Tâm huyết với nghề
- Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2011 | 9:12:48 AM
YBĐT - Anh là Nông Thanh Đồ, cán bộ điều dưỡng kiêm làm chương trình HIV/AIDS, một người hết mình về công việc lại biết phát triển chăn nuôi, làm ăn kinh tế giỏi.
Sinh ra và lớn lên tại thôn 2, bản Sơn Đông, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Đồ theo học Trường Trung cấp Y Yên Bái 3 năm. Từ tháng 10 năm 1983 anh tình nguyện lên huyện Mường Khương tỉnh Hoàng Liên Sơn công tác và ở đó được 6 năm. Năm 1989, anh chuyển về công tác tại Bệnh viện huyện Lục Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ).
Đến năm 1991 anh lại chuyển sang công tác tại Trung tâm y tế của huyện, tháng 2 năm 1992 chuyển về Phòng khám khu vực tại xã Mai Sơn. Năm 2005, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Yên công tác và làm y tá điều dưỡng ở Khoa Nội nhi, năm 2007 được giao thêm nhiệm vụ, tham gia vào đội chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS của huyện.
Anh Đồ tâm sự: “Là khoa tiếp xúc với người bệnh, thái độ ứng xử là khâu hết sức cần thiết đối với mỗi cán bộ, tôi luôn ý thức rằng đây là một trách nhiệm và cũng là công việc rất vất vả, khó khăn”.
Để làm tốt công việc được giao, mỗi cử chỉ, mỗi cư xử với người bệnh anh luôn ân cần cởi mở, hòa nhã, không gây phiền hà cho bệnh nhân. Đặc biệt là những lúc rỗi, anh luôn dành thời gian thăm hỏi người bệnh tạo mối quan hệ thân thiện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng.
Không chỉ có những thái độ, cử chỉ đúng mực, ân cần với bệnh nhân và thân nhân của họ, anh Đồ còn truyền cả những cử chỉ ân cần đó của mình sang cho các đồng nghiệp trẻ tuổi trong Khoa và sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ họ trong công việc, trong cuộc sống đời thường. Các điều dưỡng viên nhờ đó đều yên tâm công tác, có thái độ ân cần, nhẹ nhàng với bệnh nhân và nâng cao tay nghề trong công tác điều trị cho người bệnh.
Song song với đó, anh cũng làm tốt chương trình phòng chống HIV/AIDS, tham gia vào đội chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS mà cấp trên giao cho. Anh tâm sự: “Khi mới nhận nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS mình cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ và mặc cảm về nghề của mình. Nhưng khi chứng kiến những người nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối, sức khỏe suy sụp rồi mà vẫn phải gánh chịu nỗi e dè, sợ hãi do sự xa lánh của xã hội và của ngay chính người thân trong gia đình, chỗ dựa và niềm an ủi còn lại duy nhất của họ là những người chăm sóc, tư vấn, điều trị HIV/AIDS như mình nên mình phải có trách nhiệm nhưng cũng cần phải có tình thương, sự quan tâm, chia sẻ chân thành, sâu sắc để họ vơi đi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần”.
Công việc của anh Đồ là hàng ngày chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, giải đáp những thắc mắc cho người nhiễm HIV/AIDS qua điện thoại khi bệnh nhân có nhu cầu cần tư vấn. Trung bình một tháng, anh tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân đến tư vấn, giải quyết các vấn đề thắc mắc, quan tâm về lĩnh vực điều trị HIV/AIDS và động viên họ kịp thời. Theo anh, khó khăn nhất khi làm nghề này là những ngày đầu chưa quen với môi trường làm việc, người dân còn kỳ thị nhiều, ngay bản thân cũng không tránh khỏi sợ hãi khi phải chăm sóc những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối.
Khó khăn nhất là khi người bệnh giấu bệnh, bất hợp tác với thầy thuốc thì việc tư vấn và điều trị càng trở nên vất vả và nguy hiểm hơn. Vì vậy, những cán bộ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân như anh Đồ vừa phải kiên trì, vừa phải nhẫn nại và thực sự yêu nghề mới có thể khuyên giải để người bệnh thấy yêu cuộc sống hơn, vươn lên là người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Là người hết mình tận tụy về công việc, anh Đồ còn là người biết cách phát triển kinh tế gia đình từ mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, gia đình anh có hàng chục con trâu, bò, 2 sào ao thả cá, 2 sào ao nuôi ba ba gai, gà từ 50 - 70 con, trong chuồng lúc nào cũng duy trì khoảng 10 con lợn thịt, anh còn nuôi thêm 2 đôi nhím giống, mỗi năm cho thu hoạch trên 30 triệu đồng từ bán nhím thương phẩm, tổng thu nhập hàng năm từ chăn nuôi lên tới trên 100 triệu đồng.
Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu về mọi mặt, trong công tác chuyên môn cũng như trong việc nhà, Nông Thanh Đồ vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu rèn luyện để vươn lên, xứng đáng là một tấm gương sáng để các đồng nghiệp và bà con trong thôn noi theo. Nhiều năm liền, anh được UBND huyện và UBND tỉnh tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 2006, anh được Liên đoàn lao động huyện tặng giấy khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh”, năm 2009 được Hội Điều dưỡng tỉnh Yên Bái khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội”. Anh thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”.
Nguyễn Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - “Dù môn xã hội hay tự nhiên, khi học hết một bài hoặc một chương, em đều vẽ sơ đồ tư duy (từ các ý lớn rồi vạch ra các ý nhỏ) vừa dễ hiểu mà lại nhớ sâu”.
YBĐT - Trên tấm bảng thành tích học sinh và giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh suốt từ năm học 1999 - 2000 đến năm học 2009 - 2010, tên cô giáo Địa lý Nguyễn Thị Hương có ở hầu hết các năm học.
YBĐT - Tìm già làng Mùa A Sùng thật dễ, bởi sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 03, 06 của Tỉnh ủy, già Sùng ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã trở thành một già làng tiêu biểu trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.