Trưởng khu hết lòng vì dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/5/2010 | 3:02:50 PM

YBĐT - Rất nhiều bà con dân tộc Thái ở khu phố Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) khen vợ chồng trưởng khu: “Người xưa nói rằng: “Thế gian được vợ hỏng chồng”, nhưng với vợ chồng nhà Cấp thì lại được cả hai. Từ ngày Cấp nó làm trưởng khu thì bà con được nhờ ở nó nhiều lắm!”.

Trưởng khu Lò Văn Cấp (bên phải) đang chỉ đạo bà con thi công đường giao thông trong khu phố.
Trưởng khu Lò Văn Cấp (bên phải) đang chỉ đạo bà con thi công đường giao thông trong khu phố.

Khi tiếp xúc với trưởng khu-Lò Văn Cấp, mới thấy rằng, anh rất xứng đáng với sự khen ngợi của bà con. Anh Cấp tuổi Tân Hợi-1971, là người thứ tư trong gia đình có 7 anh chị em và bố mẹ đều mất sớm. Tính tình anh hiền lành chất phác, rất ngại nói về mình mà chỉ muốn trao đổi về những công việc chung. Năm 2000, Lò Văn Cấp được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Đối với anh, đây là một công việc mới mẻ và phức tạp vì chưa được bồi dưỡng công tác quản lý.

Nhưng với tinh thần cầu thị, anh nói: “Được bà con tín nhiệm thì tôi xin nhận trách nhiệm này. Nhưng trong công việc, có gì tôi chưa làm được thì tôi mong bà con chỉ bảo thêm”. Bên cạnh những mối lo về trách nhiệm công việc, anh còn nặng nỗi lo đời sống của bà con vì lúc ấy cả khu có 56 hộ thì có tới 42 hộ nghèo. Theo anh, bà con nghèo vì dân trí thấp, sinh đẻ không có kế hoạch, độc canh cây lúa, thiếu nghề phụ...

Hiểu được những tồn tại ấy, trưởng khu Lò Văn Cấp cũng bắt đầu tìm cách tháo gỡ những trì trệ nói trên. Việc đầu tiên và cũng là việc khó nhất, đó là anh phải vận động bà con thực hiện tốt công tác dân số/kế hoạch hoá gia đình và chính vợ chồng  anh là trường hợp đầu tiên trong khu Cang Nà chỉ đẻ 2 con cho dù cả hai con đều là gái. Đi đôi với công việc trên, anh tích cực tuyên truyền vận động nhằm chuyển đổi nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế.

Trong đó, tập trung vào thâm canh tăng vụ bằng việc đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính; giảm dần cơ cấu giống lúa năng suất cao và tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hoá; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, hoa, nuôi cá để tăng giá trị canh tác; chăn nuôi lợn thì hướng vào việc tăng số đầu lợn trong mỗi hộ và nuôi theo phương pháp bán công nghiệp. Với những mục tiêu trọng tâm như vậy, hiện nay hầu hết diện tích ruộng nước đã được chuyển sang trồng lúa chất lượng cao bằng giống Chiêm Hương và có 3 ha ruộng được chuyển sang trồng hoa, vụ ba trên đất hai vụ lúa đã trở thành vụ sản xuất chính ...

Để bà con thuận lợi trong sản xuất, anh Cấp đã đề nghị với phường thường xuyên liên hệ với Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ trực tiếp về khu phố để hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Bà con gặp những khó khăn về vốn, anh đứng ra nhận trách nhiệm tổ trưởng tổ vay vốn. Hiện nay, tổ vay vốn có 42 hộ và sau khi được vay vốn thì tổ trưởng luôn theo dõi sát sao cách sử dụng vốn, mục tiêu đầu tư để đồng vốn vay phát huy tốt hiệu quả. Nhiều trường hợp như bà Lò Thị Pong, ông Lò Văn Thương, Lò Văn Chài...sau khi vay vốn về nuôi trâu, lợn và trâu, lợn chưa đến kỳ sinh sản hoặc chưa bán được mà kỳ hạn trả lãi trả gốc đang hối thúc, anh Cấp lo các gia đình này không bảo toàn được đàn trâu, đàn lợn nên anh đã ứng vốn cho bà con trả nợ trước để duy trì chăn nuôi.

Nhiều hộ đến vụ gieo cấy, gặp khó khăn về vốn, anh lo bà con sẽ không mua được giống tốt, đầu tư phân bón...không bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật thì năng suất sẽ kém, nên anh đã ứng trước giống, phân bón để bà con thuận lợi trong sản xuất. Tất nhiên, anh ứng vốn thì bà con phải trả lãi, nhưng lãi suất thường thấp hơn hoặc bằng lãi suất ngân hàng và điều quan trọng nhất là được vay rất thuận lợi và đến khi thu hoạch mới phải trả vốn.

Trong lĩnh vực giải quyết việc làm, anh nhận thấy người dân ở các khu phố khu trung tâm thường là công chức hoặc hộ kinh doanh dịch vụ nên lợi thế lao động phổ thông trong khu phố Cang Nà cần được hướng vào nghề xây dựng, vốn đang rất sôi động không chỉ ở thị xã Nghĩa Lộ mà ở khắp cả vùng Mường Lò. Đến nay, trong khu đã có bốn đội thường xuyên nhận thi công công trình và mỗi đội có hơn chục thành viên. Nhiều người có tay nghề cao, đã về tham gia xây dựng các công trình lớn ở miền xuôi. Ngoài ra, anh Cấp còn đầu tư bốn máy trộn bê tông và giao cho 12 người sử dụng một máy, anh đi liên hệ công việc, đầu tư xăng và trả công cho mỗi lao động là 70 nghìn đồng mỗi ngày. Anh cho biết, công việc xây dựng được làm theo mùa, nhưng nó đảm bảo cho người lao động có việc làm, thu nhập ổn định liên tục trong khoảng 6 tháng/năm.

Qua chục năm làm trưởng khu, từ chỗ có 56 hộ thì 42 hộ nghèo, nay số hộ tăng lên 93 hộ, 464 khẩu với 95% là đồng bào Thái nhưng chỉ có 15 hộ nghèo, quả là một bước tiến đáng khích lệ. Bước tiến ấy có sự đóng góp quan trọng của trưởng khu Lò Văn Cấp đã hết lòng vì dân. Anh đã đưa một khu phố còn đầy những sự trì trệ đang dần hoà nhập vào sự vận hành của cơ chế mới.

  Sơn Nam

Các tin khác

YBĐT - Sau khi giành giải Nhất trong Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Yên Bái tổ chức vào tháng 5 năm 2008, cô giáo Sầm Thị Minh Khuyên - Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Văn Chấn (Văn Chấn) tiếp tục tham dự Hội thi sơ khảo toàn quốc tại Thái Nguyên và giành giải Ba.

Chúng mình cùng học.

YBĐT - Suối Giàng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Nơi đây có tới 98% đồng bào Mông sinh sống. Toàn xã có 9 dòng họ, trong đó dòng họ Giàng là một trong những họ đầu tiên định cư tại địa phương.

YBĐT - Sinh năm 1945 ở xã Văn Phú, huyện Trấn Yên (Yên Bái), Đại tá Nguyễn Mạnh Đức từng là chiến sĩ trinh sát, Trung đội trưởng pháo phòng không, Tiểu đoàn trưởng và Chỉ huy phó - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hoàng Liên Sơn và tỉnh Yên Bái.

Bà Nguyễn Thị Luận bên di ảnh của chồng là Anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Lai.

YBĐT - Bao chàng trai lên đường đánh giặc cứu nước, bấy nhiêu người phụ nữ ở lại giữ hậu phương và tất cả cùng góp sức làm lên một mùa xuân lịch sử - giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục