Yên Bái: Trẻ em vi phạm pháp luật - bài toán chưa có lời giải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh Yên Bái, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng.

Hội nghị bàn giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em.
Hội nghị bàn giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em.

Mặc dù có sự vào cuộc rất quyết liệt của các cấp, các ngành trong tỉnh nhưng tình hình hoạt động tội phạm hình sự trên địa bàn mà đối tượng vi phạm và nạn nhân đều là trẻ em đã và đang gây ảnh hưởng dư luận xấu trong nhân dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, lực lượng công an toàn tỉnh đã khởi tố 22 vụ, 25 bị can là trẻ em vi phạm pháp luật; xử lý hành chính 18 vụ, 40 đối tượng, lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng 17 em, giao cho gia đình quản lý 23 em, còn lại giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Có thể nói, tình hình trẻ em vi phạm pháp luật hiện đang diễn biến rất phức tạp, có những vụ việc với tính chất nghiêm trọng đã gây dư luận xấu trong nhân dân. Thực tế công tác đấu tranh các vụ án xâm hại trẻ em cho thấy có rất nhiều gia đình và người thân thiếu quan tâm trong việc quản lý, chăm sóc và bảo vệ con em mình. Thứ nữa phải kể đến chính là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các cơ quan chuyên môn còn thiếu và yếu. Đặc biệt là nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đầy đủ, sâu rộng, nhất là ở những nơi có đông đồng bào dân tộc, những địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giáo dục, chăm sóc trẻ em giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể quần chúng chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu được chăm sóc, được trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật của các em.

Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những đối tượng vi phạm có trình độ văn hoá thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì các đối tượng vi phạm ở thành phố hầu hết đều ở lứa tuổi vị thành niên, do ảnh hưởng của văn hoá phẩm đồi trụy. Chính trong thời kỳ hội nhập, mở cửa này, khi mà các quán chát, internet nhan nhản thì chỉ cần vài ba ngàn đồng là bất cứ ai, đặc biệt là trẻ em đều có thể vào mạng một cách thoải mái.

Chẳng riêng gì cửa hàng bán băng đĩa với những lời dụ dỗ ngon ngọt: “Mua đi em, có cả đĩa Vàng Anh mới đấy!” mà một số cửa hàng bán điện thoại di động còn tải cả những video “nóng” những đoạn văn hoá phẩm đồi trụy và quảng cáo rất hồ hởi khi có những “thượng đế” tuổi “teen” đến mua. Sự cập nhật thông tin ấy với các em nếu không có sự kiểm soát tốt của ngành văn hoá và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng thì sự gia tăng tình trạng phạm tội ở trẻ em là điều khó tránh khỏi.

Nhằm hạn chế từng bước tình trạng này, Công an tỉnh là đơn vị tiên phong thực hiện đề án phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm tuổi chưa thành niên. Đây là đề án do Công an tỉnh chủ trì có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng. Qua đó, đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh duy trì các mô hình quản lý trẻ em vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư ở các địa bàn, nhất là thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ; xây dựng được 4 mô hình quản lý giáo dục trẻ em làm trái pháp luật cho 22 trẻ em ở các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình... bước đầu đã có những tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, để giảm bớt tình trạng vi phạm pháp luật ở trẻ em, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ban chỉ đạo 138 của tỉnh cần có những chỉ đạo sát sao đi kèm với những giải pháp đồng bộ như: đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý chặt chẽ bằng việc tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các chủ cửa hàng bán băng đĩa lậu, văn hoá phẩm đồi truỵ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, bán đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực.

Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng thường xuyên hoặc đột xuất đối với những đơn vị, cá nhân có thành tích nổi bật, xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật và quản lý trẻ em hư tại cộng đồng. Với trách nhiệm giáo dục văn hoá cho trẻ em, ngành giáo dục cũng cần có những giải pháp cụ thể phối hợp giữa gia đình với nhà trường để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đạo đức cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Trước mắt là xử lý nghiêm những học sinh không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đi xe máy, dùng điện thoại di động, đi ô đến trường...để từng bước xã hội hoá công tác chăm sóc giáo dục trẻ em tại mỗi địa bàn, khu dân cư và mỗi gia đình. Có như vậy, bài toán vi phạm pháp luật ở trẻ em mới nhanh chóng tìm ra lời giải thuyết phục.          

 Thanh Hương

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đi kiểm tra thiệt hại các công trình thủy lợi ở Văn Chấn mùa lũ năm 2007.

YBĐT - Năm 2007, tính chung cả nước, thiên tai, mưa bão đã làm 462 người chết, 33 người mất tích; gần 728.000 ngôi nhà bị hư hại, cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng, gây thiệt hại về vật chất lên hơn 11.500 tỉ đồng.

Giờ học của các cháu 5 tuổi Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (TP Yên Bái) (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Hiện nay, hầu hết các trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi trở lên, điều này đã khiến cho các nhóm trẻ gia đình phát triển mà không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, ngày 7/4/2008, Bộ Giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) đã ra Quyết định số 14 quy định các trường mầm non công lập phải nhận chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Hướng dẫn quy trình tiến hành chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau đẻ ở Trường trung học y tế tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Với tốc độ đạt 30 xã, phường, thị trấn mỗi năm, có thể nói, việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã đã nâng chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở tỉnh Yên Bái lên một bước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.

Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, giá nguyên liệu sắn tăng cao, khiến nhiều hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao ồ ạt trồng sắn. Thậm chí có nhiều hộ dân còn phá bỏ chè, quế, rừng để trồng sắn không theo quy hoạch của huyện, ngành nông nghiệp - PTNT. Rõ ràng việc trồng và phát triển cây sắn như hiện nay chỉ đem lại lợi ích trước mắt nhưng về mặt lâu dài sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu không có sự điều chỉnh kịp thời!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục