Cô giáo Bộ “Hai giỏi”
- Cập nhật: Thứ tư, 11/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cô giáo người Tày - Triệu Thị Bộ đến với với nghề không phải tình cờ mà đó là mơ ước từ khi còn là nữ sinh. Tới nay, khi mái đầu điểm bạc, với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo huyện Lục Yên (Yên Bái), nhiệt tình và tâm huyết dành cho nghề vẫn đầy ắp nơi cô.
Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Lạc (Lục Yên), năm 1982, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Hoàng Liên Sơn, cô Bộ được điều về giảng dạy tại Trường PTCS xã Phan Thanh. Hai năm sau, cô chuyển công tác về Trường PTCS Tân Lập. Năm 1986, cô được điều về Trường Tiểu học Vĩnh Lạc cho đến nay.
Cô tâm sự: “Làm giáo viên, nếu không nhiệt tình, tâm huyết thì không thể đứng vững. Dạy dỗ học sinh không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn dạy cả cách làm người. Mình dạy con mình thế nào thì dạy học sinh như thế”. Với tình thương yêu của người mẹ, ý thức trách nhiệm với học sinh, những năm trước, dù cuộc sống rất khó khăn với đồng lương ít ỏi, cơ sở vật chất nhà trường nghèo nàn, giao thông đi lại khó khăn nhưng cô luôn dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.
Trong giảng dạy, cô luôn tìm tòi, cải tiến phương pháp giảng dạy cũng như ý thức trong việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn. Học sinh lớp cô làm chủ nhiệm hàng năm tỷ lệ lên lớp đạt 99%, có 2 - 3 học sinh giỏi và 50% học sinh tiên tiến. Đến nay, cô giáo Bộ đã có gần 30 năm cống hiến cho nghề. Bấy nhiêu năm trong nghề, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có niềm tin yêu, mến phục của đồng nghiệp và các thế hệ học sinh. Bản thân cô nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Không chỉ say nghề, cô Bộ còn rất năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Hơn mười năm trở lại đây, khi đã ổn định cuộc sống, được chồng là cán bộ tư pháp xã động viên, các con đã lớn ngoài giờ học cũng có thể giúp đỡ gia đình, hàng ngày, ngoài việc trường, cô cùng chồng, con khai phá 2 ha đất để trồng quế. Khi có chủ trương giao đất, giao rừng, khoán đến từng hộ, cô nhận thêm 20 ha đất trống, đồi trọc ở bản Mường để trồng rừng kinh tế với quế, keo, bồ đề. Rừng trồng chưa khép tán, gia đình trồng thêm lúa nương, sắn, ngô phục vụ chăn nuôi. Khu đồi rừng, nay gia đình đã quy hoạch thành trang trại gồm 2 ao thả cá, xây cất chuồng trại chăn nuôi lợn và gia cầm. Trong chuồng lúc nào cũng có từ 4 - 5 con lợn nái, trên 20 con lợn thịt và hàng trăm con gà, vịt. Tính chung nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, mỗi năm đạt trên 80 triệu đồng, chưa kể đến nguồn thu bạc tỷ từ rừng quế, bồ đề, keo đang đến tuổi khai thác.
Có điều kiện, cô đã đầu tư 65 triệu đồng thuê máy ủi san gạt, hoàn thiện tuyến đường từ thôn Yên Phú lên trang trại của gia đình dài trên 70 m phục vụ vận chuyển hàng hóa nông sản đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho các hộ dân trong khu vực. Cũng từ nguồn thu nhập chính đáng, gia đình đã xây dựng ngôi nhà sàn khang trang với đầy đủ tiện nghi. Con trai cả của cô đang học năm cuối Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, con gái đang học Đại học Y khoa Hải Phòng và cả hai đều học khá, chăm ngoan. Gia đình cô còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, quỹ “Vì trẻ thơ”, “Vì nữ công nhân lao động nghèo”, “Tấm lòng vàng” và tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Gần 30 năm tận tâm, tận lực và say mê với nghề, học sinh của cô giáo Bộ lớp lớp đã trưởng thành. Cô giáo Triệu Thị Bộ là tấm gương sáng “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Gặp Đại uý Lương Trường Tuyên - Đại đội trưởng đại đội bộ binh 1 thuộc tiểu đoàn dự bị động viên (DBĐV) huyện Trấn Yên (Yên Bái) ngay sau khi hoàn thành diễn tập thực binh, anh cho biết: “Trong cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, nhiều đồng chí trong đơn vị lần đầu tiên được tham gia nhưng đều cố gắng luyện tập thể hiện ý chí quyết tâm, do đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...”. Trong kết quả đó có một phần đóng góp của Đại đội trưởng Lương Trường Tuyên, anh đã đảm nhiệm tốt vai trò quản lý, chỉ huy điều hành đơn vị.
YBĐT - Đến thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) hỏi thăm chị Nguyễn Thị Loan ở tổ 6 thì mọi người đều biết đó là một hội viên phụ nữ đã vươn lên từ đói nghèo, đặc biệt sống rất tình nghĩa.
YBĐT - Đến xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái hỏi gia đình ông Vì Văn Sang ai cũng biết và kể rành rọt về ông. Ông không chỉ là một trong những người dân, dân tộc Khơ Mú đầu tiên thực hiện hạ sơn lập nên bản Nậm Tộc 1 và Nậm Tộc 2, mà ông còn là người đầu tiên biết trồng lúa nước, trồng rừng phát triển kinh tế gia đình trở thành triệu phú và đã dạy bảo các con học hành thành đạt.