Doanh nhân Nguyễn Ngọc Chỉnh
- Cập nhật: Thứ bảy, 6/2/2010 | 8:42:41 AM
YBĐT - Năm 2009, nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp Mông Sơn vẫn vững vàng trên thương trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả và đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Yên Bái.
|
Sinh năm 1956, anh Nguyễn Ngọc Chỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc Công ty cổ phần Mông Sơn đã có một vị trí công tác tương đối trong ngành bưu chính - viễn thông thời thượng, song anh không tiếp tục con đường công danh rộng mở ấy mà ra ngoài kinh doanh, lại kinh doanh sỏi đá. Và sau hơn 10 năm, anh đã gặt hái được những thành công đáng kể.
Trong tay anh là một doanh nghiệp với giá trị trên 100 tỷ đồng, trong đó đáng kể nhất là một mỏ đá trắng trữ lượng 5 triệu m3; một nhà máy nghiền đá mịn và siêu mịn, công suất 80 nghìn tấn/năm cùng giàn máy khai thác và đội xe vận tải mấy chục chiếc. Hậu phương của anh là một gia đình hạnh phúc với người vợ thủy chung, tần tảo, những đứa con học giỏi, chịu làm và những người bạn trung thành. Đồng hành với anh là hơn 400 cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề, thạo việc và luôn gắn bó với doanh nghiệp. Có thể nói, đến giờ phút này anh là một người thành đạt. Nhưng để có sự thành đạt ấy phải có cả một quá trình lao động với bàn tay và khối óc sáng tạo.
Đất nước thời kỳ đầu đổi mới, kinh tế còn rất nghèo, cuộc sống của gia đình công chức vợ giáo viên, chồng bưu điện cũng chẳng khấm khá gì. Để đủ ăn, đủ mặc và nuôi các con học hành, vợ chồng Chỉnh - Sinh (Sinh, tên vợ anh) cũng phải sớm tối mua tôm, mua cá của ngư dân hồ Thác Bà mang ra thị xã Yên Bái kiếm đồng lời. Rồi kinh tế đất nước cũng vượt qua khó khăn, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhiều, nhu cầu đá xây dựng cầu đường, nhà cửa rất lớn. Khi gia đình có lưng vốn, anh nghĩ đến chuyện tổ chức khai thác vận chuyển đá xây dựng. Tác phong nhanh nhẹn, mạnh mẽ, đầu óc tổ chức tốt và nhất là đức tính trung thực, thẳng thắn của anh đã thuyết phục được hàng chục anh em bạn bè, người có cái công nông, người có cái thuyền sắt tập hợp nhau lại để năm 1997 Hợp tác xã Khai thác và Vận chuyển đá Mông Sơn được ra đời.
Hợp tác xã Mông Sơn do anh Chỉnh giữ vai trò thuyền trưởng đã mạnh dạn tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để đi sâu vào lĩnh vực chế biến sâu tài nguyên đá trắng. Sự quan tâm của tỉnh, huyện và Liên minh Hợp tác xã, nhất là Nghị quyết TƯ 5 khóa IX cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy Yên Bái như chắp thêm buồm cho con thuyền Mông Sơn vượt sóng ra khơi. Khi Mông Sơn bắt tay vào tổ chức khai thác đá với quy mô lớn và tổ chức chế biến bột đá trắng mới thấy ở Nguyễn Ngọc Chỉnh có sự khác biệt. Quá trình xây dựng nhà máy và lắp đặt các thiết bị, công nhân của Công ty anh tự thiết kế, tự chỉ huy thi công, có những linh kiện còn tự gia công, chế tạo ...
Ý tưởng và quyết định táo bạo này đã giúp Hợp tác xã tiết kiệm được cả chục tỷ đồng vốn đầu tư. Trong việc khai thác đá, các doanh nghiệp khác từ xưa tới nay chỉ dùng động cơ xăng để khoan nổ mìn, còn Mông Sơn thì dùng động cơ điện nhằm tiết kiệm chi phí và chủ động cao; các máy đập trên mỏ cũng dùng loại công suất lớn để đập được những khối đá lớn. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp quá trình khai thác hạn chế việc nổ mìn phá đá, nâng cao công suất, đảm bảo an toàn lao động. Năm 2007, dây chuyền nghiền đá siêu mịn tiên tiến với công suất 80 nghìn tấn sản phẩm/năm đã được hoàn thiện để Mông Sơn có được dòng sản phẩm chất lượng tốt, giá trị cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Khi đã trở thành một doanh nghiệp thành đạt, anh Chỉnh có điều kiện nghĩ đến người nghèo, nghĩ đến mảnh đất Mông Sơn - Yên Bình, nơi có nguồn tài nguyên quý để rồi không tiếc công, tiếc của làm từ thiện và các chương trình an sinh xã hội như xây dựng nhà tình nghĩa, san gạt mặt bằng nhà mẫu giáo Trung Sơn, làm đường nông thôn và 2,5 km đường điện 0,4 kv cùng các phong trào xoá đói giảm nghèo, vì trẻ thơ, đồng bào bão lụt ...
Năm 2009, một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế trong nước và quốc tế, Mông Sơn cũng chịu chung hoàn cảnh như những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Nhưng với ý chí quyết tâm và nghị lực của Hội đồng quản trị mà trực tiếp là Chủ tịch, Giám đốc Nguyễn Ngọc Chỉnh, Mông Sơn vẫn thu được những thành tựu lớn: tổng doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 6 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu gần 3 triệu USD; hơn 400 cán bộ, công nhân có việc làm và thu nhập ổn định; doanh nghiệp làm ăn có lãi và tạo được cơ sở vững chắc cho năm kế hoạch 2010 với mục tiêu doanh thu 120 tỷ đồng, xuất khẩu từ 4 triệu USD trở lên.
Mỗi cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Mông Sơn có quyền tự hào bởi bột đá của doanh nghiệp được xuất bán tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, sản xuất ra nhiều hàng hoá có giá trị kinh tế lớn và đặc biệt là sản phẩm bột đá trắng của Mông Sơn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc, Đài Loan...
Năm cũ qua đi với bộn bề gian khó nhưng chúng ta vẫn vượt lên. Một mùa xuân mới lại về trên quê hương Yên Bái - xuân mới, ước vọng mới, hy vọng Yên Bái sẽ có nhiều hơn nữa doanh nghiệp giỏi như Mông Sơn, có nhiều doanh nhân như Nguyễn Ngọc Chỉnh - đó là tâm sự của Giám đốc sở Công thương Yên Bái tại Hội nghị Tuyên dương các doanh nghiệp Yên Bái trong năm 2009.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Trưởng thôn Khe Ván, xã Quang Minh (Văn Yên) - Triệu Thiều Thăng là một trong những người có mô hình phát triển kinh tế trang trại quy mô và là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Không chỉ vậy, anh còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn về kỹ thuật, vốn và cây con giống để cùng nhau xoá đói giảm nghèo.
YBĐT - Ông Lý Mào Lử ở bản Trống Pao Sang, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải), được nhiều người biết đến từ khi ông phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách trồng thảo quả, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ và phát triển chăn nuôi.
YBĐT - Với sự nhiệt tình của chị Dung chính sách DS/KHHGĐ đã thực sự đi vào đời sống và đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức của nhân dân có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình nhỏ, ít con được chấp nhận.
YBĐT - Nhận thấy đất quê mình phù hợp trồng cây thảo quả nên ông Mùa Pàng Cáng, ở bản Mồ Dề, xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải) đã trồng 2 ha, thảo quả cùng với sản xuất nông nghiệp đã giúp gia đình ông Cáng thu về trên 50 triệu đồng mỗi năm.