Chữ tâm trong đá

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/2/2010 | 8:34:25 AM

YBĐT - Một cửa hàng nho nhỏ ban đầu chỉ bán khung tranh với một vài viên đá rubi đứng nép mình dưới tán cây bàng già ở tổ 65, phường Yên Ninh, nay bỗng vụt đứng dậy vững vàng giữa long lanh của đá. Đá hồng ngọc Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá đỏ Quỳ Châu - Nghệ An, đá Bảo Lộc - Lâm Đồng, đá Đắc Nông - Đắc Lắc... đều có ở đây bởi sự nhạy bén, chủ động nắm giữ thị trường của ông chủ cửa hàng Đoàn Văn Tuấn.

Đoàn Văn Tuấn (giữa) đang hướng dẫn các thợ làm bức tranh đá phong cảnh khổ lớn.
Đoàn Văn Tuấn (giữa) đang hướng dẫn các thợ làm bức tranh đá phong cảnh khổ lớn.

Tìm hiểu, ngắm kỹ mới thấy quả đúng là bí quyết làm cho những sản phẩm đá của cửa hàng đá quý Tuấn Thuận rực rỡ và thu hút khách thập phương chính là nhờ một chữ “tâm” được bàn tay người thợ khéo léo tạc sâu vào đá. Chẳng thế mà tiếng tăm, uy tín của Tuấn Thuận đã vượt khỏi thị trường đá quý Yên Bái đi các tỉnh bạn, vào thành phố Hồ Chí Minh và đặt chân đến thị trường quốc tế. Nếu như các sản phẩm đá hoàn hảo được gọt mài tinh xảo đang bày bán tại cửa hàng số 65, phường Yên Ninh thu hút sự đam mê của khách một phần thì kiểu dáng, sự đồ sộ của những khối đá lớn tại gia trang của gia đình Tuấn Thuận lại có sức hấp dẫn gấp cả ngàn lần.

Tôi như lạc vào một thế giới với lung linh sắc màu tại gia trang ấy, anh Tuấn giải thích: “Cuối năm đông khách đặt hàng nên thợ ở đây làm không hết việc”. Theo tay anh chỉ, tôi thấy cả một khu nhà bày toàn tranh đá, tấm treo, tấm nằm ngổn ngang đang được những người thợ trẻ cần mẫn tô điểm. Phía kế bên cơ man nào là đá, mỗi viên một vẻ “mười phân vẹn mười”. Viên thì được tạc hình Đức Mẹ, viên thì giữ nguyên hình khối tự nhiên màu hồng ngọc, viên thì được tay thợ mài nhẵn bóng dành cho khách chơi phong thuỷ, có viên thạch anh đen tự nhiên, viên ngọc mã não trị giá hàng trăm triệu đồng, lại có viên góc cạnh, màu trắng, trong veo y đá lạnh..., tất cả đều được ông chủ khéo léo bày trên những chân đế bằng gỗ to, nhỏ, lớn bé đủ kích cỡ nhưng vừa vặn và đẹp đến lạ kỳ. Phải đặt dấu chấm hết cho mọi lời khen của rất nhiều du khách có dịp tới thăm “kho tàng đá” này bằng một chữ “tuyệt”.

Tiếp xúc với năm trong tổng số hai mươi sáu người thợ của Cửa hàng đá quý Tuấn Thuận mới thấy, ngoài mức từ 2 triệu đồng/tháng trở lên, với họ, ông chủ cửa hàng còn là một ân nhân đặc biệt. Với những người thợ, Đoàn Văn Tuấn như người anh cả trong gia đình. Nhận người, giúp chỗ ăn ở, đào tạo, uốn nắn, dạy cho đến khi thạo việc để làm công ăn lương, anh đều chu toàn không để thợ chê trách. Lý do rất đơn giản mà ông chủ cửa hàng đưa ra là xuất phát từ cái tâm, làm phúc giúp đỡ người nghèo bằng khả năng cho phép. Có lẽ chữ “tâm” của ông chủ đã chia đều cho cả lớp thợ trẻ khiến họ miệt mài đến say mê với các sản phẩm tranh đá, nhẫn ngọc, những bức tranh chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Nhẫn...

Từng viên đá nhỏ li ti được bàn tay thợ cẩn thận, tỉ mỉ rắc từng hạt, từng hạt mềm mại, uốn lượn đảm bảo tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Anh Tuấn tâm sự: Xuất phát từ cái nghèo khó của gia đình đông anh em, không có công ăn việc làm, ban đầu để giúp bố mẹ lo cái ăn, cái mặc cho các em, từ đất ngọc Lục Yên anh lặn lội lên tận Mường Khương(Lào Cai) buôn từng nải chuối xanh, từng miếng đường phên, sau đó anh đi bán nguyên liệu cho các ông chủ đá lớn rồi cuối cùng vào làm kỹ thuật cho Công ty Mỹ nghệ đá quý Việt Nam. Đúc rút được kinh nghiệm, nếm trải những thăng trầm, đắng cay của cuộc sống, năm 2004 anh trở về vay vốn cùng gia đình làm tranh đá. Khi ấy là “cửa hàng tranh gia đình” vì tất cả gần chục anh em trong nhà cùng đồng tâm, đồng lòng, đồng lực tham gia.

Công việc làm ăn tiến triển, anh bắt đầu tuyển thêm thợ. 1 người, 2 người và bây giờ số lao động được thuê đã lên tới 26 người, hầu hết là những thanh niên nông thôn không có công ăn việc làm. Tháng 12/2008, sau bao nhiêu năm vất vả, sản phẩm tranh đá quý của cửa hàng đá quý Tuấn Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu. Sản phẩm tranh đá Tuấn Thuận đã xuất đi các thành phố lớn như: Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, sang châu Âu, Mỹ... Nhiều khách hàng ngoại quốc mê tranh đá Tuấn Thuận đã mang mẫu tranh của nước mình đến tận nơi thuê sao chép sang tranh đá quý để tặng bạn bè.

Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, tự hào của Đoàn Văn Tuấn. Anh mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi với số lượng lớn để tranh đá Yên Bái vươn ra thị trường quốc tế, để giúp nhiều bạn trẻ chưa có việc làm trở thành những tay thợ làm tranh đá có tiếng, để ngoài cái đẹp, cái kiêu sa, lấp lánh của đá, khách mua tranh được thấy cái tâm của người làm đá nơi vùng cao Yên Bái.

Thanh Hương

Các tin khác

YBĐT - Năm 2009, nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp Mông Sơn vẫn vững vàng trên thương trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả và đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Yên Bái.

Đồng bào Dao (Văn Yên) thu hoạch quế.

YBĐT - Trưởng thôn Khe Ván, xã Quang Minh (Văn Yên) - Triệu Thiều Thăng là một trong những người có mô hình phát triển kinh tế trang trại quy mô và là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Không chỉ vậy, anh còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn về kỹ thuật, vốn và cây con giống để cùng nhau xoá đói giảm nghèo.

YBĐT - Ông Lý Mào Lử ở bản Trống Pao Sang, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải), được nhiều người biết đến từ khi ông phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách trồng thảo quả, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ và phát triển chăn nuôi.

YBĐT - Với sự nhiệt tình của chị Dung chính sách DS/KHHGĐ đã thực sự đi vào đời sống và đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức của nhân dân có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình nhỏ, ít con được chấp nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục