Người hồi sinh đồi hoang

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không mấy khó khăn từ quốc lộ 70 rẽ vào con đường làng lổn nhổn toàn đá hộc, chúng tôi đến khu vực Trại Bò thuộc thôn 11 xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái). Trang trại của gia đình Lê Văn Lưu nằm ở giữa đồi, một bên là khu chuồng trại nuôi bò, còn xung quanh nhà được bao bọc bởi rừng keo xanh rì.

Thật khó mà hình dung nổi những gì mà vợ chồng anh tạo dựng được từ năm 1996 đến nay. Chỉ bằng hai bàn tay trắng, hiện trang trại của gia đình anh Lưu có gần 30 con bò sinh sản, hơn chục con bê và 20 ha rừng keo từ 4 đến 6 năm tuổi. Tính khiêm tốn, tài sản hiện có của trang trại đã lên tới hàng trăm triệu đồng - một cơ ngơi mà không ít người ở đây mơ ước.

Vốn trước đây là địa điểm có mỏ than nâu, những năm 1970 – 1980, nơi đây ngày đêm rầm rập tiếng xe, tiếng máy đến khai thác “vàng đen”. Sau một thời gian khai thác không mấy hiệu quả, mỏ than này cũng rơi vào quên lãng, từng tốp công nhân cũng lần lượt khăn gói ra đi, để lại đây hàng trăm ha đất bị cày xới tan hoang. Mặc cho thiên nhiên và con người tiếp tục tàn phá, những quả đồi ấy cũng biến thành đồi hoang và thứ cây duy nhất tồn tại được là lau lách. Đất đã bị bạc màu, ruộng không có để mà canh tác, trồng loại cây gì cũng không có hiệu quả về kinh tế, nhiều hộ bám trụ ở đây cũng phải lần hồi kiếm bữa.

Khó khăn, lạc hậu lẫn đói khổ, không ai bảo ai, từng gia đình tìm mọi cách chuyển đi nơi khác sinh sống. Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người, năm 1996, đôi vợ chồng trẻ Lê văn Lưu và Nguyễn Thị Thành lại dắt díu nhau ra ngoài này để lập nghiệp. Khi đó tuổi đời của họ còn rất trẻ, mới chỉ ngoài đôi mươi. Nhiều người cho rằng họ “gàn dở”. Nhưng có lẽ xuất phát từ ý chí và khát vọng sống, cùng với ước mơ hoài bão của tuổi trẻ, đôi vợ chồng này đã chiến thắng được chính mình, chinh phục được mảnh đất đầy khắc nghiệt, lập nên một trang trại “xanh” giữa vùng đồi hoang, khiến không ít người ngỡ ngàng và cảm phục.

Theo chân họ đi chăn bò và trồng rừng, chúng tôi đã cảm nhận được phần nào những khó nhọc mà họ phải trải qua trong hơn 10 năm. Anh Lưu vốn ít nói, nên khi hỏi chuyện chỉ đáp rất ngắn gọn: “Khắc làm khắc được, nếu nghĩ đến khó khăn thì sẽ không bao giờ vượt được qua nó”. Và để làm kinh tế đối với Lưu phải tính toán cân nhắc cẩn thận, có hiệu quả kinh tế thì mới làm mới đầu tư. Còn Thành, vợ Lưu, vóc dáng nhỏ bé nhưng luôn chân tay làm lụng. Thành kể: “Ngày hai vợ chồng lấy nhau, gia đình bố mẹ chồng cũng không lấy gì khá giả, lại đông anh em. Được bố mẹ ra ở riêng, hai vợ chồng quyết định ra đây để lập nghiệp.

Giữa vùng đất đồi hoang không một bóng nhà, vợ chồng cùng nhau xin đất dựng nhà. Vốn là đất đá sỏi đã không canh tác được gì, nên cuộc sống không cải thiện là mấy, hai vợ chồng đã phải từng ngày ra sông Chảy đánh bắt cá tôm để kiếm sống. Nhớ lại những ngày đầu khó nhọc ấy, Vất vả lắm Vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, dành dụm mãi mới mua được một con bê cái làm vốn, cứ nuôi dần rồi nó khắc lớn”.

Thế rồi từ con bê giống làm vốn cũng trưởng thành và sinh được bê con. Lúc đó, họ mới chợt nhận ra lợi thế của vùng đồi hoang mà ít nơi  có được, rất phù hợp cho việc chăn nuôi bò. Lợi thế này được 2 vợ chồng tính toán nhân đàn bò lên. Nhưng “cái khó vẫn bó cái khôn”, không có vốn thì không thể tăng đàn bò nên vài năm đầu anh chị chọn cách tăng đàn dần dần. Từ một con bò thành 2 con, được chăm sóc tốt, cộng thêm điều kiện tự nhiên ở đây thích hợp với giống bò vàng, dần dà qua vài ba năm đầu, đàn bò đã được nhân lên. Lưu loại dần từng con bò đực nuôi để bán lấy thịt, còn bò cái khoẻ mạnh giữ lại làm giống. Ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng phải cắt cử nhau từng buổi, sáng, chiều đưa bò ra bãi chăn thả. Chúng cứ lớn lên và phát triển từng ngày - Những con bò vàng béo tốt lông mướt như thảm cỏ sau mưa. Có năm nuôi được nhiều, nhưng giá bò thị trường xuống thấp, nhiều hộ phải bán tống, bán tháo quay lại nuôi trâu nên cũng có lúc Lưu tỏ ra  nản, muốn chuyển nghề khác. Nhưng vợ anh vốn “xót của tiếc công”, đã quyết định không bán vì có bán cũng không được là bao, nếu khôi phục lại cũng mất nhiều công sức.

Vậy là bò được giữ lại, nhưng anh chị lại xoay sang việc khác, đó là trồng rừng. Năm 2000, đúng vào thời điểm, Lâm trường Lục Yên thực hiện chủ trương giao đất, khoán rừng cho người lao động, anh bàn với vợ tiếp tục nhận 20 ha đất đồi rừng để trồng keo. Hai vợ chồng ngày đêm dốc sức đánh gốc bốc trà, làm vườn ươm cây giống, kiên nhẫn trồng từng vạt rừng trên nền đất sỏi. Để rồi năm tháng trôi qua, những rừng keo xanh tốt đã dần thay thế quả đồi trọc ngày nào. Đàn bò cũng sinh sôi ngày thêm đông đúc, hiện tại là đàn bò nhiều thứ hai ở xã. Có được cơ ngơi trang trại như hôm nay, chủ nhân của nó không khỏi tự hào, công sức của mình đã được đền đáp sau gần 10 năm kiên trì bám trụ. Suy nghĩ về lập nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình,  anh Lưu bảo: Nếu nói khó khăn thì rất nhiều, nhưng cái quan trọng là phải biết kiên trì và thích nghi với những khó khăn đấy để rồi vượt qua nó.

Tương lai đang mở ra xán lạn với gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con ngoan, học giỏi. Ngoài việc học, chúng cũng đỡ đần bố mẹ việc chăn bò. Công việc này cũng trở nên thích thú, khi những con bò này trở thành người bạn thân thiết.

Biến đồi hoang thành trang trại, dự định tiếp theo của Lưu là dần cải tạo đàn bò, trồng cỏ voi và mở rộng chuồng trại để nuôi theo phương pháp bán công nghiệp, quy hoạch đắp đập nuôi cá. Thành công của Lưu đến giờ có thể đúc kết ngắn gọn bằng 2 từ: kiên trì và nhẫn nại. 

Hoàng Anh

Các tin khác

YBĐT - Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn 5 gian thoáng đãng, sạch sẽ, anh Lý Văn Thụ kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó, khi hai vợ chồng chịu nắng, chịu mưa gánh từng bầu cây keo giống lên rừng trồng để rồi sau hơn mười năm, những cánh rừng hoang hoá thủa nào đã xanh trở lại và mang lại một cuộc sống no đủ cho gia đình. Hơn thế, trên 5 chục hộ trong thôn Khe Dầu - nơi gia đình anh Thụ sinh sống cũng có cuộc sống ổn định nhờ trồng rừng.

YBĐT - Theo lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Long Hải - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Lý A Trống bản Háng Bla Ha A xã Khao Mang. Ông Trống là một hội viên cựu chiến binh nhiệt tình trong công tác Hội và làm kinh tế giỏi, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

YBĐT - Đó là anh Lương Văn Vân, sinh năm 1967 tại huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Năm 1991, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh lên xã An Bình (huyện Văn Yên) để làm ăn sinh sống và đã kết duyên cùng cô gái Tày là chị Hoàng Thị Bạn.

Ông Tráng Su Vàng đang chăm sóc đàn trâu của gia đình.

YBĐT - Ông Tráng Su Vàng ở thôn Ao Ếch, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) có cuộc sống ấm no như hôm nay nhưng không ai biết rằng trước đây gia đình ông đã từng bôn ba khắp nơi để kiếm sống và trải qua nhiều gian khổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục