Tấm gương sáng ở bản Sang Thái

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Những năm đầu nhận việc, không ít lần chị em không hiểu, chồng con không thông cảm khiến tôi nản chí, nản lòng muốn bỏ việc…”. Nhưng cái nản lòng của chị đã không thắng nổi tinh thần trách nhiệm muốn góp sức làm vơi bớt nhọc nhằn cho chị em thôn bản, nên chỉ là cái nản lòng trong chốc lát. Để rồi thấm thoát chị Hà Thị Liễn đã gắn bó với vai trò Hội trưởng chi hội phụ nữ kiêm cán bộ dân số bản Sang Thái, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ 12 năm nay.

Chị Hà Thị Liễn (người bên trái) trao đổi chuyên môn
với cán bộ phụ nữ xã.
Chị Hà Thị Liễn (người bên trái) trao đổi chuyên môn với cán bộ phụ nữ xã.

Cũng bởi lớn lên từ bản Thái, chị thấu hiểu những cực nhọc mà phụ nữ nơi đây phải chịu, trong đó có nguyên nhân quan niệm trọng nam khinh nữ, sinh đẻ nhiều vì muốn có con trai…và cả việc chị em không có cơ hội, điều kiện tham gia phát triển kinh tế gia đình ngoài việc quanh năm lam lũ với ruộng đồng. Bởi thế, những phiền muộn gặp phải cuối cùng đã không đủ sức làm cho chị từ bỏ hẳn công việc được giao. Sau giây phút nản lòng, là lúc chị suy nghĩ sâu sắc hơn, thấu đáo hơn về công việc với những chất vấn tự đưa ra cho bản thân: “Có phải mình  đã chưa làm đúng cách, chưa biết cách tiếp cận tốt nhất với chị em…?”. Thế là, với lòng nhiệt tình sẵn có, chị đã không chỉ tuyên truyền về công tác dân số cho chị em thôn bản trong các buổi sinh hoạt chính thức của chi hội mà lặn lội đến từng gia đình, tiếp cận từng đối tượng.

Thời gian đầu, có không ít ông chồng và thậm chí cả chị em tỏ ra khó chịu vì sự qua lại nhiều lần của chị. Nhưng sự “chai mặt” của chị khiến đối tượng phải mềm lòng. Rồi tranh thủ cả những lúc làm đồng cùng nhau, chung đoạn đường đi chợ chị cũng thủ thỉ chuyện trò, vận động chị em thực kế hoạch hoá gia đình...Khó khăn nhất vẫn là việc vận động chị em đã nhỡ kế hoạch. Bằng những tâm tình như chị em gái, bằng sự chân thành của người cán bộ trong việc vận động cả người chồng mà nhiều cặp vợ chồng đã thuận ý nghe theo không cố để sinh con thứ ba, thứ tư…

Bằng những ví dụ so sánh cụ thể giữa những gia đình có 1, 2 con và gia đình đông con trong thôn bản, với sự chuyển tải công tác dân số đến chị em bằng tiếng dân tộc theo cách đơn giản dễ hiểu nhất, dân bản ngày càng nhận thức theo chiều hướng chị mong muốn...Nỗ lực của chị đã được đền đáp bằng việc nhiều năm nay bản Sang Thái không có người sinh con thứ ba. Nhiều người trước kia khó chịu khi chị đến nhà vận động, nay nhờ ít con, kinh tế gia đình được khấm khá, bây giờ gặp chị đã nhanh miệng chào trước…

Song, những kết quả có được trong công tác dân số chưa hẳn làm người cán bộ hội phụ nữ này hài lòng. Điều chị mong muốn hơn nữa là làm thế nào cho chị em phát huy được lợi thế hội viên hội phụ nữ trong việc góp phần phát triển kinh tế gia đình, từ đó làm cho tiếng nói, vai trò của chị em được đề cao hơn trước. Bằng những nguồn vốn có được theo kênh của Hội Phụ nữ, chị không chỉ đơn thuần triển khai cho chị em có nhu cầu mà còn với những kiến thức qua tập huấn, học hỏi, giao lưu để tư vấn cho chị em đầu tư nguồn vốn có hiệu quả.

Theo đó, các chị như Lường Thị Xuân, Hoàng Thị Loan… đã mạnh dạn vay với số vốn 30 triệu đồng đầu tư mua máy hút cát, làm dịch vụ xay xát hay chăn nuôi trâu, bò… Hiện, số dư nợ từ nguồn vốn kinh doanh của vùng khó khăn của chi hội là 355 triệu đồng đồng và dư nợ của nguồn vốn hộ nghèo là 54 triệu đồng.

Chị Liễn cho biết: “Nhiều chị em đã trả hết nợ vốn và có điều kiện, nhu cầu để vay nguồn vốn lớn hơn phát triển kinh tế. Đời sống của nhiều hộ gia đình đã khấm khá hơn trước kia”. Để triển khai, khuyến khích chị em vay vốn và sử dụng đồng vốn có hiệu quả, bản thân chị Liễn cũng là một tấm gương để chị em nhìn vào. Chị Hoàng Thị Tiêm - một hội viên của chi hội phụ nữ Sang Thái tâm sự: “Việc kết hợp làm nông nghiệp với năng suất cao và nấu rượu, nuôi lợn cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm của chị Liễn và gia đình cũng là một điều để chị em trong bản học tập”.

Không chỉ tạo ra sợi dây liên hệ gắn kết giữa người cán bộ và hội viên, mà dưới sự tổ chức hoạt động của chị, Chi hội phụ nữ Sang Thái còn là nơi chị em chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cả tinh thần và vật chất. Những lúc gia đình chị em có công có việc: dựng nhà, việc hiếu, việc hỉ hay neo người trong ngày gặt… chị em trong chi hội đều xúm vào mỗi người một tay, một việc.

Đây cũng là dịp để người cán bộ hội phụ nữ kiêm cán bộ dân số thôn tuyên truyền, tư vấn một cách nhẹ nhàng, gần gũi, hiệu quả… Chị Hoàng Thị Thai - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi đã nói rằng: “Phải thừa nhận, bây giờ chị Liễn nói gì chị em cũng dễ thuận lòng, quý mến. Hội Phụ nữ xã cũng thật sự tin tưởng khi giao việc cho một cán bộ như chị Liễn!”.

Thu Hạnh

Các tin khác

YBĐT - Nói đến anh Trần Văn Bình, tổ 1B, phố Hồng Phú, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, mọi người thường khen ngợi, đó là một Bí thư Chi bộ nhiệt tình với công tác xã hội.

YBĐT - Chúng tôi cùng với cán bộ Huyện đoàn Lục Yên về thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế thăm gia đình một thanh niên năng động làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát khỏi nghèo.

YBĐT - Khi tôi đề nghị được giới thiệu một người tiêu biểu trong lực lượng công an xã, không đắn đo nhiều, anh em ở Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Yên Bái giới thiệu ngay anh Bùi Văn Lượng – Trưởng Công an thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.

Xen canh chè với các loại cây công nghiệp, gia đình ông Tới thu trên 10 triệu/năm.

YBĐT – Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tới ở thôn 2, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên (Yên Bái) được bình chọn là gia đình giáo dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất giỏi của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục