956, khi mới tròn 14 tuổi, chị được tuyển chọn vào Đoàn Văn công khu Lào - Hà - Yên đóng tại thị xã Yên Bái. Vừa học tập vừa biểu diễn, cô gái người Giáy sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm và trở thành một trụ cột trong đội ca của Đoàn. Năm 1959, chị được phân công lên Lào Cai tham gia thành lập Đoàn Văn công Lào Cai. Tháng 3 năm 1962, chị cùng toàn đoàn đi hội diễn văn công chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hà Nội và đã giành được một huy chương vàng đơn ca, một huy chương bạc cho ca cảnh “Tiễn anh đi khai hoang”. Khi hội diễn kết thúc, chiều hôm đó, chị cùng toàn đoàn được thông báo chuẩn bị tối đi biểu diễn.

Đúng 18h, một chiếc xe ca tiến đến đón đoàn vào Phủ Chủ tịch. Khi xe dừng bánh, mọi người mới biết mình được vinh dự biểu diễn cho Bác Hồ và bà Xu-các-nô, phu nhân Tổng thống In-đô-nê-xi-a xem. Chị được giới thiệu lên hát bài: “Người Giáy ơn Đảng”, bài hát đã đem lại cho chị tấm huy chương vàng. Đã bao lần biểu diễn nhưng lần này là một buổi biểu diễn đặc biệt nên chị không sao nén nổi xúc động... Vừa hát chị vừa nhìn xuống sân khấu, Bác Hồ ngồi đó thật hiền từ, giản dị, chòm râu và mái tóc bạc phơ, ánh mắt sáng ngời, nhìn chị như khuyến khích, động viên. Kết thúc bài hát, Bác đứng dậy vỗ tay, mọi người cùng vỗ tay theo. Chị cúi đầu chào rồi đi về sau cánh gà, bỗng đồng chí bảo vệ của Bác gọi: “Cô bé ơi, xuống Bác Hồ hỏi chuyện!”. Lúc đó dù đã 20 tuổi nhưng chị nhỏ nhắn như một cô bé tuổi 15 - 16. Chị luống cuống đi xuống trước mặt Bác và nói lí nhí trong cổ họng: “Cháu chào Bác ạ!”. Bác cầm tay và khẽ hôn vào trán chị như một người cha hôn con gái lâu ngày gặp lại. Chị cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh và mạnh dạn ngồi xuống bên Bác, trả lời những câu Bác hỏi. Bác hỏi chị: “Cháu đi công tác lâu chưa? Quê cháu ở đâu? Bố mẹ cháu làm gì?”. Chị vừa trả lời vừa ngắm Bác. Người mặc một bộ đồ lụa màu nâu, chân đi dép cao su. Rồi Người nhắc nhở chị cố gắng rèn luyện, học tập để thành tài phục vụ nhân dân.

Chia tay Bác, chị trở về công tác. Tháng 9 năm 1964, chị cùng đoàn đi tập huấn tại Hà Nội chuẩn bị cho chuyến lưu diễn tại Vân Nam - Trung Quốc nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 1/10/1964. Chị tập mấy bài hát Trung Quốc, khi đã tương đối thuần thục thì một buổi tuối, đồng chí trưởng đoàn thông báo chị cùng ban nhạc vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác xem. Mặc dầu đã là lần thứ hai được gặp Bác nhưng cái cảm giác vinh dự, hồi hộp, xúc động, rưng rưng muốn khóc vẫn y nguyên như buổi ban đầu. Chị vẫn nhớ, khi vào chào Bác và khách xong, Bác nói: “Đây là nhà văn Quách Mạt Nhược, một đại văn hào của Trung Quốc, sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bác. Các cháu có bài hát Trung Quốc nào hát cho Bác và khách nghe!".

 Khi đó, chị mới tập xong bài hát “Mao Chủ tịch về thăm nông trang” bằng cả lời Việt - Hoa nên cùng dàn nhạc biểu diễn luôn bài hát đó. Khi hát xong, Bác nói: “Cháu Nguyệt xuống đây ngồi với Bác!”. Thật bất ngờ là vị lãnh tụ bận trăm công ngàn việc thế mà sau hai năm gặp lại, Bác vẫn nhớ cả họ lẫn tên chị, công tác ở đâu, hoàn cảnh gia đình thế nào. Bác mời chị ăn kẹo, uống nước rồi lại hỏi thăm đã xây dựng gia đình chưa, hai năm qua học được những gì. Chị thưa với Bác, kể từ ngày gặp Bác tới nay, chị học hỏi được ở thầy, ở bạn, ở các anh, các chị đồng nghiệp và tiến bộ rất nhiều, chị học cả tiếng và bài hát Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn sắp tới. Bác đã già thêm, nhưng đôi mắt vẫn rực sáng niềm tin và một điều khác nữa, là lần này Bác mặc bộ quần áo ka - ki đã bạc màu, còn đôi dép cao su đã mòn vẹt hết gót.

Trò chuyện một lát đã tới lúc chia tay, Bác căn dặn: “Lần này, các cháu đại diện cho một quốc gia, một dân tộc đi nước ngoài biểu diễn, các cháu phải cố gắng nhiều, đừng để mất thể diện quốc gia, dân tộc. Tiếng Trung Quốc rất khó nên các cháu phải hát sao cho hay, đúng ý, đúng lời, thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Trung. Bác chúc đoàn lên đường mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao!”. Chia tay Bác rồi mà chị vẫn như người trong mơ... Lần đó, các chị sang Trung Quốc biểu diễn thành công tốt đẹp.

Sau lần ấy, chị về tiếp tục công tác tại Đoàn Văn công Lào Cai với trọng trách Đội trưởng Đội ca. Năm 1967, chị xây dựng gia đình với một đồng nghiệp. Năm 1970, chị cùng đoàn tham gia hội diễn văn công chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh và lại giành một huy chương vàng đơn ca. Suốt từ đó đến khi nghỉ hưu năm 1987, chị luôn là một trong những trụ cột của Đoàn Văn công Lào Cai, rồi Đoàn Văn công Hoàng Liên Sơn, được tặng rất nhiều bằng khen và giấy khen. Về nghỉ hưu nhưng chị vẫn tích cực tham gia phong trào văn nghệ của Câu lạc bộ Người cao tuổi phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Năm 1989, người bạn đời của chị ra đi, một mình chị nuôi dạy hai con khôn lớn, trưởng thành. Nhớ lời Bác dặn, chị luôn tu dưỡng bản thân, giáo dục các con trở thành những công dân tốt.

Trong hành trang cuộc đời, kỷ niệm về hai lần gặp Bác còn sống mãi trong chị với một niềm tự hào và thành kính vô bờ.       

 Vũ Quốc Toản
(Ghi theo lời kể của bà Lương Khánh Nguyệt, hiện cư trú tại tổ 7,  phường Yên Thịnh,
thành phố Yên Bái)

Các tin khác

YBĐT - Gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Lương Thiện, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được nhiều người trong xã biết đến nhờ biết làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng.

Cặp nhím 2 năm tuổi có tổng trọng lượng khoảng 13kg của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở khu phố 9, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên). (Ảnh: Tiểu Linh Chi)

YBĐT - Gia đình chị Phạm Thị Loan và anh Phạm Văn Khái ở thôn 11, xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) là hộ nuôi nhím đầu tiên ở xã. Chị Loan cho biết: Trước đây, gia đình chị đã trải qua rất nhiều nghề như: làm may, kinh doanh dịch vụ, nuôi lợn, gà rồi chạy chợ nhưng cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Thế rồi sau khi xem ti vi, nghe đài, đọc báo nói về nghề nuôi nhím, nhất là vào năm 2006, nhân

YBĐT - Nhiều người đến thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được nghe kể về chị Lê Thị Đề - một người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, một người dâu thảo, vợ hiền, một phụ nữ tiêu biểu của xã về nuôi dạy con cái. Gia đình chị liên tục được công nhận là gia đình văn hóa.

6 ha quế mỗi năm cho thu tỉa trên 20 triệu đồng.

YBĐT - Nổi lên trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên mấy năm qua phải kể đến gia đình ông Lý A Đanh, dân tộc Dao, thôn Ao Ếch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục