Viết tiếp bài ca lao động
- Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2010 | 2:10:14 PM
YBĐT - "Tuy chỉ còn một tay nhưng ý chí, nghị lực vươn lên và sức lao động của ông thì 3 đến 4 thanh niên khỏe mạnh cộng lại cũng chẳng sánh bằng". Đó là lời nhận xét của đồng chí Mai Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Minh Quán (Trấn Yên) khi nói về ông Nguyễn Văn Thành 60 tuổi, thương binh 2/4 ở thôn 4.
|
Từ UBND xã Minh Quán đến nhà ông Thành dễ chừng phải mất hơn 3km đường đất, đá gồ ghề. Cổng vào là con đường đất phẳng lì, một bên là những cây quế cổ thụ 20 đến 30 năm tuổi thân nhẵn bóng, cao vút, một bên là ao cá trên 1.000 m2 được kè đá vuông vức. Trước cửa ngôi nhà xây khang trang là một lão nông tóc hoa râm, trên mình vận bộ quần áo lính đã bạc màu, dáng người nhỏ nhắn, một bên cánh tay cụt tươi cười: "Mời các anh vào nhà xơi nước!".
Qua những câu chuyện với ông, chúng tôi được biết: hiện nay, ngoài ngôi nhà hai vợ chồng ông và cậu con trai út vừa cưới vợ, ông còn làm thêm 1 một khu nhà 2 tầng khang trang, nằm phía ngoài cổng đi vào cho người con trai cả khi lập gia đình. Trang trại của ông gồm 14 ha rừng trồng: trên 1 ha quế, cây già nhất có từ trên 20 năm tuổi, những cây khác bình quân cũng từ 5 đến 10 năm tuổi, còn lại là keo, bồ đề trên 3 năm tuổi. “Hiện nay, trong số 7 người con thì duy nhất có cậu con trai út vừa lấy vợ là ở với chúng tôi do em nó đang học nên hơn 3 ha chè, tôi chỉ cải tạo và duy trì trên 1 ha giống chè Bát Tiên, còn diện tích kia để không vì hai thân già cũng chẳng đủ sức để làm...”, ông Thành cho biết.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, sự khó khăn trong gia đình được ông Thành ví ngắn gọn trong câu nói vui " Nồi còn sôi, khói ùng ục mà cơm thì chẳng còn". Tuy gia đình khó khăn, nhưng ông vẫn được cha mẹ tạo điều kiện cho học hết lớp 7. Đến tháng 9/1971, ông lên đường nhập ngũ biên chế vào C3, Trung đoàn 48, Sư 320 đóng ở Thanh Hóa và Quảng Trị. Tháng 12/ 1971, ông tham gia trận đánh giải phóng Quảng Trị. Ngày 27/12/1973 trong trận chiến ở Cửa Việt, ông là người trực tiếp giữ vị trí pháo cối 82 bất ngờ bị địch phản pháo từ biển vào. Ông choáng váng và ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, ông Thành đã được đưa về tuyến sau. Bác sỹ cũng nói qua về các vết thương và nói rằng bàn tay phải không thể giữ lại mà phải cắt bỏ đi. “Anh biết đấy, chiến tranh là phải có hy sinh mất mát, song lúc đó mình cảm thấy nản lắm! Cuộc chiến thì vẫn tiếp diễn mà mình lại nằm một chỗ...". Nói đến đây, tôi thấy nơi khóe mắt ông rơm rớm.
Sau giải phóng miền Nam, tháng 11/1976, ông phục viên trở về làng. Cô gái Đoàn Thị Là cấp dưỡng ở trạm thương binh năm nào đã quyết định gắn bó cả cuộc đời với ông. Cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, sau khi bàn bạc với vợ, ông đã quyết định chuyển gia đình lên thôn 4 xã Minh Quán, huyện Trấn Yên. "Lúc đó cả thôn 4 chỉ có 11 nóc nhà, đường sá đi lại rất vất vả, từ nhà đến trung tâm xã phải men theo triền đồi và các khe suối. Trong suy nghĩ của tôi chẳng biết đến bao giờ mới chuyển được viên gạch vào đến đây”. Vậy mà từ một khu đất hoang, cây cối mọc um tùm... nay đã trở thành một ngôi nhà khang trang, vườn tược rộng rãi, bao quanh là những đồi quế, keo, bồ đề, các vạt chè xanh mướt mát. Chỉ nhìn thôi cũng đủ biết rằng người chủ nơi đây rất có đầu óc làm ăn. Ông đã biến những cái tưởng như không thể thành có thể.
"Trong quá trình lao động điều mà tôi vui nhất chính là người dân nơi đây từ chỗ coi mình là dở hơi, hâm thì nay đã hiểu và thay đổi hẳn cách nghĩ về tôi". Chẳng là, lúc đó, con thì quá nhỏ, cả hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ có "ba bàn tay", nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ đã giúp ông vượt qua mọi gian khó. Không quản ngày đêm, mưa nắng vợ chồng ông hết trồng keo, đến bồ đề trên các vạt rừng; chặn nguồn nước, khai hoang 6 sào đất để gieo cấy lúa; tìm lên tận Văn Yên để lấy giống quế và học hỏi cách trồng, xắn quần đào ao, gánh đất từ khi sáng tinh mơ đến lúc tối mịt... Nhờ sự miệt mài lao động, ông Thành đã biến những khu đất cằn cỗi, cỏ mọc um tùm thành ao cá nhỏ rồi mở rộng thành 5 ao cá to ngày hôm nay. "Lúc đó, dân ở đây họ không làm theo mùa vụ, thấy khu đất này cằn, họ lại di cư cả gia đình đến mảnh đất khác. Tôi thức khuya dậy sớm lao động thì họ bảo: Làm thế để chết à! Đúng là hâm, dở hơi! Tôi biết nếu chỉ nói với họ bằng lời thì không có kết quả mà phải bằng hành động, việc làm. Anh biết đấy, đã là nông dân thì phải lao động, chỉ có lao động hăng say mới giúp đời sống của mình khá lên..." - ông Thành phấn khởi tâm sự. Từ việc thu lợi trồng rừng, ông đã mạnh dặn tăng số lượng đàn bò của gia đình. Thời kỳ nuôi nhiều nhất là 13 đến 15 con vào những năm 2000.
Với nỗ lực vượt khó trong lao động của ông, người dân trong xã, trong thôn đã tin tưởng và tìm đến ông để được học cách gieo cấy, chăn nuôi, trồng rừng... phát triển kinh tế, xã tín nhiệm bầu ông vào Ban chấp hành chi hội nông dân của thôn, rồi của xã. Tiếp đó, ông tham gia vào Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã và một khóa được bầu giữ chức Phó chủ tịch Hội... Việc tham gia công tác đoàn thể đã giúp ông được học hỏi, nâng cao cách thức chăn nuôi, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật từ các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ... của xã, huyện và tỉnh. Khi đã được trang bị kiến thức trong phát triển kinh tế gia đình, ông đã đến từng hộ dân vận động tuyên truyền cũng như truyền đạt lại cho họ những kiến thức mà mình đã được học. Sau đó, ông mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ ngân hàng để mua 3 con hươu, trị giá 5 triệu đồng/ con năm 1997.
Việc nuôi Hươu cắt nhung để bán đã cho gia đình ông thu lời mỗi năm trên chục triệu đồng. Trồng rừng, đào ao thả cá, nuôi trâu bò, lợn gà, hươu... rồi đến trồng thí nghiệm 3 ha giống chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... hàng năm cho gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng. Cùng ông thăm quan mô hình đồi rừng, được ông giới thiệu về cách thức chăm bón, cải tạo quỹ đất, xây dựng các mô hình kinh tế lâu dài khiến tôi càng khâm phục hơn về trí tuệ và sức lao động của người lính già Nguyễn Văn Thành.
Đã bước sang cái tuổi “lục tuần” mà bước chân của người lính già vẫn ngày ngày thoăn thoắt trên các vạt rừng xanh bạt ngàn để được chứng kiến những đổi thay từng ngày của đất và người nơi đây. Từ khi đặt chân lên mảnh đất này chỉ có 11 hộ thì nay thôn xóm đã trở lên đông đúc, đường sá đi lại thuận tiện, đời sống người dân trong thôn được nâng lên và đã có 80% hộ dân ở nhà xây khang trang. Hôm nay người lính già chỉ còn một tay ấy vẫn là chỗ dựa tinh thần, là động lực, sức mạnh cổ vũ để lớp con cháu cũng như người dân trong thôn vững bước đi lên.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - 10 năm làm công an xã, hơn 3 tháng làm Bí thư chi bộ thôn là quãng thời gian không dài. Nhưng ở cương vị nào người chiến sỹ công an nhân dân này cũng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen cao quý của các cấp khen tặng. Anh là Lường Xuân Trường - Phó trưởng công an xã, kiêm Bí thư chi bộ thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Khởi nghiệp nghề nuôi ba ba với 2 triệu đồng làm vốn, đến nay đã sở hữu ao ba ba trị giá bạc tỷ, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, mô hình nuôi ba ba của gia đình anh Hà Tiến Hùng tổ 28, phường Yên Ninh được coi là thành công nhất, nhì thành phố Yên Bái.
YBĐT - Sinh năm 1965, năm 35 tuổi anh Nguyễn Trung Hiếu kết duyên với chị Nguyễn Thị Hoà cùng làm ở Nhà máy chè Việt Cường. Năm 2000, anh chị nghỉ việc ở nhà máy và quyết định đầu tư vốn liếng đăng ký giấy phép thành lập hộ kinh doanh cá thể sơ chế chè búp tươi ở xã Cường Thịnh (Trấn Yên). Từ một cơ sở nhỏ, sản xuất cầm chừng đến nay đã ngày càng quy mô hơn, đảm bảo ổn định sản xuất và giải quyết việc làm mùa vụ cho gần chục lao động trên địa bàn.
YBĐT - Những năm qua, Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái đã trải qua biết bao thăng trầm trong quá trình chuyển đổi cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đó cũng là thời gian anh Trương Văn Oanh giữ cương vị Đội trưởng sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.