“Ông Lê cơ khí"
- Cập nhật: Chủ nhật, 30/12/2012 | 9:47:58 AM
YBĐT - Đối với kỹ sư Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà ở thôn Nam Thọ, xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) thì suốt cuộc đời, ông chỉ có một niềm đam mê là nghiên cứu, sáng tạo các loại thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Ông Vũ Hữu Lê bên chiếc máy ép miến bán tự động.
|
Đồng hành với nhà nông
Nhắc tới ông Vũ Hữu Lê, mọi người thường hay gọi “ông Lê cơ khí” bởi hơn 40 năm qua, ông đã gắn bó, cống hiến cho ngành cơ khí. Ông vốn là kỹ sư chuyên ngành nghiên cứu, chế tạo máy và 19 năm liền làm Giám đốc Nhà máy Cơ khí Hoàng Liên Sơn.
Năm 1990, về nghỉ hưu nhưng ông Lê vẫn luôn ấp ủ dự định nghiên cứu, chế tạo những chiếc máy giúp nhà nông từng bước cơ giới hóa sản xuất nông, lâm nghiệp. Lúc bấy giờ, do không có vốn và các phương tiện máy móc nên ông phải đi khắp thành phố thu mua phế liệu, sắt vụn về tái chế làm ra chiếc cuốc, chiếc xẻng… để bán rồi dần dần tích lũy vốn cho đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, chế tạo máy.
Yên Bái là địa phương có lợi thế phát triển cây chè nhưng sau thu hoạch, người làm chè chủ yếu vẫn sơ chế thủ công, vừa tốn công sức mà hiệu quả, chất lượng sản phẩm chưa cao. Khi có thiết bị trong tay, việc đầu tiên ông Lê nghĩ tới đó là chế tạo máy chế biến chè. Sau gần 4 năm nghiên cứu, năm 1998, ông Lê đã chế tạo thành công chiếc máy vò chè mini đầu tiên.
Ông chia sẻ: “Nhiều đêm thức trắng, mất ăn, mất ngủ vì đã không ít lần thất bại. Cấu tạo mỗi chiếc máy có đến hàng trăm chi tiết lớn, nhỏ… nên chỉ cần sai sót kỹ thuật dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhất thì máy cũng không thể vận hành. Bởi vậy, mỗi chiếc máy cần phải có độ chính xác tuyệt đối”.
Từ thành công ban đầu, ông tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo máy vò chè đen, chè xanh có động cơ, kích thước lớn hơn với năng suất trung bình 2,5 tấn/ngày. Ông còn chế tạo nhiều loại máy móc thiết bị khác như: máy sàng tơi, máy sấy, máy tạo hình chè Ô Long, máy sàng 5 vòi phân loại chè, máy trộn chè, máy tạo viên, quạt hút nhiệt, máy sấy nông sản rau củ quả, miến, nấm…
Hiện nay, các sản phẩm thiết bị của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà sản xuất đã cung cấp cho thị trường trong tỉnh, có chất lượng và uy tín. Đặc biệt, nhiều hộ nông dân và các doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ… đã đặt hàng Công ty.
Đam mê sáng tạo
Đã bước sang tuổi 80 song niềm đam mê vẫn thôi thúc ông Lê không ngừng sáng tạo. Mới đây, ông đã chế tạo thành công máy ép miến bán tự động phục vụ các hộ sản xuất, chế biến miến dong xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Ban đầu, theo tính toán và thiết kế dạng máy ép miến thủy lực nhưng qua thực tế sản xuất, ông đã nghiên cứu, cải tiến nhiều bộ phận cho phù hợp đồng thời có thể dùng cả tay quay nên dù không có điện, người làm miến vẫn có thể sản xuất bình thường. Điểm nổi bật của chiếc máy ép miến bán tự động là cho năng suất, chất lượng, sản lượng miến tăng gấp từ 1,5 lần đến 2 lần so với làm thủ công trước đây.
Là một hộ sản xuất miến có thâm niên của Giới Phiên, ông Nguyễn Danh Chiến ở thôn 6 không giấu nổi niềm vui: “Sản phẩm máy ép miến của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà đưa vào sử dụng cho thấy hiệu quả tốt như sợi miến nhỏ, đều hơn, không bị đứt và dai, ngon hơn nhiều… Máy rất dễ sử dụng, tiện lợi, phù hợp lại giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí, công sức lao động”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà là một doanh nghiệp của khu vực miền Bắc được sản xuất, cung cấp máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và được hưởng chính sách, phủ lãi suất vay vốn trong vòng hai năm đầu khi mua các máy móc, thiết bị của doanh nghiệp theo Quyết định số 65 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, ở làng nghề miến xã Giới Phiên, có hàng chục hộ dân đăng ký vay vốn và được hưởng lợi từ chính sách này để đầu tư mua máy ép miến.
Máy ép miến bán tự động của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực phía Bắc và đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái năm 2012. Gặt hái thành công hôm nay không chỉ là công sức, trí tuệ mà còn là niềm đam mê, nhiệt huyết một đời của người kỹ sư già với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Yên Bái.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Thu nhập khá từ trồng cam, quýt trên đất đồi của hộ gia đình anh Chu và chị Khách cho thấy, cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tân Phượng và đó cũng là một thực tế có thể nghiên cứu để khôi phục lại vùng cam, quýt nổi tiếng của Lục Yên.
YBĐT - Ra mắt thành công Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba” và đã 3 năm liên tục (2010 - 2012) xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái không có người sinh con thứ 3 trở lên. Kết quả trên có được là bởi có những đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Huệ - cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ.
YBĐT - Năm nay đã bước vào tuổi 83 nhưng thương binh nặng hạng 2/4 Phạm Văn Xiển ở tổ 25, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình.
YBĐT - Đó là chị Tráng Thị Mao, người dân tộc Mông, cư trú tại bản Phình Hồ , xã Phình Hồ (Trạm Tấu).