Cách làm giàu của ông Khuyến

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chất giọng mộc mạc, dễ gần của người dân tộc thiểu số - ông Hoàng Văn Khuyến phấn khởi tâm sự với chúng tôi: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo cơ hội, đồng bào địa phương đã tích cực xây dựng phát triển đời sống kinh tế. Gia đình tôi cũng đã tập trung đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, cuộc sống dần ổn định và ngày một khá lên”.

Là người dân tộc Mường, gia đình ông Hoàng Văn Khuyến đã sống lâu đời ở bản Năm Hăn 2, xã Phù Nham (huyện Văn Chấn). Trong xã hiện nay có gần 30% đồng bào Mường nên ở đây được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ khá nhiều chương trình, dự án...

Ông Khuyến cũng hiểu rõ Nhà nước chỉ đầu tư giúp đỡ được phần nào, ông cho rằng mình cần phải biết tự thân vận động, không trông chờ ỷ lại thì mới thoát được nghèo túng, lạc hậu. Đối với gia đình ông, nhiều năm qua cũng được hưởng lợi nhiều từ các chương trình dự án như: khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, rồi được hướng dẫn thâm canh tăng năng suất, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng...

Được hỗ trợ học tập, ông Khuyến rất tích cực nghiên cứu, tìm tòi thêm và bỏ công sức mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. “Trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả”. Đất rừng, cây, con không phụ lòng ông, tất cả đã sinh sôi nảy nở, đơm hoa, kết trái dưới bàn tay chăm sóc của ông. Ông Khuyến phát triển kinh tế gia đình theo từng bước, chậm nhưng chắc. Đối với ông, chẳng có bí quyết gì ghê gớm cả. Muốn thoát nghèo trước hết là phải chịu khó “cày sâu cuốc bẫm” và khi đã có kinh tế ổn định rồi lúc ấy mới tính chuyện làm giàu.

Gia đình ông có 23 ngàn mét vuông đất sản xuất, nếu không chịu khó thì lấy đâu ra đồi cây xanh ngát trị giá hàng chục triệu đồng? Đối với đất gieo trồng 2 vụ lúa khoảng trên 3 ngàn mét vuông, nhiều năm qua ông đã áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa mỗi héc-ta đạt 12-14 tạ/năm. Phần lớn diện tích đất đồi rừng, ngoài trồng cây lâu năm, gia đình ông trồng xen cây ngắn ngày như cây ngô và mỗi năm thu không dưới 6 tấn ngô hạt. Sản xuất được nhiều lúa, ngô, ông Khuyến tập trung đầu tư vào chăn nuôi lợn, gia cầm vừa tăng thêm thu nhập, vừa tăng cường cho bữa ăn hàng ngày.

Ông đã qui hoạch 200 mét vuông chuồng trại để chăn nuôi lợn. Chuồng được chia ra các ô hết sức khoa học, tiện chăm sóc và tiêu độc khử trùng cho gia súc theo qui định. Mỗi năm ông nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 40- 50 con lợn thịt, 3 lợn nái sinh sản. Tính ra, một năm gia đình ông xuất chuồng được 10- 12 tấn lợn hơi. Trong khi dịch bệnh các nơi luôn đe dọa thì do chủ động phòng trừ dịch bệnh tốt, áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi nên với ông hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo. Từ chỗ gia đình hoàn cảnh thiếu thốn, nhờ tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống của hộ ông Khuyến đã có sự đổi thay.

Ông chủ động mua sắm máy nghiền, xay xát để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia đình, kết hợp phục vụ đồng bào trong thôn xóm. Mỗi năm từ xay xát, dịch vụ tạp hoá, ông cũng thu nhập thêm được 7-10 triệu đồng. Ông Khuyến cho biết: trong khoảng 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm tổng thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận cũng được trên dưới 60 triệu đồng. 

Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Khuyến đã thực sự vươn lên thoát nghèo. Ngôi nhà xây khang trang, tiện nghi phục vụ sinh hoạt đầy đủ, con cháu được học hành đến nơi đến chốn... đó là kết quả của con người biết làm giàu chính đáng. Nhìn qui mô phát triển và cơ ngơi của ông, nhiều hộ đồng bào trong khu vực đến học tập làm theo, tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết gắn bó.

Bài học kinh nghiệm mà ông chia sẻ với bà con trong xã hay khi được báo cáo điển hình tại huyện, đó là, tận dụng tốt điều kiện đất đai để tập trung vào sản xuất; lấy nguồn thu từ các loại hình chăn nuôi, dịch vụ cho phát triển kinh tế lâu dài. Bên cạnh đó, ông không quên nhắc nhở bà con phải tính toán tiết kiệm chi phí đầu tư, chi tiêu trong gia đình khi tập trung phát triển mô hình kinh tế. Ông còn cho rằng, kinh nghiệm còn nhiều ngoài cuộc sống nên vẫn phải tích cực học hỏi, đi tham quan các điển hình kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế một cánh bền vững.

Huy Văn

Các tin khác
Chị Lâm Thị Xuyến, thành viên CLB Chia sẻ thôn Thanh Hùng 2, xã Tân Thịnh được hỗ trợ gà giống phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Cơn nghiện lại đến dầy vò thân xác anh M, cũng là lúc chị N.T.G phải hứng chịu những trận đòn vô cớ của người chồng khi không còn tự chủ được bản thân. Mức độ bạo hành ngày càng nghiêm trọng, có lần chị bị đánh gần như, toàn thân bầm dập… nhưng chị G không biết chia sẻ cùng ai để vơi bớt nỗi buồn, bởi chị luôn phải sống trong sự mặc cảm, tự ti vì có chồng nghiện ma tuý và mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

YBĐT - Cô giáo người Tày - Triệu Thị Bộ đến với với nghề không phải tình cờ mà đó là mơ ước từ khi còn là nữ sinh. Tới nay, khi mái đầu điểm bạc, với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo huyện Lục Yên (Yên Bái), nhiệt tình và tâm huyết dành cho nghề vẫn đầy ắp nơi cô.

YBĐT - Gặp Đại uý Lương Trường Tuyên - Đại đội trưởng đại đội bộ binh 1 thuộc tiểu đoàn dự bị động viên (DBĐV) huyện Trấn Yên (Yên Bái) ngay sau khi hoàn thành diễn tập thực binh, anh cho biết: “Trong cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, nhiều đồng chí trong đơn vị lần đầu tiên được tham gia nhưng đều cố gắng luyện tập thể hiện ý chí quyết tâm, do đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...”. Trong kết quả đó có một phần đóng góp của Đại đội trưởng Lương Trường Tuyên, anh đã đảm nhiệm tốt vai trò quản lý, chỉ huy điều hành đơn vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục