“Tổ bác Hưng”

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/12/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong Hội nghị tuyên dương làng, bản, tổ dân phố tiêu biểu tỉnh Yên Bái lần thứ nhất, giai đoạn 2000 – 2009, tổ 22, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) vinh dự là một trong 39 làng, bản, tổ dân phố tiêu biểu. Có được kết quả đó, phải kể đến đóng góp không nhỏ của người tổ trưởng giàu nhiệt huyết và tận tuỵ - ông Trần Duy Hưng.

Người dân phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) thi đấu thể thao trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. (Ảnh: Minh Đức)
Người dân phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) thi đấu thể thao trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. (Ảnh: Minh Đức)

Hơn 15 năm qua, ông Hưng đã làm công việc mà nhiều người gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” bằng tất cả tấm lòng. Đến nay, khi đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt tình với công tác chung.

Tổ 22, nằm trên tuyến đường Yên Ninh và đường Tô Hiệu (thành phố Yên Bái). Ở vị trí trung tâm thành phố nên tổ có thuận lợi về điều kiện kinh tế, xã hội nhưng đồng thời cũng là khó khăn trong việc đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự. Tổ có 42 hộ, 145 nhân khẩu thuộc nhiều thành phần khác nhau, để gắn kết bà con trong tổ thành một khối đoàn kết, thống nhất là một việc làm không dễ. Ông Hưng đã cố gắng xây đắp tình đoàn kết của bà con trong tổ bằng những việc làm cụ thể. 15 năm trước, khi mới được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, tình hình của tổ khá phức tạp, thường xuyên xảy ra cãi vã, xích mích trong nhiều gia đình hoặc những bất hoà giữa hàng xóm, gây mất trật tự, tệ nạn xã hội thường xuyên xảy ra...

Để giải quyết những vấn đề tồn tại này, ông chia tổ thành 5 nhóm tự quản, mỗi nhóm từ 7 – 10 hộ có các nhóm truởng đứng đầu. Nhờ hoạt động tích cực của các nhóm này mà công tác tự quản và hoà giải những vướng mắc trong gia đình và giữa các hộ gia đình thực hiện có hiệu quả, an ninh trật tự đảm bảo, tệ nạn xã hội giảm hẳn, tệ nạn ma tuý được ngăn chặn và đẩy lùi. Nhận thấy đảng viên đóng vai trò nòng cốt, là hạt nhân lãnh đạo nhân dân trong tổ thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ông đã gắn kết hoạt động của 28 đảng viên trong tổ với hoạt động chung của toàn thể nhân dân.

Hơn 10 năm qua, vào ngày 3/2 hàng năm, ông đã tổ chức gặp mặt giữa đảng viên và quần chúng nhân dân để gắn kết các tầng lớp nhân dân trong tổ. Không chỉ vậy, ông còn tổ chức giao lưu các thế hệ phụ nữ nhân ngày 8/3 hay gặp mặt các thầy, cô giáo vào ngày 20/11. Nhờ vậy, các tầng lớp nhân dân trong tổ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi hiểu nhau hơn, tự hoá giải được những hiềm khích và góp phần xây dựng đời sống văn hoá.

Ông luôn tâm niệm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm để dân tin”. Ông thường xuyên tới thăm từng hộ gia đình và lắng nghe những ý kiến của người dân để có những đề nghị thiết thực tới chính quyền địa phương. Đồng thời, ông cũng là chiếc cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới gần với người dân. Bởi ông hiểu rằng, việc “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Những cống hiến của ông Hưng đã được đền đáp xứng đáng. 100% các hộ dân trong tổ là gia đình văn hoá, tổ 22 nhiều năm liền được công nhận “Tổ dân phố văn hoá” Phần thưởng quý giá nhất mà ông Trần Duy Hưng nhận được không phải là những tấm bằng khen mà là sự tín nhiệm và tin yêu của người dân trong tổ. Vì vậy, nhiều người trong tổ 22 gọi đây là “tổ bác Hưng”.

Nếu như tất cả mọi tổ dân phố trên địa bàn thành phố Yên Bái đều như “tổ bác Hưng” thì phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” sẽ đạt hiệu quả cao hơn và để phong trào thành công không thể thiếu những người con người nhiệt tình như ông Trần Duy Hưng.

Hồng Khanh

Các tin khác
Đại tá Nguyễn Văn kỳ (thứ hai từ phải sang) tham dự hội thảo tại Điện Biên Phủ.

YBĐT - Trong Bộ chỉ huy, Đại tá Nguyễn Văn kỳ không những đảm nhiệm tốt vai trò chỉ huy trưởng mà xứng đáng người anh mẫu mực, người đồng chí tận tụy trong “ngôi nhà” của lực lượng vũ trang tỉnh. Đóng góp của ông cùng Đảng ủy - Bộ Chỉ huy xây dựng cơ quan, đơn vị ngày một chính qui, hiện đại, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.

Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi trâu sinh sản.

YBĐT - Ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có ông Sùng A Mảng - người dân tộc Mông đã biết cách đưa gia đình thoát nghèo đói và đi đến làm giàu.

YBĐT - Ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái), có anh nông dân được mọi người yêu mến, nể phục vì sự tận tuỵ với công việc, đặc biệt là khả năng làm kinh tế, giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Đó là anh Cầm Xuân Hiếu, 41 tuổi, ở thôn Gốc Quân.

Vợ chồng anh Thôi Đức Lượng chăm sóc cây rừng trồng.

YBĐT - Tôi biết anh từ khi tham gia quân đội, đóng quân ở Mường Khương (Lào Cai) với những năm tháng gian khó xây dựng phòng tuyến biên giới phía bắc. Chính những năm tháng ấy đã tạo bản lĩnh vững vàng cho Thôi Đức Lượng - một người con dân tộc Cao Lan ở xã Bạch Hà (Yên Bình) và giúp anh tự tin, dám nghĩ dám làm trên trận tuyến mới: làm giàu cho mình và vận động nhân dân trong khu dân cư phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục