Thoát nghèo nhờ kiến thức khoa học

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/8/2010 | 9:28:11 AM

YBĐT - "Ai bảo là nuôi gà lãi thấp, rủi ro cao? Cứ chịu khó học hỏi và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi thú y và mạnh dạn nuôi từ 3.000 đến 5.000 con một năm xem có thu về trên 100 triệu đồng lãi không? Tôi bảo đảm là có.

Trang trại chăn nuôi gà thịt của một hộ nông dân xã Văn Lãng (Yên Bình). Ảnh minh họa
Trang trại chăn nuôi gà thịt của một hộ nông dân xã Văn Lãng (Yên Bình). Ảnh minh họa

Trước đây, tôi cũng nuôi nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ lại không tham khảo cách chăn nuôi nên không những không đem lại hiệu quả mà còn lỗ chổng vó ra ấy chứ... - anh Nguyễn Duy Nghĩa, hội viên Hội Nông dân xã Văn Lãng (Yên Bình) chia sẻ.

Sáu tháng đầu năm 2010, mô hình chăn nuôi gà của anh Nghĩa đã cho thu về 50 triệu đồng. "Từ giờ đến cuối năm, ngoài số gà hiện có thì tôi sẽ nuôi thêm một số gà giống mới để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp tết sắp tới, đặc biệt là đặc sản gà trĩ và dự kiến cho doanh thu 100 triệu đồng", anh Nghĩa cho biết về dự định sắp tới. Nếu cộng thêm các khoản thu từ chăn nuôi lợn nái trên 10 con, 1 ha rừng, ruộng, vườn... thì mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 100 triệu đồng.

Anh khẳng định: "Đúng là có học có hành vẫn hơn anh ạ! Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm. Mà nói gì đâu xa, cách đây chưa đầy 4 năm, nhà tôi vẫn thuộc diện nghèo của xã đấy chứ...".

Thời gian trước năm 2007, gia đình anh Nghĩa tuy có tới 900m2 đất vườn, đất rừng 1 ha, đất ruộng trên 1.000m2 và chưa kể đến đất thổ cư nhưng đời sống vẫn gặp khó khăn. "Năm 2005, bình quân thu nhập của gia đình tôi chỉ đạt gần 1,7 triệu đồng/người/năm, thuộc diện nghèo của xã.

Lúc đó, mình cũng trăn trở nhiều vì cũng lao động hăng say, tần tảo mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Cả năm 2006, tôi và vợ thức khuya dậy sớm, làm việc quần quật nhưng cuối năm, tính bình quân cũng chỉ được hơn 1,9 triệu đồng cho mỗi người", anh Nghĩa nhớ lại...

Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, đặc biệt là Hội Nông dân xã Văn Lãng đã tạo điều kiện cho gia đình anh tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thăm quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện.

Anh Nghĩa nói: "Thật ý nghĩa và bổ ích với tôi khi được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi thú y do Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tổ chức tại địa phương. Tôi đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng chăn nuôi. Cùng với việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tế và kinh nghiệm tích lũy khi đi thăm quan các mô hình, tôi đã mạnh dạn, tự tin hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi".

Năm 2007, anh Nghĩa chuyển sang chăn nuôi bò bán công nghiệp kết hợp nuôi gà thịt với số lượng trên 500 con/lứa, hạch toán kinh tế gia đình năm đó đạt hơn 3 triệu đồng/người/năm. Chuyển biến tích cực nhất trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình anh chính là sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Nông dân xã đứng ra giúp anh vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội và được đầu tư vay phân bón trả chậm trong quá trình thâm canh cây màu. Năm 2008, gia đình anh tham gia thực hiện

Dự án chăn nuôi gà thịt theo hướng bán công nghiệp với số lượng 1.000 con/lứa đạt kết quả tốt, doanh thu đạt 60 triệu đồng/năm. Năm 2009, tận dụng quỹ đất đai, anh mở rộng trang trại chăn nuôi gà với số lượng trên 3.000 con/lứa và nuôi 10 con lợn nái. Năm đó, chỉ tính riêng thu nhập từ gà và lợn, gia đình anh đã đạt trên 70 triệu đồng/năm.

Với mô hình chăn nuôi khoa học theo hướng hàng hóa đã từng bước giúp gia đình anh Nghĩa thoát nghèo. Tiêu biểu là năm 2007, gia đình anh không còn thuộc diện hộ nghèo và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Năm 2009, gia đình anh được công nhận là gia đình nông dân văn hóa.

Có điều kiện cải thiện đời sống và chăm lo học hành, nuôi dưỡng 2 con chu đáo, anh Nghĩa rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nông dân xã; vận động, giúp đỡ những hội viên khó khăn về kinh nghiệm chăn nuôi, cách làm ăn, về giống... để đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

"Nếu như được vay vốn nhiều hơn, tôi dám chắc, không chỉ trang trại được mở rộng mà còn giúp gia đình tôi nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi" - đó là mong muốn của hội viên nông dân Nguyễn Duy Nghĩa trong thời gian tới.

Trần Ngọc 

Các tin khác
Nông dân xã Xuân Tầm (Văn Yên) tiêu thụ quế vỏ.

Ông Bàn Phúc Lý là người Dao ở thôn Khe Chung 1, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên (Yên Bái), trước đây đời sống kinh tế cũng khó khăn như bao người nông dân khác ở xã vùng sâu này.

Chị Nguyễn Thị Ân (bên phải) tư vấn tại nhà cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

YBĐT - Ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có một khoảng thời gian khá dài, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã từng được coi như “vấn nạn”, song đến nay vấn đề bức xúc này đã giảm hẳn. Những kết quả đạt được, không chỉ bởi đã có sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức, đoàn thể mà còn bởi có sự đóng góp không nhỏ của một cá nhân, đó là chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.

YBĐT - Giàng A Tồng được Mặt trận Tổ quốc giao nhiệm vụ tập hợp các tổ chức thành viên, có kế hoạch tuyên truyền vận động bà con tạo điều kiện cho cán bộ đo đạc, lập bản đồ quy hoạch về điều chỉnh đất đai. Lúc đầu, đa số người dân chốn tránh, không khai báo vị trí đất đang sở hữu, không dẫn cán bộ đi đo đạc vì sợ nhà nước thu hồi hết đấy. Đến khi Giàng A Tồng và cán bộ đoàn thể giải thích bà con mới chịu dẫn đi đo đạc kiểm tra.

YBĐT - Anh Lê Tuấn Hùng ở tổ 11 B, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) rất bất ngờ khi được nhận lại chiếc ví trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng và 5 triệu đồng tiền mặt anh sơ ý đánh rơi trên đường đi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục