Những triệu phú quýt ở Khe Bín
- Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2012 | 9:25:38 AM
YBĐT - Thu nhập khá từ trồng cam, quýt trên đất đồi của hộ gia đình anh Chu và chị Khách cho thấy, cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tân Phượng và đó cũng là một thực tế có thể nghiên cứu để khôi phục lại vùng cam, quýt nổi tiếng của Lục Yên.
Vợ chồng anh Bàn Tiến Chu bên vườn quýt.
|
Lục Yên đã từng nổi tiếng một thời với các loại cây ăn quả như quýt sen, cam sành, hồng không hạt. Những năm gần đây, diện tích này giảm dần do sâu bệnh. Thế nhưng, tận nơi xa xôi của xã vùng cao Tân Phượng, có nhiều hộ gia đình ở thôn Khe Bín đã mạnh dạn đưa cây quýt vào trồng và cho kết quả khả quan.
Trồng cam, quýt ở Lục Yên là chuyện xưa như trái đất. Nhưng ít ai biết rằng, cam, quýt đang khốn đốn bởi sâu bệnh hoành hành. Thế mà ở nơi xa xôi của xã vùng cao Tân Phượng lại xuất hiện những đồi quýt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đến Tân Phượng, hỏi triệu phú quýt Bàn Tiến Chu, ai cũng biết. Đồi quýt nhà anh cách con đường lớn vào trung tâm xã chỉ chừng 3km nhưng phải hơn 30 phút chúng tôi mới đến được khu đồi với nghìn gốc quýt. Trước đây, cả quả đồi này chỉ là đồi hoang, chè vè, lau lách um tùm.
Anh Chu cho biết: "Khi dấn thân vào khu đất này, tôi cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Được người chị mách nước trồng cam, quýt nhưng năm 2003 là thời kỳ lụn bại của cây ăn quả có múi, gia đình tôi chỉ trồng vài ba gốc. Không ngờ quýt lớn nhanh, quả sai trĩu cành".
Nhận thấy đất ở đây phù hợp với trồng quýt, mỗi năm, anh lại trồng thêm vài trăm gốc và đến nay có trên 1.000 gốc quýt. Quýt nhà anh Chu có mặt ở hầu hết các quán trên địa bàn xã, nhà nào có đám cưới hay công việc lớn cũng đến tận nhà anh mua quýt. Anh Chu cho hay, với giá hiện tại, gia đình anh sẽ thu trên 100 triệu đồng tiền lãi.
Gần đó, gia đình chị Triệu Thị Khách cũng là một trong số các hộ trồng quýt nhiều nhất xã vùng cao này. Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng ngô, lúa nương, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 1999, chị quyết định chuyển một số diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng quýt.
Khi bắt đầu trồng, nhiều người bàn ra tính vào vì thời điểm ấy, cây ăn quả có múi ở Lục Yên giảm dần do sâu bệnh. Chị đã học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ trồng cam, quýt và nhận thấy, đất của gia đình là đất mới nên môi trường sạch bệnh. Ban đầu, chị trồng thử vài gốc quýt địa phương.
Không phụ công người, những gốc quýt đầu tiên cho quả sai trĩu cành, chị quyết định đầu tư trồng thêm 500 gốc quýt. Đến thời điểm này, gia đình chị đã có 700 gốc quýt.
Chị Khách cho biết: "Trồng quýt không khó nhưng để quả đều cần phải đủ nước và phân bón. Để tránh bệnh, không được chiết cành từ những vùng có bệnh vào trồng sẽ dễ bị lây nhiễm". Chị Khách khẳng định: "Năm nay, kiểu gì gia đình tôi cũng sẽ thu về hơn 60 triệu đồng. Năm sau, tôi sẽ khai phá đất để trồng thêm 500 gốc quýt nữa. Chỉ mong có đường vào thuận lợi để thương lái đến tận nhà mua quýt".
Thu nhập khá từ trồng cam, quýt trên đất đồi của hộ gia đình anh Chu và chị Khách cho thấy, cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tân Phượng. Đó là tiền đề, mở hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân ở xã vùng cao này. Từ vườn quýt ở Tân Phượng cũng là một thực tế có thể nghiên cứu để khôi phục lại vùng cam, quýt nổi tiếng của Lục Yên.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Ra mắt thành công Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba” và đã 3 năm liên tục (2010 - 2012) xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái không có người sinh con thứ 3 trở lên. Kết quả trên có được là bởi có những đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Huệ - cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ.
YBĐT - Năm nay đã bước vào tuổi 83 nhưng thương binh nặng hạng 2/4 Phạm Văn Xiển ở tổ 25, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Đó là chị Tráng Thị Mao, người dân tộc Mông, cư trú tại bản Phình Hồ , xã Phình Hồ (Trạm Tấu).
YBĐT - Trong những năm vừa qua, ở bản Phạ Trên không có gia đình nào có con em mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, bà con không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy, người nghiện được vận động đi cai tại trung tâm. Những thành công đạt được đó là vào một phần đóng góp không nhỏ của già Tú.