Tấm gương cựu chiến binh Điện biên
- Cập nhật: Thứ ba, 18/12/2012 | 9:36:40 AM
YBĐT - Năm nay đã bước vào tuổi 83 nhưng thương binh nặng hạng 2/4 Phạm Văn Xiển ở tổ 25, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Xiển thường xuyên luyện tập bóng bàn để rèn luyện sức khỏe.
|
Ông quan niệm, mình cần giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ cách mạng theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Đinh Văn Phúc là người bạn đồng hương, người đồng chí của thương binh Phạm Văn Xiển nhận xét: “Tôi và ông Xiển quen biết nhau đã lâu và rất hiểu nhau. Tôi thật sự khâm phục ông Xiển về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.
Ông Xiển sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1948, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và được cử đi đào tạo sỹ quan tại Thanh Hóa. Năm 1951, ông ra trường, được điều về Đại đoàn 304 công tác và là 1 trong 51 cán bộ quân đội được Bộ Quốc phòng tập trung bồi dưỡng gửi sang Liên Xô đào tạo cán bộ cao cấp quân đội.
Tuy nhiên, do tình hình chiến sự lúc đó, Bộ Quốc phòng quyết định hoãn lại, ông được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Sau thời gian tập trung huấn luyện tại Phú Thọ, năm 1952, đơn vị hành quân tập kết lên Điện Biên làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ngày 5/5/1954, trong một trận đánh ác liệt chiếm điểm cao 105, ông bị thương và phải cưa cụt cánh tay trái.
Năm 1955, khi thương tật đã ổn định, đơn vị động viên ông về địa phương để tiện cho việc an dưỡng, chăm sóc. Ông tình nguyện tham gia đoàn công tác cải cách ruộng đất tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1956, ông thi đỗ Trường Đại học Kinh tế và năm 1960 tốt nghiệp. Ông được phân công công tác tại Bộ Tài chính, sau đó nhận công tác tại Sở Tài chính tỉnh Yên Bái. Năm 1971, do yêu cầu của tổ chức, ông được điều chuyển công tác, giữ chức Phó chủ tịch UBND thị xã Yên Bái và đến năm 1984 về nghỉ chế độ.
Trên 30 năm công tác, hơn 60 tuổi Đảng và trải qua các cuộc kháng chiến của dân tộc, ông Xiển được vinh dự trao tặng 2 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý. Hiện nay, các con và các cháu nội, ngoại của ông đều đã trưởng thành, thành đạt.
Hàng ngày, ngoài công việc gia đình, ông tích cực tham gia các hoạt động của tổ dân phố, Ban Liên lạc Chiến sỹ Điện Biên, Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi. Hưởng ứng hoạt động rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, ông Xiển đứng ra vận động thành lập và được UBND phường Nguyễn Phúc công nhận Câu lạc bộ Bóng bàn 19-5.
Câu lạc bộ hiện có 24 thành viên chính thức và địa điểm sinh hoạt chính là nhà ông Xiển. Câu lạc bộ còn thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia luyện tập và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Bà Nguyễn Thị La ở tổ 33, phường Nguyễn Thái Học là thành viên Câu lạc bộ cởi mở: “Ông Xiển đã tạo cho chúng tôi một sân chơi, một nơi giao lưu để vui vẻ, thoải mái luyện tập môn bóng bàn. Chúng tôi thường xuyên thi đấu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm luyện tập cũng như tăng cường rèn luyện sức khỏe”.
Ông Xiển cũng rất say mê làm thơ, viết câu đối, cộng tác thường xuyên với “Bản tin thành phố Yên Bái”, các báo và tạp chí của địa phương. Không những vậy, ông luôn tích cực phát triển chăn nuôi. Ông Xiển cho biết: “Đối với tôi, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương cũng như sự quan tâm, chăm sóc của con cháu đối với mình là rất tốt. Song tôi vẫn tích cực phát triển chăn nuôi, trước hết là mong muốn được cống hiến, được làm việc đến hơi thở cuối cùng cũng như nêu gương để con cháu học tập, thấm thía về ý nghĩa, giá trị của sức lao động chân chính”.
Nguyễn Thanh Nghị
Các tin khác
YBĐT - Đó là chị Tráng Thị Mao, người dân tộc Mông, cư trú tại bản Phình Hồ , xã Phình Hồ (Trạm Tấu).
YBĐT - Trong những năm vừa qua, ở bản Phạ Trên không có gia đình nào có con em mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, bà con không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy, người nghiện được vận động đi cai tại trung tâm. Những thành công đạt được đó là vào một phần đóng góp không nhỏ của già Tú.
YBĐT - Nói đến anh Đặng Văn Phương - người Xa Phó ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên), bà con nơi đây ai cũng biết và khâm phục bởi đức tính cần cù, chịu khó chăm làm của anh.
YBĐT - Đến thôn Làng Cại, xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái), ai cũng choáng ngợp khi nhìn thấy ngôi nhà xây khang trang bề thế mọc lên giữa vùng quê nghèo. Hỏi ra, mới biết chủ nhân của ngôi “biệt thự” đó là một nông dân chân chất đi lên từ kinh tế rừng.