Thoát nghèo nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/1/2010 | 9:41:58 AM
YBĐT - Đến thăm trang trại của vợ chồng anh chị Khánh - Yến ở thôn Khe Măng, xã An Bình (Văn Yên) không ai có thể ngờ rằng hơn chục năm về trước, nơi đây là vùng đất hoang vu, không có nhà cửa, đường sá đi lại khó khăn và sinh sống ở đây đã là một thử thách chưa nói gì đến phát triển kinh tế. Thế nhưng, cùng với thời gian, lòng kiên trì và sự cần cù, chăm chỉ, biết áp dụng KHKT mà anh chị đã có được cơ ngơi trù phú như hôm nay.
Đều là người miền xuôi, hai anh chị theo gia đình lên đây khai hoang xây dựng kinh tế mới từ năm 1975, sau đó làm công nhân Lâm trường Văn Yên. Năm 1989, anh chị xây dựng gia đình, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do các con còn nhỏ. Sau khi được Lâm trường giao đất, anh chị phải xoay xở đủ cách làm ăn như: nhận khoán rừng, trồng rừng sản xuất, chăn nuôi...
Song, vốn là người có tính chịu khó, ham học hỏi, anh đi tìm đến những hộ làm kinh tế giỏi trong thôn, trong xã và các tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm làm giầu. Đến nay, gia đình đã có trên 12 ha đất đồi rừng, trong đó có gần 2 ha bồ đề, 2 ha luồng, 1 ha quế và 1 ha chè. Diện tích còn lại, anh trồng toàn bộ sắn cao sản. Riêng sắn và chè mỗi năm cho thu nhập gần 70 triệu đồng. Anh Khánh còn tận dụng lá sắn làm thức ăn chăn nuôi cá.
Với diện tích hơn một mẫu ao các loại giống cá như: mè, trôi, rô phi đơn tính, cá chim trắng... mỗi năm anh chị thả gần một tấn. Có năm do bị ảnh hưởng thời tiết, lũ quét đổ về, ao cá bị thiệt hại nặng nề, hai vợ chồng gần như trắng tay. Song không nản chí, anh chị lại tiếp tục vay mượn để mua nguyên vật liệu sửa chữa, xây kè đắp đập, nạo vét ao mua cá giống tiếp tục nuôi. Trời không phụ lòng người, năm 2008, riêng tiền bán cá anh chị thu về 40 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi gần 25 triệu đồng.
Chưa hài lòng với những gì mình có, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về việc phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, gia đình anh chị đã mạnh dạn đàu tư chăn nuôi lợn thịt. Hệ thống chuồng trại nuôi lợn được xây dựng kiên cố, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào chăn nuôi như: giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y… Hiệu quả chăn nuôi tăng lên đáng kể. Với quy mô 100 con lợn thịt/lứa, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa được khoảng từ 7- 8 tấn lợn hơi cho thu lãi từ 60-70 triệu đồng/năm.
Ngoài sự mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển chăn nuôi, hai vợ chồng anh Khánh, chị Yến còn thường xuyên tham dự các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư do huyện tổ chức. Đồng thời, xem các chương trình hướng dẫn về kỹ thuật, cách làm kinh tế giỏi trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam và đọc qua sách báo để biết thêm nhiều cách làm mới. Thêm vào đó, được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ khuyến nông nên rừng trồng của anh chị phát triển tốt, chăn nuôi không bị dịch bệnh. Những sản phẩm chăn nuôi mà gia đình cung ứng ra thị trường đều được các thương lái tin tưởng và đặt hàng dài hạn. Để đảm bảo vệ sinh môi trường và bà con lối xóm anh chị còn xây dựng hệ thống hầm khí sinh học Biogas để xử lý phân và nước thải vừa bảo vệ môi trường vừa tận dụng khí đốt phục vụ sinh hoạt cho gia đình.
Anh Khánh tâm sự: "Với mong muốn bà con lối xóm thoát khỏi cảnh đói nghèo và từng bước vươn lên làm giầu nên tôi thường xuyên giúp đỡ về giống, kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi. Hàng năm cũng tạo công ăn việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương với mức lương trên 1 triệu đồng/ người/ tháng. Bà con rất phấn khởi vì vừa có thêm thu nhập, vừa tích luỹ được kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất của gia đình".
Người dân xã An Bình ai cũng thán phục cách làm kinh tế của vợ chồng anh chị Khánh - Yến, từ hai bàn tay trắng đã làm nên cơ nghiệp như ngày hôm nay. Mọi người trong thôn, trong xã đều đến học hỏi cách làm ăn của anh chị, ai gặp khó khăn, anh chị đều giúp đỡ hướng dẫn nhiệt tình. Chính vì thế, gia đình anh chị được bà con trong thôn quý mến, tin yêu.
Lê Thị Hải Yến
Các tin khác
YBĐT - Sau nhiều lần về Hà Nội, qua làng đào Nhật Tân, thấy không khí nhộn nhịp mỗi khi xuân về, anh nghĩ: “Sao Yên Bái quê mình cũng có cái rét ngọt của mùa đông mà nghề trồng đào vẫn chưa phát triển. Trong khi đó, nhu cầu chơi đào tết của người dân ngày càng nhiều?”. Nghĩ là làm! Anh đã mạnh dạn mang cây đào Nhật Tân lên phố núi và anh Thanh là một trong những người đầu tiên trồng đào ở Yên Bái.
YBĐT - Đó là anh Sùng Ngọc Lương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Mù Cang Chải. Anh Lương quê ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
YBĐT - Là hội viên Hội Người cao tuổi thôn Cầu Có, xã Đông Cuông (Văn Yên - Yên Bái), ông Nguyễn Đức Thọ dân tộc Tày năm nay 65 tuổi, đã nêu tấm gương sáng để bà con trong thôn học tập.
YBĐT - Sau 5 năm xây dựng, trang trại của gia đình ông đã rất quy mô và khoa học với hơn 1.000 con vịt, trung bình mỗi ngày cho thu 800 quả trứng. Vịt của ông nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên có uy tín trong và ngoài xã.