Gặp người chăn nuôi lợn giỏi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/9/2010 | 10:09:33 AM

YBĐT - Gặp anh Nông Minh Thụy - hội viên Hội nông dân xã Lâm Thượng tại Hội nghị điển hình tiên tiến huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái 5 năm (giai đoạn 2005 - 2009), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là dáng vẻ nhanh nhẹn, tính năng động và cởi mở, nhiệt tình trong giao tiếp.

Nhưng đến thăm và tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi lợn thịt theo phương pháp mới của gia đình anh, mới thấy hết sự nhạy bén, giỏi giang trong cách làm kinh tế của người nông dân này. 5 năm về trước, gia đình anh Nông Minh Thụy và chị Hoàng Thị Ngợi vẫn còn là một trong số những hộ cận nghèo ở bản Nà Kéo - xã Lâm Thượng . Kinh tế của cả gia đình với 4 nhân khẩu chỉ trông vào vài sào ruộng, kết hợp chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Cuối năm 2008, anh Thụy mạnh dạn làm thủ tục vay vốn Ngân hàng để phát triển kinh tế. Đợt vay vốn đầu tiên chỉ được 30 triệu đồng, anh phải vay mượn thêm ở ngoài với mức lãi suất cao để có được 70 triệu đồng trong tay, rồi tự thiết kế và thuê người xây dựng hệ thống chuồng trại gồm 3 ngăn với 14 ô, có máng ăn nối liền, đường rãnh thoát nước, đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Phía cuối dãy chuồng có một hầm lớn chứa phân, nước thải đồng thời tạo khí biogas, cung cấp chất đốt. Xây xong chuồng trại thì chỉ còn đủ tiền mua 20 con lợn giống, thức ăn hàng ngày vừa phải đi vay nóng, vừa nợ tiền cửa hàng. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn của anh lớn nhanh như thổi, lứa lợn xuất chuồng đầu tiên lãi cao càng giúp anh có thêm quyết tâm để đầu tư chăn nuôi quy mô lớn.

Số lượng con giống ở những lứa tiếp theo ngày càng nhiều hơn và được đầu tư với quy mô lớn, theo hình thức chăn nuôi bán công nghiệp. Con giống do đích thân anh về tận các trang trại lớn, có uy tín tại huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) chọn mua, một phần do các bạn hàng quen biết trong huyện cung cấp, được tiêm phòng dịch bệnh kỹ càng.

Trong quá trình chăm sóc, anh đặc biệt chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là máng ăn và nguồn nước uống cho lợn. Môi trường luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Sau mỗi lứa xuất chuồng, anh thường để trống chuồng khoảng 1 tháng để làm vệ sinh và phun thuốc khử trùng.

Từ cuối năm 2008 đến nay, mỗi năm anh nuôi gối 3 lứa lợn thịt, lứa nào cũng từ 100 tới 200 con. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, từ lúc bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp đến nay, đàn lợn của gia đình anh chưa bao giờ bị dịch bệnh, dù chỉ là bệnh thường gặp. Trong những thời điểm mà ngành chăn nuôi lao đao vì trượt giá thị trường, đàn lợn của anh vẫn cho lãi và chưa bao giờ bị thua lỗ. Trung bình mỗi năm anh thu về trên 600 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn cho thu trên 100 triệu đồng tiền lãi.

Với đầu óc nhạy bén của mình, anh cho biết: thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng công nghiệp và chuyển sang nuôi lợn siêu nạc, cung cấp nguồn sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đồng thời đầu tư nuôi lợn nái sinh sản để tự cung ứng nguồn giống an toàn, chất lượng cho địa phương.

Tuy nhiên, để làm được như vậy cần phải có một nguồn vốn lớn, anh rất mong được chính quyền địa phương và ngành chức năng tạo điều kiện về cơ chế, hỗ trợ đất sản xuất, giúp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, hỗ trợ về phương pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để người chăn nuôi yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhờ có hướng đi đúng đắn, anh Thụy đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững. Từ một hộ cận nghèo, đến nay gia đình anh đã vươn lên thành hộ khá giả và đang tiếp tục làm giàu. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình khác ở Lâm Thượng và các xã trong huyện đã đến học tập và làm theo.

Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng. Dám nghĩ dám làm để thoát nghèo, đầu tháng 7/2010, anh Nông Minh Thụy đã vinh dự được xã Lâm Thượng chọn là cá nhân điển hình tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (giai đoạn 2005 – 2009) của huyện Lục Yên và là một trong những người giỏi chăn nuôi được huyện tuyên dương, khen thưởng.

Mai Thu

Các tin khác

YBĐT - "Tuy chỉ còn một tay nhưng ý chí, nghị lực vươn lên và sức lao động của ông thì 3 đến 4 thanh niên khỏe mạnh cộng lại cũng chẳng sánh bằng". Đó là lời nhận xét của đồng chí Mai Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Minh Quán (Trấn Yên) khi nói về ông Nguyễn Văn Thành 60 tuổi, thương binh 2/4 ở thôn 4.

YBĐT - 10 năm làm công an xã, hơn 3 tháng làm Bí thư chi bộ thôn là quãng thời gian không dài. Nhưng ở cương vị nào người chiến sỹ công an nhân dân này cũng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen cao quý của các cấp khen tặng. Anh là Lường Xuân Trường - Phó trưởng công an xã, kiêm Bí thư chi bộ thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.

Anh Hùng bên ao ba ba.

YBĐT - Khởi nghiệp nghề nuôi ba ba với 2 triệu đồng làm vốn, đến nay đã sở hữu ao ba ba trị giá bạc tỷ, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, mô hình nuôi ba ba của gia đình anh Hà Tiến Hùng tổ 28, phường Yên Ninh được coi là thành công nhất, nhì thành phố Yên Bái.

Vợ chồng anh Hiếu (bên trái) giới thiệu sản phẩm chè đã qua sơ chế.

YBĐT - Sinh năm 1965, năm 35 tuổi anh Nguyễn Trung Hiếu kết duyên với chị Nguyễn Thị Hoà cùng làm ở Nhà máy chè Việt Cường. Năm 2000, anh chị nghỉ việc ở nhà máy và quyết định đầu tư vốn liếng đăng ký giấy phép thành lập hộ kinh doanh cá thể sơ chế chè búp tươi ở xã Cường Thịnh (Trấn Yên). Từ một cơ sở nhỏ, sản xuất cầm chừng đến nay đã ngày càng quy mô hơn, đảm bảo ổn định sản xuất và giải quyết việc làm mùa vụ cho gần chục lao động trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục