Anh nông dân dám nghĩ, dám làm
- Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái), có anh nông dân được mọi người yêu mến, nể phục vì sự tận tuỵ với công việc, đặc biệt là khả năng làm kinh tế, giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Đó là anh Cầm Xuân Hiếu, 41 tuổi, ở thôn Gốc Quân.
Khoảng hơn mười năm trước, cũng như bao hộ nông dân khác, cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, trong khi 3 người con đang tuổi đi học, hai vợ chồng là lao động chính nên thường rơi vào cảnh đứt bữa. Sau nhiều trăn trở tìm cách đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, anh quyết định chọn mô hình RAC làm hướng phát triển kinh tế. Với số vốn ít ỏi, anh đầu tư trồng 1 ha cây bồ đề. Những ngày đầu bắt tay vào công việc thực sự khó khăn, vất vả.
Song, xác định hướng đi lâu dài bền vững, anh thường xuyên tham gia những lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi kết hợp với tham quan những mô hình kinh tế điển hình ở trong và ngoài huyện. Sau 8 năm, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình, 1 ha bồ đề đã cho khai thác và thu về 50 triệu đồng.
Từ thành công và số vốn thu được ban đầu, khi thấy nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, anh mạnh dạn nhận thêm 10 ha đất lâm nghiệp để trồng quế, bồ đề và keo. Anh bộc bạch: “Mới đầu, nhìn những cánh rừng chỉ toàn cỏ dại, đất đai khô cằn, heo hút cả gia đình ai cũng lo lắng nhưng với sự cần cù, quyết tâm và sự động viên, giúp đỡ của chính quyền xã nên 10 ha rừng sinh trưởng tốt và chỉ còn 3 năm nữa là có thể khai thác”. Với 1 mẫu ruộng, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, chăm bón nên hàng năm anh thu về hơn 4 tấn thóc đảm bảo lương thực cho sinh hoạt và chăn nuôi. Anh tâm sự: “Trước kia, mình thấy các cụ nuôi vài con lợn, mỗi năm xuất một lứa, như thế tính ra không có lãi. Giờ mình sẵn có nguồn lương thực dư thừa tại chỗ, tại sao lại không tận dụng để phát triển chăn nuôi?”.
Nghĩ là làm, ban đầu anh chỉ nuôi vài con, sau khi đã có kinh nghiệm, cộng với số tiền tích góp được anh phát triển số lượng đầu lợn lên 50 con, mỗi năm xuất 3 lứa, trừ mọi chi phí cũng lãi 50 triệu đồng. Đồng thời, anh còn nuôi thêm 3 con lợn nái để chủ động con giống và giảm chi phí đầu vào. Theo anh, trong chăn nuôi, việc bảo đảm đầy đủ nguồn lương thực là rất quan trọng. Vì thế, ngoài 1 ha đất đồi trồng ngô anh còn tận dụng 1 mẫu ruộng để trồng thêm ngô vào vụ đông nên mỗi năm có gần 7 tấn ngô cho chăn nuôi.
Tận dụng vùng trũng dưới chân đồi, anh đầu tư 5 triệu đồng đắp đập nuôi thả cá. Tuy nhiên, chưa kịp hưởng thành quả thì trận lũ năm 2005 đã cuốn phăng con đập cùng toàn bộ cá đang phát triển. Đập vỡ anh lại xây. Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm thoát nghèo, mỗi năm anh thu về hàng chục triệu đồng từ việc bán cá. Từ những đồng vốn tích góp được trong trồng trọt và chăn nuôi, anh Hiếu đã mua được máy xay xát phục vụ gia đình và bà con. Đồng thời còn mua được một chiếc ô tô tải 3,5 tấn trị giá 220 triệu đồng để vận chuyển hàng hóa, lương thực vào mùa vụ. Nhờ tích cực làm kinh tế, kết hợp hài hòa mô hình RAC nên hàng năm gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng, cuộc sống giờ đã no đủ, nhà cửa khang trang, con cái trưởng thành.
Ông Nguyễn Văn Hiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Cuông cho biết: “Anh Hiếu là một trong những hội viên xuất sắc của Hội. Anh là người đầu tiên trong xã biết chuyển đổi từ trồng lúa nương kém năng suất sang trồng rừng. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua từ văn hóa, văn nghệ, thể thao đến phát triển kinh tế anh đều tham gia nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc. Ngoài ra, anh còn cho các hội viên và bà con trong xã vay vốn không lấy lãi. Anh là tấm gương sáng để những hội viên khác học tập và làm theo”.
Dự định trong tương lai của ông chủ thật lớn lao: “Mình đã xuống tận Vĩnh Phúc để học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi cá sấu, tiến tới sẽ xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu. Đồng thời, đầu tư xây lò sấy sắn khô, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây sắn và mở rộng việc chăn nuôi lợn lên 80 đến 100 con”. Với những thành tích và đóng góp của mình, anh đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2003 - 2008.
H.C
Các tin khác
YBĐT - Tôi biết anh từ khi tham gia quân đội, đóng quân ở Mường Khương (Lào Cai) với những năm tháng gian khó xây dựng phòng tuyến biên giới phía bắc. Chính những năm tháng ấy đã tạo bản lĩnh vững vàng cho Thôi Đức Lượng - một người con dân tộc Cao Lan ở xã Bạch Hà (Yên Bình) và giúp anh tự tin, dám nghĩ dám làm trên trận tuyến mới: làm giàu cho mình và vận động nhân dân trong khu dân cư phát triển kinh tế để thoát nghèo.
YBĐT - Với tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề và sự thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Phấn luôn nỗ lực cố gắng, phấn đấu hết mình để xứng đáng với niền tin yêu, niềm tự hào là người thầy của Bản.
YBĐT - Bắt đầu bằng hai bàn tay trắng như rất nhiều đôi vợ chồng trẻ khác, nhưng nhờ chịu khó học hỏi mà vợ chồng anh Phạm Đức Toàn và chị Nguyễn Thị Điểm ở tổ 8, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) đã thoát nghèo và bắt đầu làm giàu.
YBĐT - “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào Xa Phó chúng tôi đã có cơm ăn áo mặc. Bản thân tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình tôi đã có của ăn của để, các cháu được học hành tiến bộ...”. Đó là lời tâm sự chân thành, cởi mở của ông Lương Minh Các, người dân tộc Xa Phó, ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) khi nói về những đổi thay của gia đình và địa phương.