“Hùng ba ba”

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2010 | 10:08:29 AM

YBĐT - Khởi nghiệp nghề nuôi ba ba với 2 triệu đồng làm vốn, đến nay đã sở hữu ao ba ba trị giá bạc tỷ, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, mô hình nuôi ba ba của gia đình anh Hà Tiến Hùng tổ 28, phường Yên Ninh được coi là thành công nhất, nhì thành phố Yên Bái.

Anh Hùng bên ao ba ba.
Anh Hùng bên ao ba ba.

Trước đây, anh Hà Tiến Hùng công tác ở ngành lương thực nhưng thu nhập thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, anh đã quyết định bỏ công việc gắn bó hơn chục năm để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Sinh ra ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, nơi có phong trào nuôi ba ba khá phát triển và có rất nhiều người phất lên từ nghề nuôi ba ba. “Tôi quyết định  nuôi ba ba, vì đã có  nhiều người dân địa phương thu nhập cao từ nghề này, cùng với đó trên thị trường giá trị ba ba lớn, cung không đủ cầu, thị trường xuất sang Châu Âu còn thiếu” - anh Hùng tâm sự - khi đó, phong trào nuôi ba ba ở thành phố Yên Bái còn rất mới, nhiều người quanh vùng nói với tôi phải dè chừng: “Cái nghề gì mới, ai mạnh gan làm trước thì năm ăn, năm thua”. Nhưng một người đã thành danh trong làng nuôi ba ba đã kể với anh rằng, ở tỉnh Hải Dương có hai vợ chồng xuất thân nghèo khó, đã xây bể ba ba trên đồi và gánh trên 2000 gánh nước lên để đổ vào bể nuôi đã đem lại thành công lớn.

Trong khi đó, mình có đất, có giếng đầy nước tại sao mình không làm? Ý nghĩ đó đã thôi thúc anh phải làm bằng được. Và anh gắn với con ba ba từ đó. Khởi nghiệp là cái bể 10m2, ban đầu anh nuôi thử 20 con, đó mua giống hết 2 triệu đồng. Để học hỏi kinh nghiệm, anh đã lặn lội đi tìm hiểu ở tận Sơn La, Bắc Ninh… và các hộ nuôi trước từ kỹ thuật làm ao, làm bể đến cách phòng chống bệnh cho ba ba. Sau một năm, lứa ba ba đầu tiên đã cho thu nhập, trừ tiền gốc, anh cũng có lãi được 2 triệu đồng, khi đó giá ba ba mới có 300.000 đồng/kg.

Thấy hiệu quả gấp đôi anh đã bỏ chuồng gà, dọn dẹp xây dựng 60m2 ao để thả ba ba. Cứ như vậy, năm này sang năm khác vừa phục vụ cho tích lũy, gây dựng mở rộng ao nuôi của gia đình, vừa phục vụ nhu cầu ba ba giống cho bà con, mô hình nuôi ba ba của anh Hùng đã được mở rộng cả về quy mô và số lượng. Dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi ba ba của gia đình, anh cho biết: “Năm nay, giá ba ba “đắt như tôm tươi” lượng cung không đủ cầu, giá ba ba giống lên đến 2 - 2,5 triệu đồng/kg. Dưới ao nhà tôi không thiếu ba ba thuộc hàng “khủng”, có những con nặng đến 16 kg, giá trị lên đến 30-40 triệu đồng”.

Đến nay, gia đình anh đã sở hữu ao ba ba trị giá hàng tỷ đồng, thu nhập hàng năm của gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông chủ Hùng cũng không nhớ nổi mình đã xuất bao nhiêu con ba ba, chỉ biết nhân dân trong vùng, trong tỉnh đều đến hỏi mua và không ít người cũng phất lên nhờ đến mua giống và được anh tư vấn về kỹ thuật nuôi. Từ thành công trong nghề nuôi ba ba, cùng với sự nhiệt tình giúp đỡ bà con có nhu cầu theo nghề, anh Hùng được người dân gọi bằng cái tên thân mật “Hùng ba ba”.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, “Hùng ba ba” cho biết, nuôi ba ba rất dễ, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nuôi trong bể cần để mức nước 30-70 cm, nuôi ao mức nước từ 70 cm - 1,5 m. Nguồn nước phải chảy ra chảy vào nếu không có thì có thể bơm nước giếng lên. Ba ba ít bị bệnh, nếu có chỉ hay bị nấm bã đậu, hoặc do ăn uống tích tụ lâu có thể ảnh hưởng đến gan, phổi nên phải biết cách phòng tránh. Khi chọn giống ba ba phải chọn con khỏe mạnh, không xây xát.

Theo anh, trong nuôi ba ba cái khó nhất vẫn là vốn đầu tư, vì giá ba ba giống khá đắt, không phải hộ nào cũng có thể nuôi được. Nếu hộ nào có điều kiện đầu tư đúng mức vài ba năm sẽ làm giàu.  Mong muốn của anh Hùng là nhiều người được đầu tư vốn để phát triển nghề nuôi ba ba, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba cho các hộ có nhu cầu xây dựng ao, bể nuôi ba ba, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân địa phương.

Văn Thông

Các tin khác
Vợ chồng anh Hiếu (bên trái) giới thiệu sản phẩm chè đã qua sơ chế.

YBĐT - Sinh năm 1965, năm 35 tuổi anh Nguyễn Trung Hiếu kết duyên với chị Nguyễn Thị Hoà cùng làm ở Nhà máy chè Việt Cường. Năm 2000, anh chị nghỉ việc ở nhà máy và quyết định đầu tư vốn liếng đăng ký giấy phép thành lập hộ kinh doanh cá thể sơ chế chè búp tươi ở xã Cường Thịnh (Trấn Yên). Từ một cơ sở nhỏ, sản xuất cầm chừng đến nay đã ngày càng quy mô hơn, đảm bảo ổn định sản xuất và giải quyết việc làm mùa vụ cho gần chục lao động trên địa bàn.

Đồng chí Trương Văn Oanh - Bí thư chi bộ, Giám đốc Xí nghiệp giao khối lượng, đơn giá khoán sản pẩm cho Đội xe vận tải.

YBĐT - Những năm qua, Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái đã trải qua biết bao thăng trầm trong quá trình chuyển đổi cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đó cũng là thời gian anh Trương Văn Oanh giữ cương vị Đội trưởng sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.

YBĐT - Anh Trần Văn Hậu ở thôn Đát Dẻ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình là người có nhiều bò nhất xã: trên 20 con, trong đó có 15 bò cái sinh sản, được nuôi theo phương thức bán công nghiệp.

YBĐT - “Là một cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình và luôn hết lòng vì công việc, xã Khánh Hòa có được kết quả đáng ghi nhận về công tác DS-KHHGĐ như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của chị Liên”. Đó là lời nhận xét của lãnh đạo Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện Lục Yên dành cho chị Trần Thị Liên – cán bộ chuyên trách dân số xã Khánh Hòa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục