Người giỏi chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2009 | 12:00:00 AM
YBĐT - Người dân Hán Đà huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Hãnh ở thôn Hồng Quân là một trong những hộ chăn nuôi giỏi vào hạng nhất nhì ở xã này.
Hơn chục năm về trước, cũng như nhiều gia đình khác ở trong thôn, đời sống gia đình ông Hãnh gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông phải sớm hôm vất vả, xoay xở đủ cách làm ăn nhưng cũng chỉ tiềm tiệm cho các con ăn học. Ông nghĩ: “Thiên nhiên ưu đãi cho gia đình mình một địa thế thuận lợi về đất đồi rừng, lại ở ven hồ, tại sao mình lại không bắt đầu từ điều kiện sẵn có như vậy?”. Sau khi tính toán, cân nhắc, vợ chồng ông quyết định vay mượn thêm để đầu tư phát triển kinh tế trang trại.
Với tổng quĩ đất 1,5 ha, ông đã quy hoạch: trên đỉnh đồi trồng 0,5 ha keo; lưng chừng đồi thì trồng chè và kế tiếp là trồng cây lương thực ngắn ngày và cỏ voi để phục vụ chăn nuôi, lợi dụng mặt nước hồ nuôi cá lồng; bãi đất bằng là khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong những năm đầu, ông mua bò gầy về vỗ béo kết hợp với chăn thả vài chục con dê, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì thiếu công chăn dắt nên ông chuyển sang nuôi lợn thịt.
Với những kiến thức khoa học kỹ thuật tiếp thu qua các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông đã vận dụng vào chăn nuôi. Ban đầu, để tận dụng được các sản phẩm phụ từ nông nghiệp và sức lao động phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, mỗi lứa ông đầu tư nuôi 8-10 con lợn, sau tăng dần lên 15-20 con. Vừa làm vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm, mỗi năm gia đình ông xuất chuồng được từ 3- 4 tấn lợn hơi và trừ mọi chi phí lãi thu về khoảng12-15 triệu đồng/năm.
Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, chăn nuôi lợn thịt đã giúp cuộc sống gia đình ổn định và có thêm vốn quay vòng sản xuất. Năm 2006, ông quyết định vay ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để mở rộng quy mô chăn nuôi và hàng năm duy trì đàn lợn thịt trên dưới 200 con. Có thời điểm như năm 2007, gia đình ông nuôi trên 750 đầu lợn thịt, xuất bán 60 tấn lợn thịt hơi, thu số tiền hơn 1 tỷ đồng. Khu chuồng chăn nuôi lợn của gia đình ông rộng gần 400 m2 được thiết kế một cách hết sức khoa học và có 34 ô chuồng riêng rẽ để nuôi lợn thịt theo từng lứa tuổi khác nhau. Hệ thống nước rửa chuồng cùng với chất thải của lợn được dẫn vào hệ thống hầm khí Biogas được xử lý làm chất đốt, tận dụng bã thải để chăm sóc cây trồng, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nhờ áp dụng chăn nuôi theo đúng KHKT nên đàn lợn của gia đình ông Hãnh ít khi bị ốm đau, rủi ro, lợn đồng đều, lớn nhanh nên rút ngắn được thời gian nuôi và tư thương vào tận nơi để đặt hàng. Ông Hãnh nhẩm tính mỗi năm gia đình nuôi gối 3 lứa lợn thịt với trên 200 con/lứa, mỗi đầu lợn thịt lúc xuất bán là 80 kg, như vậy với trên 600 đầu lợn xuất chuồng, tương đương với gần 50 tấn lợn hơi, đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư về thức ăn và con giống, thuê nhân công lao động còn thu lãi trên 100 triệu đồng.
Để chủ động thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, gia đình ông đã mua máy nghiền ngô chế biến thức ăn, kết hợp nuôi cả phương pháp thủ công và phương pháp công nghiệp, nấu chín cám ngô trộn với cám đậm đặc, cám viên dạng tổng hợp cho lợn ăn nên đàn lợn tăng trọng nhanh, chắc thịt và dễ bán. Không chỉ phục vụ cho thị trường trong tỉnh, lợn thịt của gia đình ông còn được tư thương từ các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ tìm đến đặt hàng.
Bên cạnh việc phát triển đàn lợn, ông còn đầu tư chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học và đàn gà của gia đình ông nuôi mỗi năm thường đạt ở mức trên 500 con. Năm 2008, ông nuôi 1000 con, xuất bán ra thị trường được 3,5 tấn thu về trên 150 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi trên 20 triệu. Những con gà yếu, còi cọc ông tận dụng chế biến làm thức ăn nuôi trê phi. Hiện nay ao nuôi cá trê phi của ông có khoảng 200 con, mỗi con cân nặng khoảng 1-1,5 kg và với giá như thị trường hiện nay, đi cũng thu về trên 7 triệu đồng. Tận dụng mặt nước hồ, ông nuôi 4 lồng cá trắm cỏ, tạo nguồn thực phẩm sạch an toàn không chỉ phục vụ sinh hoạt của gia đình mà còn bán ra thị trường mỗi năm cũng thu về trên 30 triệu đồng.
Nhờ làm ăn có hiệu quả nên đến nay ông đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang rộng rãi và sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, con cái ông đều trưởng thành và đã xây dựng gia đình. Hàng năm ông lại tiếp tục mở rộng sản xuất, thu nhập của gia đình ông năm sau luôn cao hơn năm trước. Với nguồn thu bình quân của trang trại trên 100 triệu đồng/năm từ việc phát triển chăn nuôi đã giúp ông Hãnh xoá được đói nghèo, vượt qua khó khăn, kinh tế ngày một phát triển. Mong rằng, gương gia đình ông Hãnh dám nghĩ, dám đầu tư để chăn nuôi có hiệu quả sẽ được bà con xa gần học tập và làm theo, góp phần làm giàu cho quê hương Yên Bái.
Lê Thị Hải Yến
Các tin khác
YBĐT - Bà Nguyễn Thị Quế trước kia ở huyện Yên Bình, sau đó bà cùng gia đình lên Văn Yên (Yên Bái) xây dựng vùng kinh tế mới và gắn bó với thôn Khe Cỏ xã An Thịnh suốt hơn 40 năm qua. Nhớ lại mấy chục năm về trước, do biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số lại có văn hóa, bà được mời làm giáo viên giảng dạy cho con em đồng bào các xã Đại Sơn, An Thịnh.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái), năm 1978, anh Lê Văn Long lên đường nhập ngũ. Năm 1990, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh tiếp tục tham gia Ban Chỉ huy quân sự thị trấn Yên Thế. Hàng năm, anh luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến đầu năm 2004, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Công an thị trấn Yên Thế.
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Chuyên từ vùng quê Thái Bình theo gia đình lên khai hoang, lập làng kinh tế mới tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Người phụ nữ giàu nghị lực này đã tự vươn lên xóa đói nghèo và làm giàu từ chính sức lao động, sự nhanh nhạy của mình.
YBĐT - Được ông Hà Tiến Cao - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế VACR của ông Lương Đình Thuỷ, ở thôn 6, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái).