Người “thổi hồn” cho tiết học Lịch sử
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2012 | 9:47:43 AM
YBĐT - Lồng ghép tuyên truyền trong giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Thạch là một trong những tuyên truyền viên tích cực về tấm gương đạo đức của Bác.
Một tiết dạy của cô giáo Thạch.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thạch - Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện Văn Yên là một tấm gương tiêu biểu của huyện được tuyên dương trong thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Không phải ngẫu nhiên, mỗi tiết dạy Lịch sử của cô Thạch lại thu hút sự chú ý của học sinh. ở mỗi tiết học, cô không chỉ giảng những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn giới thiệu với các em về nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đưa ra những dẫn chứng cụ thể về tấm gương sáng của Người. Cô còn lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử, gắn các câu chuyện về Bác với thực tế cuộc sống hôm nay để từ đó các em rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Không chỉ noi gương Bác bằng sự phấn đấu vượt khó để dạy tốt, cô giáoThạch đã lồng ghép giáo dục tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ kính yêu vào từng tình huống sư phạm, từng chủ điểm theo chương trình sách giáo khoa.
Chính những điều ấy đã giúp học sinh, học viên thích học, hiểu biết và yêu môn học Lịch sử hơn, quan trọng là nhận thức sâu sắc hơn về việc học tập và làm theo tấm gương của Người. Lồng ghép tuyên truyền thực hiện cuộc vận động lớn vào giảng dạy đã giúp cho mỗi giờ học sinh động hơn đồng thời học sinh, học viên cũng tiếp nhận được nhiều kiến thức bổ ích. Sau mỗi tiết dạy của cô giáo Thạch, các em lại sôi nổi trao đổi về những câu chuyện kể về tấm gương của Bác. Có bạn còn say sưa hát và đọc những bài thơ viết về Bác trong giờ ra chơi.
Em Trương Trọng Nghĩa, học sinh lớp 12A3 chia sẻ: “Những tiết dạy Lịch sử của cô giáo Thạch đã giúp em hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp và sự hi sinh lớn lao của Bác cho dân tộc Việt Nam”.
Em Hồng Nhung và Tuyết Nhung, học sinh lớp 12A3 cũng bày tỏ: “Trước đây, chúng em đều cảm thấy học môn Lịch sử khó nhớ, khó thuộc, nhất là những dữ liệu lịch sử, thế nhưng qua các tiết dạy của cô Thạch thì học môn này không còn khó nữa. Không chỉ học trong sách giáo khoa mà cô còn thông qua việc trình bày bằng giáo án điện tử, đưa các hình ảnh trực quan, câu hỏi trắc nghiệm để học sinh nghiên cứu, trả lời. Vì thế, chúng em dễ học, dễ hiểu và tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn”.
Ngoài giờ học, cô Thạch dành thời gian trao đổi phương pháp học môn Lịch sử với học sinh tại trung tâm.
Theo cô giáo Thạch, không phải bài học lịch sử nào cũng có thể lồng ghép được mà cần lựa chọn bài thích hợp vì nếu không chắt lọc kỹ sự kiện thì bài giảng sẽ không đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Khi lồng ghép thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào dạy học môn Lịch sử, giáo viên cần quan tâm đến thời gian trong mỗi tiết học. Nhấn mạnh để học tập không đơn thuần dừng lại ở lý thuyết mà phải chú trọng làm theo để cuộc vận động có ý nghĩa hơn song tuyệt đối tránh việc biến tiết học thành tiết kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cô giáo Trần Thị Toán - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện Văn Yên luôn tự hào về đồng nghiệp của mình. Cô Toán cho biết: “Khi chưa áp dụng sáng kiến của cô Thạch, không có nhiều học sinh thích học môn Lịch sử và chất lượng học tập môn này đạt thấp. Từ khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Thạch, học sinh bắt đầu yêu thích môn học hơn, chất lượng học tập ngày càng nâng cao. Nhà trường đã có học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và trong năm học vừa qua đã có một học sinh thi đỗ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tây Bắc. Đây là một trong số ít học sinh của nhà trường thi đỗ các trường đại học chính quy trong những năm gần đây”.
Những năm học vừa qua, năm nào cô giáo Nguyễn Thị Minh Thạch cũng có sáng kiến được Hội đồng Khoa học ngành giáo dục và đào tạo đánh giá đạt loại khá và xuất sắc. Tiêu biểu như sáng kiến: “Một vài kinh nghiệm lồng ghép vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh áp dụng dạy môn Lịch sử” được đề nghị tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ V, năm 2011 - 2012. Nỗ lực không ngừng, cô giáo Thạch đã đạt giải Ba tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2010 - 2011 và vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh.
Năm học 2011 - 2012, cô được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” và được đề nghị khen thưởng trong 5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Mạnh Cường - Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, năm 1981 ông Bùi Công Lợi ở thôn 6, xã Hoà Cuông (Trấn Yên) phục viên trở về địa phương. Là một thương binh nhưng ông Lợi đã cố gắng vượt lên và tích cực phát triển kinh tế gia đình theo mô hình vườn, ao, chuồng và rừng (VACR) giúp gia đình có thu nhập ổn định.
YBĐT - Anh Triệu Văn Bền ở thôn 10, xã Lâm Giang (Văn Yên) không chỉ là một đảng viên gương mẫu luôn tích cực vận động vợ con lao động, sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên thành hộ khá giả mà còn vận động các đảng viên và nhân dân trong thôn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
YBĐT - Nhà ở tổ 43, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) nhưng giờ thì Nguyễn Anh Hoà đã "bỏ phố" vào rừng làm trang trại ở thôn 3, xã Cường Thịnh (Trấn Yên).
YBĐT - Sáng kiến “Giáo dục bản sắc dân tộc qua bài học Lịch sử ở Trường dân tộc nội trú” năm học 2010 – 2011 và sáng kiến “Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn ở Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái” năm học 2011-2012 của cô Nguyễn Thị Thanh Hòa đã được Hội đồng Khoa học của trường xếp loại xuất sắc.