Cần chấm dứt khai thác than "thổ phỉ" ở Suối Quyền

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tài nguyên là vốn quý của quốc gia, song không biết quản lý một cách đúng đắn, khoa học thì sự lãng phí, thất thoát tài nguyên trở thành yếu tố tác động xấu đến môi trường, xã hội. Sự quản lý lỏng lẻo, bất cập của chính quyền địa phương khiến nguồn “vàng đen” ở xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang chảy máu ...

Phía sau trụ sở UBND xã Suối Quyền khoảng 1km, một nhóm người đang khai thác than trái phép ngay dưới chân núi Suối Bó.
Phía sau trụ sở UBND xã Suối Quyền khoảng 1km, một nhóm người đang khai thác than trái phép ngay dưới chân núi Suối Bó.

Khai thác than tập thể...

Suối Quyền là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, may mắn cho người dân ở đây được thiên nhiên ban tặng cho một trữ lượng than (chủ yếu là than bùn) khá lớn. Và niềm vui đó đã đến với người dân khi Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho hợp tác xã (HTX) Suối Quyền khai thác than từ tháng 7/2004 đến hết năm 2007 ở  thôn Suối Bắc trên diện tích 3 ha, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng.

Nhưng đến cuối năm 2006, HTX Suối Quyền đã khai thác hết diện tích cho phép và đã ngừng hoạt động. Trong khi HTX ngừng khai thác thì một nghịch lý xảy ra là người dân trong thôn càng tập trung tiếp tục khai thác than trái phép theo kiểu “thổ phỉ” rồi tập kết bán cho HTX hoặc các tư thương ở ngoài vào với giá 500 ngàn đồng/tấn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, đặc biệt nhiều đoạn đường từ trung tâm xã vào thôn đã xuống cấp trầm trọng bởi xe vào chở than và vấn đề mất an toàn lao động luôn rình rập hàng ngày.

Khai thác than theo kiểu “thổ phỉ”  ở Suối Quyền mà chủ yếu là ở thôn Suối Bắc bắt đầu từ tháng 7/2007 và thôn Suối Bó từ tháng 4/2008. Thôn Suối Bó nằm cách trung tâm xã khoảng 3km. Toàn thôn có 87 hộ thì cả 87 hộ khai thác than trái phép. Trên đường vào thôn, chúng tôi bắt gặp một nhóm khoảng 20-30 người đang hùng hục tay cuốc, tay xẻng, cào, rổ... khai thác than ngay dưới chân núi Suối Bó. Họ vẫn mải mê làm như không có chuyện gì xảy ra. Còn chúng tôi vất vả lắm mới vượt qua được đoạn đường nơi bà con đang khai thác vì những chướng ngại vật: đất, đá và than chiếm hết đường.

- Khai thác trái phép thế này không sợ à? -Tôi hỏi.

- Sợ chứ! - D., một người dân trong nhóm trả lời.

- Vậy sao vẫn khai thác?

 - Nhà mình nghèo lắm, khai thác để kiếm tiền mua gạo!

Chuyển than về nơi tập kết.

Chúng tôi đến 2 thôn Suối Bó và Suối Bó 2 nơi tình trạng khai thác than trái phép đang diễn ra hàng ngày. Tôi không thể tin vào mắt mình khi cảnh đào bới tìm than của gần 80 người từ trẻ em khoảng 12 tuổi đến người lớn và phụ nữ ở lưng chừng chân núi Suối Bó, họ khai thác theo phương pháp thủ công nhưng với hình thức khai thác có tập thể, có người chấm công, có người giám sát theo từng tổ; mỗi ngày được khoảng từ 1-4 tấn/tổ, thuê xe ôm chở xuống điểm tập kết bán cho HTX hoặc tư thương bên ngoài với giá 500 ngàn đồng/tấn, rồi lấy tiền chia cho từng người làm trong ngày hoặc làm theo công.

Theo anh La Tải H. một tay chở xe ôm kể lại thì có những ngày H. chở được 40 chuyến xe, mỗi chuyến là một bao than nặng 140kg và được trả 10 ngàn đồng/chuyến. Không chỉ ở thôn Suối Bó mà thôn Suối Bắc, 23/31 hộ cũng đang "bận rộn" "đào mỏ" với hình thức nhỏ lẻ, làm thủ công rồi tập kết bán ra ngoài. Ông Lý Tiến Phúc- Bí thư Chi bộ thôn Suối Bắc trầm ngâm: “Chúng tôi đã họp chi bộ, họp dân và yêu cầu các hộ không được khai thác than trái phép, nhưng họ không nghe”.

Tai nạn rình rập

Muốn có được nhiều than, người khai thác phải đào sâu vào chân núi từ 3-7 mét tạo thành những cái hang, hầm nên mọi tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt là khi nước trên đỉnh núi Suối Bó thường xuyên chảy xuống, kết hợp với những điểm vừa khai thác than làm cho đất mềm bở và nguy cơ sập hầm bất cứ lúc nào. Theo người dân nơi đây kể lại thì vào tối 3/8/2008, một tổ khai thác ở thôn Suối Bó, vì đào vào quá sâu trong chân núi nên đã bị sập, may mắn là không có ai thiệt mạng.

Qua tìm hiểu được biết, có chuyện người dân khai thác than trái phép như thế là do đời sống của hai thôn Suối Bắc và Suối Bó còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nếu có công ty nào vào khai thác thì số lượng lao động trong hai thôn này được tuyển tham gia vào làm là rất ít nên mới dẫn đến chuyện có một số công ty vào thăm dò để khai thác nhưng người dân không đồng ý. Họ cho rằng, than nằm trên đất của họ nên phải thuộc về chính họ. Từ suy nghĩ đó, cứ mỗi hộ trong thôn Suối Bó lại được cử đi khai thác để kiếm tiền, trung bình mỗi ngày người dân ở đây được 50-100 ngàn đồng.

Rất đông trẻ em khoảng 12 - 16 tuổi và cả phụ nữ đang địu con cũng tham gia khai thác than.

Bất cập và lỏng lẻo trong quản lý

Sau khi phát hiện hiện tượng khai thác than trái phép, UBND huyện Văn Chấn đã ra thông báo cấm khai thác than trái phép trên địa bàn xã. Và, UBND xã Suối Quyền đã tổ chức họp dân ở hai thôn Suối Bắc và Suối Bó để tuyên truyền vận động nhân dân không tiếp tục hoạt động này, đồng thời thông báo việc cấm, đình chỉ khai thác than trên địa bàn hai thôn nói trên. Nhưng thực tế người dân vẫn khai thác, từng chiếc xe tải, xe Hoa Mai, xe công nông vẫn vào chở “vàng đen” ra khỏi địa phương.

Giải thích về vấn đề này, ông Lý Tiến Đình-Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã làm hàng rào chắn xe vào nhưng xe chở than chủ yếu vào buổi tối nên khó kiểm soát, còn ban ngày nếu bắt được thì sẽ thu lệ phí 6000 đồng/tấn”. Theo người dân nơi đây, thì xe muốn chở than ra khỏi địa phương phải nộp lệ phí 60 ngàn đồng/xe 6 tấn và 120 ngàn đồng/xe 12 tấn nên bà con khai thác đến đâu là tiêu thụ đến đó!

Tình trạng này cho thấy, rất cần lập lại trật tự khai thác than ở Suối Quyền; huyện Văn Chấn, Sở Tài nguyên - Môi trường cần có biện pháp cụ thể hơn; cần đánh giá sản lượng và có tổ chức khai thác, quản lý người khai thác. Nếu để như tình trạng hiện nay vừa thất thu tài nguyên và những mối nguy hiểm đến tính mạng con người sẽ khó lường.

Chính quyền xã Suối Quyền cần tăng cường kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra nắm tình hình ở những khu vực dễ xảy ra khai thác than trái phép để có biện pháp ngăn chặn kịp thời tránh để tình trạng nói trên tái diễn trên diện rộng.

 Hà Tĩnh

Các tin khác

YBĐT - Những ngày qua, đồng bào cả nước và nhân dân trong tỉnh Yên Bái vô cùng xúc động khi chứng kiến những mát mát và thiệt hại nặng nề của người dân Yên Bái bị ảnh hưởng của cơn bão số 4. Thành phố Yên Bái, các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình là những địa phương thiệt hại nặng về người và tài sản. Nhiều nơi, giao thông bị cắt đứt, người dân lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu nước uống.

Hội nghị bàn giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em.

YBĐT - Hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh Yên Bái, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đi kiểm tra thiệt hại các công trình thủy lợi ở Văn Chấn mùa lũ năm 2007.

YBĐT - Năm 2007, tính chung cả nước, thiên tai, mưa bão đã làm 462 người chết, 33 người mất tích; gần 728.000 ngôi nhà bị hư hại, cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng, gây thiệt hại về vật chất lên hơn 11.500 tỉ đồng.

Giờ học của các cháu 5 tuổi Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (TP Yên Bái) (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Hiện nay, hầu hết các trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi trở lên, điều này đã khiến cho các nhóm trẻ gia đình phát triển mà không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, ngày 7/4/2008, Bộ Giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) đã ra Quyết định số 14 quy định các trường mầm non công lập phải nhận chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục