Già Ly ở Cu Vai

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2010 | 9:02:34 AM

YBĐT - Già Ly là một già làng uy tín nhất xã. Gia đình ông có 5 con học đại học, cao đẳng. Ông vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cách đây vài năm và được đồng bào rất mực quý mến, tin tưởng” - những lời ấy dành cho già làng Mùa A Ly ở thôn Cu Vai của đồng chí Giàng A Sinh - Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ (Trạm Tấu) càng khiến tôi quyết tâm tìm gặp ông...

Người Mông ở Trạm Tấu được sử dụng nước sạch từ các chương trình dự án của Nhà nước. (Ảnh: Mạnh Cường)
Người Mông ở Trạm Tấu được sử dụng nước sạch từ các chương trình dự án của Nhà nước. (Ảnh: Mạnh Cường)

Con đường đến thôn Cu Vai đã mở rộng, xe máy ì ì leo dốc. Đi cùng tôi, anh Mùa A Dua ở Cu Vai kể: “Ở đây, nhà có gia súc, gia cầm chết dịch là già Ly tận tay mang đi chôn thật xa. Nhà nào không cho con đi học thì già đến tận nơi vận động. Già rất yêu cái chữ nên không muốn ai nghỉ học và các con cháu của già có nhiều người thành đạt”. Anh Dua còn kể chuyện già Ly đi hòa giải và lần nào cũng thành công.

Nhà già Ly nằm ngay bên con đường vào thôn. Ngôi nhà gỗ khá kiên cố, ríu rít tiếng cười con trẻ. Dù Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Yên Bái mới đang thí điểm tại hai xã Bản Mù, Trạm Tấu nhưng nhà ông thì đã có công trình vệ sinh từ lâu lắm rồi.

Già Ly bảo: “Đông người nên làm nhà vệ sinh vừa kín đáo vừa không ô nhiễm môi trường. Tôi bảo con dâu, con gái và mọi người cứ đi vào đấy, ai đi lung tung tôi phạt nên tất cả cứ răm rắp”. Tuổi thơ của ông Ly cũng như bao trẻ Mông khác là đói nghèo, là mù chữ. Khi trưởng thành, ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đội du kích xã.

Những năm tháng ở gần cán bộ người Kinh, ông đã được học cái chữ và khi hòa bình lập lại, ông được chọn làm cán bộ. Từ Trưởng công an xã, ông dần khẳng định năng lực khi tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ, rồi Phó ban Tổ chức Chính quyền và Chánh án Tòa án nhân dân huyện Trạm Tấu. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu.

Già làng tâm sự: “Tôi chỉ nói về lợi ích khi học cái chữ và vinh dự là đảng viên của bản thân. Tôi nói đến những cái hại khi không có kiến thức thì không thông đường lối của Đảng, dễ bị kẻ thù lợi dụng và làm trái pháp luật. Như các con tôi, đứa học hành đầy đủ thì nên người, đứa ít chữ hơn thì giờ khổ hơn”. Thấy tôi cười khi biết các con của ông vượt quá 10 đầu ngón tay, ông giãi bày: “Đấy, tôi nhiều chữ hơn mọi người ở bản nhưng ít chữ hơn rất nhiều so với bên ngoài nên vẫn đẻ nhiều. Nay tôi mang chính cuộc sống của các con tôi ra để vận động dân bản”.

Khi rất nhiều phụ nữ Mông cùng thời với con ông mù chữ thì các con gái của ông Ly ít nhất cũng biết đọc và biết viết, còn 8 con trai đều học tiểu học đến trung học cơ sở.

Hiện nay, anh Mùa A Páo - con trưởng của ông là cán bộ chuyên trách MTTQ huyện, tốt nghiệp cao đẳng; con trai thứ Mùa A Dình, Mùa A Hồ làm cán bộ văn phòng và địa chính xã, đang theo học đại học tại chức; con trai Mùa A Thào tốt nghiệp Học viện Sĩ quan Lục quân công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai; con út Mùa A Lâu đang là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai - Hà Nội. Ông Ly phân tích: “Đồng bào vùng cao luôn yêu mến và tin tưởng bộ đội Cụ Hồ.

Đồng bào rất cần cái chữ, cần những cán bộ có kiến thức về trồng lúa, ngô, khoai, sắn và cần cách làm giàu từ rừng nên tôi khuyên các con, các cháu theo học những ngành đó để về giúp dân bản”. Gia đình lớn của già Ly với 60 cháu, chắt không có một ai nghỉ học và đã có 4 người con được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nay cháu lớn nhất của ông là Mùa A Tu đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và dạy học ngay tại xã.

Ông Ly bảo: “Tôi biết, tôi có để lại bao nhiêu trâu, bò, lợn, gà, thóc, lúa và cả ruộng nương thì cũng sẽ vô ích nếu con tôi không có chữ trong đầu. Vì vậy, tôi muốn tất cả các con của tôi và mọi người đều được đi học để có tài sản quý giá của riêng mình”.

Già Ly luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ông là một trong những người nông dân đầu tiên ở đây trồng cỏ voi để chăn nuôi đại gia súc theo chủ trương của huyện. Ông vẫn thường nói với dân bản: “Nếu chỉ biết làm ra hạt thóc, củ khoai để no bụng mình thì không bao giờ giàu được.

Muốn giàu thì phải biết biến hạt lúa, củ khoai thành sản phẩm hàng hóa mà muốn làm được như thế thì mình phải biết chữ để làm giàu cho cái đầu trước đã”. Nay già Ly đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn khỏe mạnh. Mỗi năm, ông bà làm được 150 bao thóc, tương đương gần 6 tạ thóc và mấy chục bao ngô.

Ông nói: “Tôi phải lao động đến khi nào đôi chân không còn đi được nữa, đôi mắt không còn nhìn được nữa vì lao động mang đến niềm vui và sức khỏe cho mình”. Đồng chí Giàng A Sinh - Bí thư Đảng bộ xã Xà Hồ khẳng định: “Nhờ có những nỗ lực của các già làng như già Ly mà phong trào học tập của xã cũng như của Cu Vai đã có chuyển biến.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn, già Ly và các già làng đã góp phần quan trọng vận động đồng bào hoàn thành trên
30 km đường”. Thầy Lò Văn Ché - giáo viên phụ trách thôn Cu Vai bày tỏ: “Một lời già Ly nói bằng mười lời tôi nói. Nhờ có già mà công tác vận động học sinh ra lớp của tôi năm nào cũng đạt chỉ tiêu và giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Những già làng, trưởng bản và người có uy tín trong dòng họ là lực lượng quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và thắp lên ngọn lửa niềm tin cho lớp trẻ. Già Ly là một người như thế! Đúng như tâm sự của anh Hờ A Su ở xã Xà Hồ: “Già Ly thường bảo tôi, là nông dân cũng phải phấn đấu là một người nông dân ưu tú để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vào Đảng không phải để làm lãnh đạo mà là tiếp tục tu dưỡng đạo đức và sống có ích!”.

Chia tay, tôi nhớ mãi lời già Ly mộc mạc mà sâu sắc: “Tôi là một đảng viên mà đã là đảng viên thì phải sống cho xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân. Như thế thì khi nhắm mắt xuôi tay, con cháu sẽ không xấu hổ mà có thể tự hào vì cụ, ông, cha mình là đảng viên và đã sống hết mình cho quê hương”.

Phương Thùy

Các tin khác
Đoàn Văn Tuấn (giữa) đang hướng dẫn các thợ làm bức tranh đá phong cảnh khổ lớn.

YBĐT - Một cửa hàng nho nhỏ ban đầu chỉ bán khung tranh với một vài viên đá rubi đứng nép mình dưới tán cây bàng già ở tổ 65, phường Yên Ninh, nay bỗng vụt đứng dậy vững vàng giữa long lanh của đá. Đá hồng ngọc Lục Yên, đá cảnh Suối Giàng, đá đỏ Quỳ Châu - Nghệ An, đá Bảo Lộc - Lâm Đồng, đá Đắc Nông - Đắc Lắc... đều có ở đây bởi sự nhạy bén, chủ động nắm giữ thị trường của ông chủ cửa hàng Đoàn Văn Tuấn.

YBĐT - Năm 2009, nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng nhưng doanh nghiệp Mông Sơn vẫn vững vàng trên thương trường, sản xuất kinh doanh hiệu quả và đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Yên Bái.

Đồng bào Dao (Văn Yên) thu hoạch quế.

YBĐT - Trưởng thôn Khe Ván, xã Quang Minh (Văn Yên) - Triệu Thiều Thăng là một trong những người có mô hình phát triển kinh tế trang trại quy mô và là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Không chỉ vậy, anh còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn về kỹ thuật, vốn và cây con giống để cùng nhau xoá đói giảm nghèo.

YBĐT - Ông Lý Mào Lử ở bản Trống Pao Sang, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải), được nhiều người biết đến từ khi ông phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách trồng thảo quả, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ và phát triển chăn nuôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục