Tỷ phú rừng ở Thịnh Hưng

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - "Ở thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái) ai cũng biết đến anh Lê Tiền Phương - tỷ phú rừng. Hiện nay, anh có khoảng 50 ha rừng trên 30 hòn đảo lớn nhỏ ở hồ Thác Bà" - đó là lời giới thiệu của anh Phạm Quang Hưng , Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Phương vào ngày tháng Sáu, nóng như đổ lửa.

Đang tất bật với công việc của gia đình, có khách, anh gác lại công việc và đưa chúng tôi đi thăm những đồi keo, đồi quế, đồi chè xanh tốt - thành quả của những ngày "đổ mồ hôi, sôi nước mắt"  để xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Lê Tiền Phương sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 8 người con, anh là con trai trưởng. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp lớp 10, anh lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1986, anh phục viên, trở về địa phương với "hai bàn tay trắng", với bao khó khăn của gia đình. Là con trai trưởng, phải gách vác, lo toan mọi công việc trong gia đình, anh đã bươn trải, lăn lộn trong cuộc sống bằng rất nhiều nghề, như: buôn bán lặt vặt, xúc tôm, bắt cá… nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Làm thế nào để phát triển kinh tế, bảo đảm cho đời sống gia đình và bà con trong thôn là nỗi trăn trở hàng đêm của Phương. 

Đúng vào thời điểm đó, năm 1990, Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, phủ xanh đồi núi trọc, trong đó có hồ Thác Bà. Với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, anh tiên phong nhận đất rừng khai hoang. Để phát triển kinh tế, anh mạnh dạn vay vốn 34 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp để đầu tư trồng chè, trồng bạch đàn trên diện tích đất của gia đình. Những ngày đầu, công việc mới nhưng trong tay không có chút kiến thức về lâm nghiệp, anh mua giống bạch đàn trôi nổi không bảo đảm chất lượng, trồng xuống, cây còi cọc, phát triển chậm. Biết là thất bại, anh rất chán nản nhưng bằng sự quyết tâm cao và ý chí của anh Bộ đội Cụ Hồ, Phương kiên trì tìm kiếm, học hỏi kiến thức về trồng rừng sản xuất; cách thức sử dụng đồng vốn vay cho hiệu quả. Không phụ công người, đến năm 1999, anh đã thành công và thu hoạch được 3 ha bạch đàn mô, nhờ đó cuộc sống gia đình đã tương đối ổn định.

Với số vốn gom góp được, năm 2004, anh tiếp tục nhận thêm đất để trồng rừng, "lấy ngắn nuôi dài", anh trồng cây sắn xen vào đó, mỗi năm thu 20 đến 30 triệu đồng từ cây sắn. Hiện tại, gia đình anh có 45 ha trồng cây lâm nghiệp giống mới như: bạch đàn mô, keo lai, mỗi năm thu hoạch từ 5-10 ha, thu về khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn có 3 ha chè LDP1, năng suất khoảng 12 tấn/ha, doanh thu hơn 70 triệu đồng. Để phát triển kinh tế một cách toàn diện, những năm gần đây, anh còn phát triển cây quế, tre măng Bát độ, nuôi trồng thuỷ sản…

Không chỉ vậy, anh còn tạo việc làm ổn định, cho từ 10 lao động trở lên, bảo đảm thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Đến thời điểm này, gia đình anh là một trong những hộ khá giả trong thôn, từ việc trồng chè, trồng keo, trồng bạch đàn… trừ mọi chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên dưới 80 triệu đồng. Anh Phương tâm sự: "Hiện tại, kinh tế gia đình ổn định nhưng điều vui nhất đó là các con anh đều được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt, được học hành chu đáo. Có thể nói đó là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi". Anh Phương có 3 người con, người con cả đang theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cháu thứ hai vừa tốt nghiệp THPT, con út đang học THCS. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Phương còn tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể. Với uy tín của mình, anh được bà con trong thôn, trong xã nể phục, nhiều hộ trong thôn, xóm đã học tập kinh nghiệm và làm theo anh để xoá đói giảm nghèo, thôn Đào Kiều ngày càng khởi sắc.

Trải qua biết bao gian khổ, người lính "hai bàn tay trắng" năm xưa với ý chí và nghị lực của mình đã vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương Đào Kiều, khơi dậy phong trào thi đua sản xuất giỏi, xoá đói giảm nghèo, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Tuấn

Các tin khác
Chị Thúy (bên phải) trao đổi kinh nghiệm trồng giống chè Bát tiên với chị em trong thôn.

YBĐT - Tôi đã từng gặp và viết khá nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi. Họ đều giống nhau ở chỗ, từ nghèo khó vươn lên không cam chịu đói nghèo.

YBĐT - Đó là gia đình ông Trần Minh Đức ở thôn 9, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Vợ chồng ông luôn có tâm niệm, dù khó khăn đến đâu vẫn phải quyết tâm nuôi con ăn học tới nơi tới chốn.

YBĐT - Đó là gia đình ông Trần Thanh Hải ở khu phố 2, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn, ruộng vườn không có, 6 khẩu ăn chỉ trông chờ vào một suất lương hưu của vợ. Để có thêm tiền chi tiêu hàng ngày và tiền học cho các con, vợ chồng ông làm đủ nghề từ cửu vạn, lao công, trông xe đạp cho các trường học...

YBĐT - Trong phong trào thi đua sản xuất và chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, có hai anh em Hoàng Thanh Hùng và Hoàng Văn Doanh ở thôn 6, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã thể hiện rõ là người năng động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục