Gương sáng người cao tuổi
- Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2010 | 2:44:02 PM
YBĐT - Là hội viên Hội Người cao tuổi thôn Cầu Có, xã Đông Cuông (Văn Yên - Yên Bái), ông Nguyễn Đức Thọ dân tộc Tày năm nay 65 tuổi, đã nêu tấm gương sáng để bà con trong thôn học tập.
Ông kể, trước đây gia đình ông cũng như các hộ ở trong thôn chỉ gieo cấy 2 vụ lúa, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp là chính, kinh tế hộ gia đình chậm phát triển, đời sống các hộ gặp nhiều khó khăn, chưa xác định được hướng đi lên để thoát nghèo và làm giàu. Từ nhận thức đó, dù tuổi đã cao, sức khoẻ có hạn, song ông nghĩ mình phải làm việc gì đó cho con cháu học tập, noi theo dựa trên phương châm “sống khoẻ, sống có ích”.
Nhiều năm trước, việc vận động nhân dân ở thôn trồng cây vụ 3 hết sức khó khăn, một bộ phận nhân dân còn chưa tin tưởng vào hiệu quả của thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Để có mô hình tốt giúp người dân thấy được hiệu quả mà làm theo, ông Thọ đã cùng gia đình đi đầu trong việc thâm canh tăng vụ.
Nhà ông có 7 sào ruộng, nếu chỉ sản xuất đơn thuần thì cũng chỉ đủ lương thực cho cả nhà. Vì vậy, ông quyết định bàn bạc với gia đình và trao đổi thống nhất với một số hộ trong thôn trồng cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa. Bước đầu triển khai còn có những vướng mắc, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên việc tăng vụ có nhiều thuận lợi và vụ đầu tiên năng suất đạt khá cao, hơn 180 kg/sào.
Vụ đó, gia đình ông Thọ thu trên 1,3 tấn ngô. Chứng kiến kết quả từ thực tế, nhiều hộ trong thôn dần dần làm theo, nhất là vụ đông năm 2009, cả 105 hộ của thôn đều trồng ngô đông trên đất 2 lúa. Toàn thôn diện tích gần 19 ha ruộng 2 vụ, đến vụ đông không còn một mảnh ruộng trống. Bên cạnh việc thâm canh tăng vụ, ông Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi một số giống cây trồng, vật nuôi bằng giống mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi mô hình đều có sự dày công chăm sóc của ông, nào là nuôi gà siêu trứng, vịt siêu trứng, lợn nái sinh sản, nuôi nhím, rồi đến cải tạo vườn cây sang trồng mít Thái, táo đại. Từ chỗ kinh tế khó khăn, gia đình ông Thọ đã vươn lên thành hộ khá trong thôn. Trong nhà ông hiện giờ đã có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cũng như trang bị máy móc tăng gia sản xuất được thuận lợi.
Không những thế, ông còn dành một phần nhỏ về vốn, cây con giống tích cực giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn phát triển kinh tế gia đình. Điều mà ông Thọ cũng như bao người dân trong thôn mừng nhất đó là, nhiều hộ ở thôn Cầu Có đã thoát nghèo nhờ tích cực lao động sản xuất thâm canh tăng vụ và số hộ nghèo trong thôn hiện chỉ còn 1 hộ.
Những kết quả mà ông Thọ và người dân thôn Cầu Có đã làm được thể hiện sự khát khao vươn lên làm giàu chính đáng, không cam chịu đói nghèo của đồng bào trong thôn. Sự tận tụy, dám nghĩ, dám làm của ông Nguyễn Đức Thọ, hội viên Hội Người cao tuổi thôn Cầu Có xứng đáng là tấm gương sáng của người cao tuổi tiên phong, mẫu mực được nhân dân tin yêu.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Sau 5 năm xây dựng, trang trại của gia đình ông đã rất quy mô và khoa học với hơn 1.000 con vịt, trung bình mỗi ngày cho thu 800 quả trứng. Vịt của ông nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên có uy tín trong và ngoài xã.
YBĐT - Thật tình cờ trong chuyến công tác về xã Y Can (Trấn Yên) để tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Dao nơi đây, tôi được đồng chí Chủ tịch UBND xã giới thiệu gặp ông Dương Hồng Tư, thôn Minh An, một thương binh 4/4, trưởng bản người Dao có công rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hoá của đồng bào Dao. Ông cũng là một trong 6 gương mặt tiêu biểu đại diện cho huyện Trấn Yên được vinh danh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.
YBĐT - “Tại sao những người nông dân khác có thể làm giàu từ đất còn đồng đất quê mình nhiều nhưng lại chưa được như vậy? Sau nhiều năm xuôi ngược, tôi thấy không nơi đâu bằng đất quê mình”. Đó là lời tâm sự của anh Phạm Đức Hồng (thôn Phúc Hoà 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình). Nhờ chăm chỉ, cần cù lao động và biết tính toán đến nay mới gần 40 tuổi nhưng anh đã là chủ trang trại theo mô hình VACR mang lại giá trị kinh tế cao.
YBĐT - “Cô giáo Hoàng Thị Lê Na là người tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có chuyên môn vững vàng và luôn tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo sự hứng thú cho học sinh. Cô là tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong năm học 2008 – 2009”. Đó là nhận xét của thầy Đỗ Xuân Hưng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Trấn Yên.