Triệu phú nhím giống
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/12/2010 | 9:39:15 AM
YBĐT - “Nuôi nhím là mô hình phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác mà đầu ra lại ổn định, hiện phong trào nuôi nhím ngày một được nhân rộng góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn”. Đó là lời tâm sự của bác Trần Văn Đệ, 56 tuổi thôn Văn Tiên 3, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) - một điển hình phát triển kinh tế giỏi từ nuôi nhím.
Cũng như bao hộ khác trong thôn, xã, những năm trước đây gia đình bác Trần Văn Đệ gặp rất nhiều khó khăn. Làm quần quật cả ngày vất vả, vậy mà vẫn đói dài, suy đi tính lại chẳng biết bắt đầu từ đâu, chọn con gì nuôi con nào cho phù hợp mà đạt hiệu quả kinh tế cao? Hai vợ chồng vừa làm chè vừa gieo cấy lúa giống mới trên 3 sào ruộng kết hợp với chăn nuôi gà, lợn để nuôi 5 đứa con ăn học vậy mà cũng chỉ được một năm. Đến năm thứ 2 thì hơn một tạ gà, gần chục con lợn trong chuồng bị dịch bệnh chết ngổn ngang. Không nản, gia đình bác quyết định tìm tòi, chuyển sang con giống mới. Cùng thời điểm đó, bác thấy ở những thôn lân cận xuất hiện mô hình nuôi nhím cho hiệu quả kinh tế cao.
Qua thăm quan tìm hiểu thêm một số mô hình nuôi nhím ở Sơn La, bác thấy nuôi nhím rất dễ mà lại đạt giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với những con vật nuôi khác. Nghĩ là làm, tháng 7 năm 2006 với số tiền 24 triệu đồng tích góp được nhờ bán hơn 1 ha chè cộng với 3 sào ruộng bác mua một đôi nhím bố mẹ với giá 12,5 triệu đồng. Sau 6 tháng nuôi, đôi nhím cho ra đời 2 con nhím cái. Thấy nhím sinh trưởng và phát triển tốt đến tháng 4 năm 2008, gia đình huy động, vay mượn họ hàng mua thêm hai đôi nhím bố mẹ. Trong quá trình nuôi, ngoài việc tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo, bác còn học tập, rút kinh nghiệm từ bạn bè và các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả trong và ngoài huyện. Do vậy đàn nhím của gia đình phát triển tốt, không có dịch bệnh. Nhờ nuôi nhím, đến nay gia đình bác đã thoát nghèo, có tiền đầu tư, mở rộng thêm chuồng trại. Ngoài ra, bác còn cung ứng con giống, kinh nghiệm, cho vay vốn giúp các hộ trong thôn, xã đầu tư phát triển kinh tế.
Trong quá trình nuôi, bác theo dõi, ghi chép tỉ mỉ, chu đáo quá trình sinh trưởng, phát triển và sinh sản của đàn nhím để đối chiếu với kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc học được qua sách báo, từ đó rút ra cách làm phù hợp cho mình. Chuồng nuôi nhím được bác xây dựng ở nơi yên tĩnh và thoáng mát vào mùa hè; ấm áp vào mùa đông. Từng ô chuồng có quy cách dài 2m, rộng 1m, cao 1m, làm thành dãy, chính giữa có lối đi, mái chuồng lợp tôn phi brôximăng, nền đổ bê tông có độ nghiêng từ 3 đến 5 độ để thường xuyên giữ được khô ráo và thuận tiện cho việc dọn vệ sinh.
Chung quanh chuồng được che chắn cẩn thận để giảm bớt cường độ ánh sáng, bên trong chuồng có chỗ chứa nước sạch để nhím uống. Vì vậy, những năm vừa qua đàn nhím của gia đình bác tăng trọng rất nhanh. Dần dần trong quá trình nuôi bác đã chọn lọc những con giống tốt đảm bảo chất lượng để nhân giống. Tiếp đó bác cho xây dựng thêm 24 ô chuồng có thể nuôi đến 100 con nhím. với cách nuôi thử nghiệm “chăn thả đàn”, mô hình này sẽ hạn chế thời gian ghép đực. Các ô chuồng được thiết kế thông với nhau bởi sân chơi tập trung, tạo cơ hội cho các con trong đàn được giao lưu. Nếu như ý tưởng này thành công, đây sẽ là bước đột phá mới với nghề chăn nuôi nhím.
Ông Phạm Gia Thái, Bí thư chi bộ thôn 3 Văn Tiên cho biết: “Ông Đệ là một trong những người làm kinh tế giỏi nhất bản. Trong các buổi họp thôn nhiều cách làm hay của ông đã được bà con học tập và làm theo”. “Nuôi nhím rất kinh tế vì giá nhím đang khá cao, bình quân 16 – 16,5 triệu đồng/cặp. Từ đầu năm đến thời điểm này, tôi xuất bán 25 con loại 2 tháng tuổi, thu về hơn 160 triệu đồng, cộng với 3 cặp nhím chửa, thu 96 triệu, vị chi là 256 triệu đồng. Nếu giá xuống thì bà con vẫn có thể thu lãi cao gấp nhiều lần so với những con giống khác”, bác Đệ khẳng định.
Hiện gia đình bác Đệ đã có 28 cặp sinh sản, và 16 cặp nhím con từ 1 - 4 tháng tuổi giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Theo bác Đệ: “Nuôi nhím rất dễ, vừa giải quyết được việc làm cho gia đình vừa có thu nhập, chi phí chăn nuôi thấp, rẻ, phù hợp với người dân nông thôn, lại góp phần hạn chế được tình trạng săn bắn động vật hoang dã…”.
Triệu Xuân Tiên
Các tin khác
YBĐT - Ở thôn Mầu, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) mọi người khen gia đình chị Vũ Thị Thiết khéo làm ăn, giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
YBĐT - Đến thôn Mông Si, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngôi nhà sàn to đẹp, khang trang, thoáng mát, mái lợp phirôximăng sáng trắng ngay cạnh đường. Đó chính là ngôi nhà thứ hai của anh Giàng A Giao, một người dân không biết chữ nhưng luôn cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi cách phát triển kinh tế của người khác về áp dụng làm giàu cho gia đình.
YBĐT - Bước chân lên bản khi mới đôi mươi, giờ đây cô giáo Trần Thị Hường (Trường Tiểu học Suối Giàng, Văn Chấn) đã trở thành một người con của đồng bào Mông nơi đây.
YBĐT - Ngày nào cũng vậy, khoảng 5h sáng và từ 4h30 chiều, cái xóm nhỏ xinh, sạch, đẹp thuộc thôn 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) lại vang lên âm thanh "xoẹt xoẹt" quen thuộc từ chiếc chổi mo cau của ông lão ngoài 70 tuổi cặm cụi quét dọn đường làng.