Người mang đào Nhật Tân lên núi
- Cập nhật: Thứ năm, 7/1/2010 | 9:52:50 AM
YBĐT - Sau nhiều lần về Hà Nội, qua làng đào Nhật Tân, thấy không khí nhộn nhịp mỗi khi xuân về, anh nghĩ: “Sao Yên Bái quê mình cũng có cái rét ngọt của mùa đông mà nghề trồng đào vẫn chưa phát triển. Trong khi đó, nhu cầu chơi đào tết của người dân ngày càng nhiều?”. Nghĩ là làm! Anh đã mạnh dạn mang cây đào Nhật Tân lên phố núi và anh Thanh là một trong những người đầu tiên trồng đào ở Yên Bái.
|
Mỗi dịp tết đến, những nụ đào lại bung cánh hoa thắm mịn màng, dịu dàng chào đón xuân sang và tết của người Việt không thể thiếu một cành đào. Những gia đình khá giả thì chơi đào thế, đào rừng vài triệu thậm chí vài chục triệu đồng, những người chưa được dư giả chỉ cần cành đào vài chục ngàn đồng cũng đủ làm nên một sắc xuân. Tất cả mọi người sau một năm lao động vất vả, đều mong những cánh hoa thắm đỏ sẽ mang đến may mắn cho một năm mới. Nhưng ít ai biết rằng, để có được những cành đào tươi thắm là biết bao công sức nhọc nhằn sớm hôm của người trồng đào. Anh Phạm Đức Thanh ở tổ 18, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) là một trong những người như thế.
Cây đào đã gắn bó với gia đình anh 15 năm nay như một cái duyên. Vốn là một người yêu hoa từ nhỏ nên đến giờ, mặc dù bận công tác nhưng niềm đam mê đó vẫn theo anh. Trước kia, trong khu vườn rộng gần 1.000 m2, anh trồng chủ yếu là hoa cúc và hoa hồng. Nhưng sau nhiều lần về Hà Nội, qua làng đào Nhật Tân, thấy không khí nhộn nhịp mỗi khi xuân về, anh nghĩ: “Sao Yên Bái quê mình cũng có cái rét ngọt của mùa đông mà nghề trồng đào vẫn chưa phát triển. Trong khi đó, nhu cầu chơi đào tết của người dân ngày càng nhiều?”. Nghĩ là làm! Anh đã mạnh dạn mang cây đào Nhật Tân lên phố núi và anh Thanh là một trong những người đầu tiên trồng đào ở Yên Bái.
Bắt đầu bằng vài chục gốc đào, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, anh về Nhật Tân, đến những nhà vườn nổi tiếng có kinh nghiệm lâu năm để học nghề với ước mong sẽ có những cành đẹp góp vào mùa xuân quê hương. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, tới nay, sau 15 năm theo nghiệp trồng đào, vườn đào của gia đình anh đã có gần 700 gốc với ba loại đào (đào bích, đào phai và hồng đào). Tuỳ theo xu hướng của từng năm, anh lại có hướng phát triển từng loại riêng.
Nhìn vườn đào từng hàng thẳng tắp, những nụ hoa khe khẽ nhú trên cành, cây đào lâu nhất đã 13 năm tuổi với gốc to xù xì mang đậm dấu thời gian, mới thấy hết cái kỳ công của người trồng đào. Anh Thanh cho biết: Hàng năm, ngay sau Tết, trong khi mọi người vẫn đang ngây ngất trong men say của mùa xuân thì người trồng đào đã phải đi đặt mạ đào, những cành đào dại đã được ghép mắt bích đào, đào phai... cho kịp vụ đào năm sau. Đào được trồng cách nhau khoảng 1,5 m, không quá rộng và cũng không quá hẹp để tiện cho việc chăm sóc và khép tán về sau. Nhưng để cây đào ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán đòi hỏi quy trình chăm sóc nghiêm ngặt.
Anh nói: “Ở Nhật Tân, người ta tuốt lá tầm 45 ngày trước tết nhưng ở Yên Bái lạnh hơn nên cần tuốt sớm hơn. Năm nay, thời tiết nắng ấm rất thuận lợi cho những người trồng đào chúng tôi”. Công việc nào cũng đòi hỏi sự đam mê. Trồng đào cũng vậy! Người trồng đào cần có một niềm đam mê để tạo ra những cây đào tán đều, thế đẹp. Công việc trồng đào không thể dành cho những người nóng vội, bởi để có một cành đào bình thường cần đến 2 năm còn tạo ra một cây đào thế đẹp cần 4 - 5 năm.
Không những say mê hoa, anh Thanh còn là người rất am hiểu cách chữa trị các loại bệnh cây đào dễ mắc phải như: bệnh mối, bệnh dệp, nhện đỏ, sâu đục thân hút nhựa làm rụng lá rồi chết. Anh cho biết thêm: “Người dân quê mình thích những cành đào vừa nhiều hoa vừa nhiều lộc với mong muốn có nhiều tài lộc cho năm mới nên ngoài tạo ra những cành đào nhiều hoa, chắc bông, tôi còn làm cây bật mầm đúng thời điểm mà không ảnh hưởng tới hoa”. “Tiếng lành đồn xa”, rất nhiều người đến tận nhà anh chọn và đặt mua những gốc đào ưng ý. Năm ngoái, những cành đào nhỏ có giá từ 50 - 60.000 đồng, những cây đào thế thường có giá từ 1,2 - 1,4 triệu đồng.
Những gốc đào đẹp, sau tết người mua gửi lại anh chăm sóc để đợi tới mùa xuân sau. Một năm, anh thu 50 - 60 triệu đồng từ việc bán và chăm sóc đào.
Trong cái nắng vàng pha chút se lạnh của một mùa xuân mới, hy vọng những người trồng đào như anh Phạm Đức Thanh sẽ giúp mọi nhà có những cành đào khoe sắc đúng vào dịp tết đến, xuân về.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Đó là anh Sùng Ngọc Lương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Mù Cang Chải. Anh Lương quê ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
YBĐT - Là hội viên Hội Người cao tuổi thôn Cầu Có, xã Đông Cuông (Văn Yên - Yên Bái), ông Nguyễn Đức Thọ dân tộc Tày năm nay 65 tuổi, đã nêu tấm gương sáng để bà con trong thôn học tập.
YBĐT - Sau 5 năm xây dựng, trang trại của gia đình ông đã rất quy mô và khoa học với hơn 1.000 con vịt, trung bình mỗi ngày cho thu 800 quả trứng. Vịt của ông nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên có uy tín trong và ngoài xã.
YBĐT - Thật tình cờ trong chuyến công tác về xã Y Can (Trấn Yên) để tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Dao nơi đây, tôi được đồng chí Chủ tịch UBND xã giới thiệu gặp ông Dương Hồng Tư, thôn Minh An, một thương binh 4/4, trưởng bản người Dao có công rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hoá của đồng bào Dao. Ông cũng là một trong 6 gương mặt tiêu biểu đại diện cho huyện Trấn Yên được vinh danh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.