Chị trưởng thôn Pá Thoọc

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Pá Thoọc là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) với địa bàn khá rộng, giao thông đi lại khó khăn. Thôn có đồng bào Tày, Dao, Mường, Thái... cùng chung sống. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên những năm qua, đói nghèo vẫn đeo đẳng. Phải tìm cách để giúp người dân thoát nghèo đói luôn đè nặng trong suy nghĩ của chị Hoàng Thị Thanh Hường – Trưởng thôn Pá Thoọc.

Bước sang tuổi 37, chị Hường từng đảm nhiệm nhiều chức trách ở thôn. Năm 2005 - 2007, chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số – gia đình & trẻ em. Tháng 8/2008, chị được tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Làng văn hóa. Đến tháng 8/2009, chị lại thêm nhiệm vụ là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của thôn. Nhận thấy nguồn gốc của vấn đề nghèo đói đều ở trong dân, chị nghĩ, cần đoàn kết mọi người lại để cùng nhau xóa đói giảm nghèo.

 Trước tiên là thay đổi phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chị bỏ nhiều công sức để học tập kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật qua sách báo, các lớp tập huấn để phổ biến cho bà con. Đến nay, người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành đa nghề, áp dụng nhiều mô hình sản xuất như trồng lúa chất lượng cao, luân canh tăng vụ bằng trồng rau màu để tăng thu nhập và có phụ phẩm phục vụ chăn nuôi.

Chị cũng vận động bà con tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng cây keo, quế, bồ đề, tre măng Bát Độ. Những đóng góp của chị trong công tác vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo nay đã được đền đáp. Năm 2007, thôn Pá Thoọc có 23 hộ nghèo thì nay chỉ còn 2 hộ, số hộ khá và giàu ngày càng nhiều. Hàng năm, trẻ em được đi học đầy đủ; nhiều nhà đã sắm được ti vi, xe máy và nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chị Hường cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đoàn kết nhân dân cùng xây dựng thôn Pá Thoọc ngày càng tiến bộ. Năm 2006, thôn ra mắt xây dựng làng văn hóa. Chị cùng các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ”, vận động đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống tiến bộ.

Hiện nay, trên 90% gia đình của thôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhiều năm liền. Thông qua các buổi họp thôn, chị Hường cùng các cán bộ thôn kết hợp tuyên truyền về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nêu cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, góp phần tạo điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất. Năm 2007 và 2008, thôn Pá Thọc được UBND xã Hưng Khánh, UBND huyện Trấn Yên tặng giấy khen cho tập thể cán bộ và nhân dân với thành tích trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công việc bận rộn nhưng chị Hường đã sắp xếp thời gian hợp lý để chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con và phát triển kinh tế. Chị tâm sự: “Công việc nhiều nên phải tranh thủ thời gian, có khi cả buổi tối để đến nhà dân vận động. Có gia đình ủng hộ nên tôi luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao vì mình là đảng viên và là “người đầy tớ” của dân mà”. Nói đi đôi với làm, nhiều năm qua, chị Hường cùng gia đình tích cực phát triển kinh tế, gia đình luôn thuận hòa, các con ngoan ngoãn, học giỏi để làm gương cho mọi người trong thôn.

Chị Hoàng Thị Thanh Hường đã vinh dự nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2008. Và chị cũng vinh dự được chọn là đại biểu của xã Hưng Khánh đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trấn Yên năm 2009.

Kim Oanh

Các tin khác

YBĐT - Ông Trần Trọng Dân được người dân xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên (Yên Bái) biết đến không chỉ với vai trò là một Chủ tịch Hội Nông dân xã gương mẫu, nhiệt tình mà còn là một người trồng trọt, chăn nuôi giỏi. Ao thả cá với diện tích hơn 200 m2, 20 ha rừng, 300 con gà, 20 con dê, 3 con lợn nái rừng, chính là những thành quả của quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của ông Dân sau nhiều năm lao động.

YBĐT - Chất giọng mộc mạc, dễ gần của người dân tộc thiểu số - ông Hoàng Văn Khuyến phấn khởi tâm sự với chúng tôi: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo cơ hội, đồng bào địa phương đã tích cực xây dựng phát triển đời sống kinh tế. Gia đình tôi cũng đã tập trung đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, cuộc sống dần ổn định và ngày một khá lên”.

Chị Lâm Thị Xuyến, thành viên CLB Chia sẻ thôn Thanh Hùng 2, xã Tân Thịnh được hỗ trợ gà giống phát triển kinh tế gia đình.

YBĐT - Cơn nghiện lại đến dầy vò thân xác anh M, cũng là lúc chị N.T.G phải hứng chịu những trận đòn vô cớ của người chồng khi không còn tự chủ được bản thân. Mức độ bạo hành ngày càng nghiêm trọng, có lần chị bị đánh gần như, toàn thân bầm dập… nhưng chị G không biết chia sẻ cùng ai để vơi bớt nỗi buồn, bởi chị luôn phải sống trong sự mặc cảm, tự ti vì có chồng nghiện ma tuý và mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

YBĐT - Cô giáo người Tày - Triệu Thị Bộ đến với với nghề không phải tình cờ mà đó là mơ ước từ khi còn là nữ sinh. Tới nay, khi mái đầu điểm bạc, với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo huyện Lục Yên (Yên Bái), nhiệt tình và tâm huyết dành cho nghề vẫn đầy ắp nơi cô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục