Chuẩn quốc gia về y tế xã - Những vấn đề cần giải quyết

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với tốc độ đạt 30 xã, phường, thị trấn mỗi năm, có thể nói, việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã đã nâng chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở tỉnh Yên Bái lên một bước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.

Hướng dẫn quy trình tiến hành chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau đẻ ở Trường trung học y tế tỉnh Yên Bái.
Hướng dẫn quy trình tiến hành chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau đẻ ở Trường trung học y tế tỉnh Yên Bái.

Môi trường, cơ sở vật chất trạm y tế - bài toán khó giải!

Đây là vấn đề làm đau đầu ngành chuyên môn cũng như các địa phương xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) nhiều nhất. Trên thực tế hiện nay không chỉ tại các xã chưa đạt chuẩn mà tại nhiều xã đã được công nhận CQGVYT môi trường và cơ sở vật chất trạm y tế xã còn rất yếu. Theo số liệu thống kê, hiện nay có trên 70% số hộ dân có công trình vệ sinh không đạt tiêu chuẩn, toàn tỉnh mới có 26% số hộ có công trình vệ sinh bảo đảm quy cách và 59% số hộ sử dụng nước sạch.

Một số tập quán, thói quen của người dân về vệ sinh môi trường như sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, thả rông gia súc.. chưa thay đổi, tình trạng đó không chỉ ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc mà có cả ở những khu trung tâm xã như UBND xã, trường học. Cụ thể tại các xã Suối Bu (Văn Chấn), Tân Hợp (Văn Yên), Tân Hương (Yên Bình), Mai Sơn (Lục Yên), tình trạng mất vệ sinh vẫn diễn ra.

Đến nay, toàn tỉnh mới có 48  trạm y tế (chiếm 26,6% tổng số trạm) có nhà mái bằng, có diện tích từ 90 m3 và có 9 phòng trở lên. Số trạm có từ 6 - 8 phòng là 74 trạm, chiếm 41,1% tổng số trạm. Số còn lại đều chưa đủ đạt chuẩn, thậm chí có nhiều trạm y tế do xây dựng từ lâu, là nhà cấp 4, mái dột hay nứt tường xuống cấp nghiêm trọng và nhiều trạm thiếu phòng làm việc, hoặc đủ phòng những không hợp lý.

Từ việc đầu tư nhỏ giọt, thấp so với nhu cầu thực tế (mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng) đã dẫn đến tình trạng các trạm y tế được đầu tư thiếu đồng bộ. Điển hình là các trạm: Hòa Cuông, Giới Phiên (Trấn Yên), Tân Hương, Phú Thịnh (Yên Bình), Nghĩa Tâm, Sơn A, Sơn Thịnh (Văn Chấn)... Nhiều  trạm y tế lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực cũng đã xuống cấp và thiếu phòng chức năng như: phòng khám Hưng Khánh (Trấn Yên), Cẩm Ân, Cảm Nhân (Yên Bình), Hồng Quang (Lục Yên), An Bình (Văn Yên)...

Cán bộ y tế, chế độ y tế  - vấn đề khó khắc phục!

Mặc dù đến nay các trạm y tế xã đã đủ về số lượng cán bộ, song về cơ cấu cán bộ và chất lượng cán bộ vẫn là vấn đề phải bàn. Tỷ lệ bác sỹ công tác  tại các trạm y tế xã thấp, toàn tỉnh mới có 47% số xã có bác sỹ. Để xây dựng CQGVYTX, một số huyện đã sử dụng biện pháp tình thế là tăng cường bác sỹ  xuống xã, sau khi được công nhận chuẩn lại rút về trung tâm y tế huyện hay bệnh viện đa khoa  huyện ... Giải pháp  “tình thế” này đã dẫn đến  tình trạng: mục tiêu chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngay từ tuyến cơ sở nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên đã không thực hiện được.

Hiện nay, cán bộ y tế xã mới cơ bản được đáp ứng chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, BHYT, BHXH từ năm 2007. Mặc dù chế độ phụ cấp cho y tế thôn, bản đã đạt được  80.000 - 100.000 đồng/tháng, song vẫn quá thấp so với công việc, nhất là trong tình hình lạm phát hiện nay. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp trực những năm 2001 – 2003 và 2006 của cán bộ y tế xã, phường chưa được truy lĩnh đủ, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ y tế.

Cùng với thiếu bác sỹ, dù đã tăng cường công tác đào tạo nhưng đến nay còn 165 nhân viên y tế thôn, bản không có trình độ chuyên môn; 655 nhân viên y tế thôn, bản mới được đào tạo 3-6 tháng. Đặc biệt, sau chia tách trung tâm y tế huyện việc chỉ đạo chuyên môn của bệnh viện huyện, của trung tâm y tế dự phòng huyện tới trạm y tế còn bất cập, không kịp thời, không trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn tại trạm cũng như chất lượng chuẩn tại xã. Một số huyện  có tình trạng thiếu y tế thôn bản do bỏ việc.

Từ những tồn tại trên đã ảnh hướng lớn đến chất lượng  phục vụ của cán bộ y tế tại tuyến cơ sở dẫn đến tình trạng có nhiều cố gắng nhưng nội dung truyền thông còn sơ sài, chưa phù hợp với trình độ dân trí địa phương dân đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao; kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhiều địa phương còn chung chung; chưa có phương án phòng chống khi dịch bệnh xảy ra; nhiều nơi kế hoạch chưa được chính quyền phê duyệt.

Tại nhiều trạm y tế, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, ghi chép hồ sơ, bệnh án tại trạm chưa đầy đủ, điều trị cho trẻ em có nơi chưa theo đúng phác đồ, chưa thực hiện việc sử dụng thuốc theo cân nặng. Một số xã chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và người tàn tật tại cộng đồng. Công tác phục hồi chức năng hầu như chưa thực hiện được. Việc quản lý thai nghén, đẻ tại trạm, chăm sóc sau sinh còn khó khăn, chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi chưa liên tục, toàn diện...

 Nguyên nhân và giải pháp

Nguyên nhân của tình trạng trên do Yên Bái là tỉnh miền núi nhưng nguồn lực đầu tư  chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có nhiều chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế. Nhiều nơi, cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể còn “khoán trắng” công tác này cho ngành y tế. Hơn nữa, do công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa làm thay đổi nhận thức của người dân dẫn đến trình độ nhận thức của một bộ phận dân cư còn thấp, còn tồn tại những phong tục tập quán lạc hậu, kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn từ đó dẫn đến sự tham gia của người dân vào công tác này chưa nhiều.

Để giải quyết vấn đề CQGVYTX không cách nào khác là phải tăng nguồn lực đầu tư, đồng thời lồng ghép các chương trình dự án cho công tác xây dựng chuẩn. Trong đó, quá trình đầu tư cần có trọng điểm, không dàn trải, chắp vá và tránh lãnh phí. Công tác xã hội hoá y tế cần tiếp tục cần được đẩy mạnh, để huy động nguồn lực của địa phương, nhất là sự đóng góp của nguời dân và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân  trong và ngoài tỉnh.

Cùng những cố gắng của tỉnh, của ngành y tế trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thì các ngành, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhân dân cần làm rõ trách nhiệm sẽ làm gì  trong công tác xây dựng CQGVYTX. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền,  vận động để nâng cao nhận thức nhân dân trong cộng đồng dân cư về việc thực hiện vệ sinh môi trường, sinh hoạt hợp vệ sinh đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trạm y tế...             

Nguyễn Đình

Các tin khác
Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, giá nguyên liệu sắn tăng cao, khiến nhiều hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao ồ ạt trồng sắn. Thậm chí có nhiều hộ dân còn phá bỏ chè, quế, rừng để trồng sắn không theo quy hoạch của huyện, ngành nông nghiệp - PTNT. Rõ ràng việc trồng và phát triển cây sắn như hiện nay chỉ đem lại lợi ích trước mắt nhưng về mặt lâu dài sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu không có sự điều chỉnh kịp thời!

YBĐT - Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói rõ mối quan hệ mật thiết "bốn nhà", trong đó, quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân là chủ yếu, quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết "bốn nhà" thời gian qua rất lỏng lẻo. Bên cạnh một số doanh nghiệp coi trọng liên kết với nông dân, vẫn còn những doanh nghiệp coi nông dân là người phục vụ, chưa coi là đối tác bình đẳng để làm ăn.

Nước hồ xuống thấp, kéo theo việc nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, nhiều hoạt động KT-XH bị ảnh hưởng. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Hồ Thác Bà là nơi cung cấp nước để phát điện cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nay thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà. Với 3 tổ máy (108 MW), mỗi năm, Công ty đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên nước. Với người dân Yên Bái, nhà máy thủy điện là công trình vĩ đại của ý Đảng, lòng dân.

YBĐT - Những năm gần đây, giao lưu thương mại ngày càng được mở rộng và cuộc sống của người dân Yên Bái được cải thiện rõ rệt… Song, bên cạnh những mặt tích cực trên thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng phát sinh nhiều tiêu cực, đặc biệt là nạn buôn lậu và gian lận thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục