Người giỏi trồng rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn 5 gian thoáng đãng, sạch sẽ, anh Lý Văn Thụ kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó, khi hai vợ chồng chịu nắng, chịu mưa gánh từng bầu cây keo giống lên rừng trồng để rồi sau hơn mười năm, những cánh rừng hoang hoá thủa nào đã xanh trở lại và mang lại một cuộc sống no đủ cho gia đình. Hơn thế, trên 5 chục hộ trong thôn Khe Dầu - nơi gia đình anh Thụ sinh sống cũng có cuộc sống ổn định nhờ trồng rừng.

Sinh ra trong một gia đình người Dao nghèo ở xã Động Quan (huyện Lục Yên), cuộc đời anh Thụ đã trải qua nhiều thăng trầm. Đói khổ, đông anh em, việc học hành cũng không đến nơi đến chốn, anh Thụ đã phải tự lập rất sớm để kiếm sống. Trăn trở với cái đói, cái nghèo, anh bàn với gia đình tìm đất khai hoang ruộng để trồng lúa. Nói là làm, với đức tính kiên trì và tháo vát, những khu đất hoang ngày nào dưới bàn tay anh đã biến thành ruộng, nuôi sống cả gia đình; trong khi rất nhiều hộ dân xung quanh đói ăn quanh năm, thì từ năm 1989 gia đình anh đã không còn thiếu ăn. Nhờ sự nhanh nhẹn và giỏi tính toán, anh Thụ đã quyết chí lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Công việc hàng ngày của hai vợ chồng anh là làm vườn, chăm sóc rừng trồng. Anh tâm sự: “Kinh nghiệm của gia đình trong phát triển kinh tế đồi rừng không có gì đặc biệt cả, mỗi năm làm một ít nhưng phải chịu khó và quan trọng là phải biết lấy ngắn nuôi dài".

Hơn 10 ha rừng trồng, bao gồm hơn 2 vạn cây keo và 1 vạn cây quế của anh Thụ đã và đang được khai thác. Không dừng lại ở đó, năm 2003, anh liên kết với một vài anh em trong thôn mở vườn ươm tại nhà, một phần phục vụ trồng rừng, tiết kiệm chi phí, còn lại anh bán cho bà con cùng trồng. Cuối năm ngoái, anh cho khai thác 2 ha bồ đề thu được hơn 100 triệu đồng , trừ mọi chi phí còn thu được trên 40 triệu đồng và đầu năm nay khi tỉa thưa rừng quế quanh nhà cũng thu được 4 tấn quế tươi, bán được 20 triệu đồng. Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giờ đây anh được xem như một triệu phú rừng ở xã Động Quan.  Chính nhờ năng động tháo vát, từ năm 1991 đến bây giờ, anh được bầu làm trưởng thôn.

Không phụ lòng bà con, trong những lần họp thôn bản, với những kinh nghiệm hay, cách làm mới, anh đều chủ động hướng dẫn phổ biến cho bà con. Ngoài ra, anh em trong dòng họ còn khó khăn thiếu thốn, nhất là kinh nghiệm làm ăn, sẵn có điều kiện, anh chủ động giúp đỡ họ về cách trồng rừng, gây dựng kinh tế theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, từ chăn nuôi gà, vịt, đến đào ao thả cá tích cóp được vốn liếng để đầu tư cho trồng rừng. Nhờ đó, nhiều bà con đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Đáng mừng hơn là toàn bộ đất gò đồi của thôn đã phủ một mầu xanh của keo, của bạch đàn và bồ đề. Nhiều hộ trong thôn ngoài có rừng, ao nuôi cá, còn có thiết bị nghe nhìn đắt tiền, có xe máy và con em của họ đã thoát được cái nạn mù chữ.

Hiện giờ, ngoài trồng rừng kinh tế, anh đưa cây khoai tím vào trồng, đắp đập nuôi cá và tiến tới xây dựng thành một khu trang trại sinh thái tổng hợp với đồi cây, ao cá, kết hợp  chăn nuôi đại gia súc và làm dịch vụ. Tấm gương vượt khó của anh Thụ trong phát triển kinh tế rất đáng để cho bà con học tập và làm theo.

Hoàng Anh

Các tin khác

YBĐT - Theo lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Long Hải - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Lý A Trống bản Háng Bla Ha A xã Khao Mang. Ông Trống là một hội viên cựu chiến binh nhiệt tình trong công tác Hội và làm kinh tế giỏi, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

YBĐT - Đó là anh Lương Văn Vân, sinh năm 1967 tại huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Năm 1991, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh lên xã An Bình (huyện Văn Yên) để làm ăn sinh sống và đã kết duyên cùng cô gái Tày là chị Hoàng Thị Bạn.

Ông Tráng Su Vàng đang chăm sóc đàn trâu của gia đình.

YBĐT - Ông Tráng Su Vàng ở thôn Ao Ếch, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) có cuộc sống ấm no như hôm nay nhưng không ai biết rằng trước đây gia đình ông đã từng bôn ba khắp nơi để kiếm sống và trải qua nhiều gian khổ.

Cán bộ chuyên trách dân số xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại. (Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Trong các buổi họp của thôn Đêu 4, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), chị Đinh Thị Viễn lại xin ít thời gian để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Có chị, các buổi họp vui vẻ, sôi nổi hơn bởi sau những nội dung họp nghiêm túc, mọi người lại bảo chị hát cho nghe để thư giãn. Tiếng hát tự nhiên, chân chất của chị được bà con dân bản ưa thích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục