Thương binh Trần Công Hùng vượt khó làm giàu

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mặc dù định cư tại tổ 2, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) chưa lâu, song thương binh 4/4 - Trần Công Hùng được hội viên cựu chiến binh cũng như người dân địa phương khâm phục bởi ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu.

Sinh ra và lớn lên tại xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), năm 1968, vừa tròn 17 tuổi, Trần Công Hùng đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ rồi anh được tham gia vào quân tình nguyện giúp nước bạn Lào. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba và 1 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba. Sau 3 năm phục vụ quân ngũ với 2 lần bị thương, anh phục viên trở về địa phương rồi xây dựng gia đình cùng chị Đặng Thị Tâm. Ở riêng với 2 bàn tay trắng, đất đai thì ít, xoay đủ nghề, làm thuê làm mướn vẫn không đủ ăn. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi lần lượt 3 đứa con chào đời.

Năm 1996, anh rời quê hương lên thị trấn Yên Bình mua đất định cư. Khi mới đến, cuộc sống của gia đình anh chị gặp rất nhiều khó khăn bởi tiền vốn không có, trong khi các con còn nhỏ và hay đau ốm thường xuyên. Khó khăn tưởng chừng khó vượt qua là vậy nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính, đồng thời thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh đã vừa đi làm thuê để đảm bảo cuộc sống gia đình, vừa dày công tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của các mô hình kinh tế giỏi ở địa phương. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, tìm hiểu khoa học kỹ thuật qua sách báo để áp dụng vào thực tế của gia đình mình.

Với điện tích đất đai gần 3 ha nhưng chủ yếu là đất đồi nên anh chị đã xác định hướng đi chính của gia đình là trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Những năm đầu chưa có vốn, anh chị đã thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài đầu tư trồng 6 nghìn gốc sắn vừa bán lấy tiền mua con giống vừa làm thức ăn cho chăn nuôi lợn gà.

Tận dụng khe suối trước nhà, anh chị đắp được 3 sào ao nuôi cá, chủ yếu là nuôi cá trắm cỏ, chép lai. Phần đồi thấp sau nhà anh chị trồng 6 sào chè, 2 ha đồi cao anh đầu tư trồng keo. Sau 3 năm, chè cho thu hoạch và cuộc sống gia đình từng bước ổn định. Không dừng lại ở đó, năm 2002, anh Hùng đã khai thác rừng keo được gần 20 triệu đồng,  tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt mỗi lứa từ 30 - 50 con. Thấy chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, năm 2007, anh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại trên 100m2 nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp mỗi lứa nuôi trên dưới 100 con.

Ngoài chăn nuôi lợn, anh Hùng còn đầu tư nuôi gần 100 con gà thịt chủ yếu là gà chọi lai. Anh cho biết, giống gà này có sức đề kháng bệnh tật tốt, thích nghi với phương thức thả đồi, sản phẩm dễ tiêu thụ và giá cao hơn các giống gà khác. Đặc biệt, năm 2007 được sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh, anh vay 13 triệu đồng vào tận Nghệ An học nghề nuôi hươu. Tận dụng nguồn thức ăn thực vật quanh nhà, vật liệu làm chuồng trại lại sẵn có, anh đã mua 2 con hươu giống về nuôi. Đến cuối năm 2008 cắt nhung bán được 10 triệu đồng.

Sau hơn 10 năm vất vả lăn lộn, giờ đây thương binh Trần Công Hùng đã xây dựng được cho gia đình mình một trang trại tổng hợp VACR cho thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Dự kiến trong thời gian tới, anh sẽ đầu tư xây ao để nuôi ba ba. Không chỉ biết vượt khó làm giàu, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước, với cương vị là chi hội phó chi hội nông dân, thương bình Trần Công Hùng còn tích cực động viên, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong tổ làm theo. Thương binh Trần Công Hùng thực sự là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu để mọi người học tập làm theo.

Đức Huân

Các tin khác

YBĐT - Người dân Hán Đà huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Hãnh ở thôn Hồng Quân là một trong những hộ chăn nuôi giỏi vào hạng nhất nhì ở xã này.

YBĐT - Bà Nguyễn Thị Quế trước kia ở huyện Yên Bình, sau đó bà cùng gia đình lên Văn Yên (Yên Bái) xây dựng vùng kinh tế mới và gắn bó với thôn Khe Cỏ xã An Thịnh suốt hơn 40 năm qua. Nhớ lại mấy chục năm về trước, do biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số lại có văn hóa, bà được mời làm giáo viên giảng dạy cho con em đồng bào các xã Đại Sơn, An Thịnh.

YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái), năm 1978, anh Lê Văn Long lên đường nhập ngũ. Năm 1990, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh tiếp tục tham gia Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Yên Thế. Hàng năm, anh luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến đầu năm 2004, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Công an thị trấn Yên Thế.

Nhiều gia đình hội viên phụ nữ huyện Trạm Tấu đã đầu tư phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Chị Nguyễn Thị Chuyên từ vùng quê Thái Bình theo gia đình lên khai hoang, lập làng kinh tế mới tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Người phụ nữ giàu nghị lực này đã tự vươn lên xóa đói nghèo và làm giàu từ chính sức lao động, sự nhanh nhạy của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục