Cần xúc tiến các biện pháp để trẻ 3 tháng tuổi được nuôi dạy ở trường mầm non
- Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, hầu hết các trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi trở lên, điều này đã khiến cho các nhóm trẻ gia đình phát triển mà không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, ngày 7/4/2008, Bộ Giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) đã ra Quyết định số 14 quy định các trường mầm non công lập phải nhận chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Giờ học của các cháu 5 tuổi Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (TP Yên Bái) (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Quyết định này đã mở ra nhiều hy vọng cho các bậc phụ huynh muốn gửi con ở độ tuổi nhỏ đến trường mầm non, nhưng đối với các trường mầm non trên địa bàn tỉnh thì vẫn còn quá nhiều bất cập, bởi hầu hết các trường đều khó thực hiện theo Quyết định này do chưa có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.
Mô hình nhà trẻ công lập thực tế đã không còn tồn tại trong cuộc sống kể từ ngày 16/2/1987, khi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương sáp nhập với Bộ GD&ĐT. Do đó, hệ thống nhà trẻ nằm trong hệ thống mầm non. Vì nhiều lý do khác nhau, mô hình nhà trẻ dần dần teo tóp và biến mất, các trường mầm non ngại trông trẻ dưới một năm tuổi và đặc biệt là trẻ mới 3 tháng tuổi. Một số trường tiếp nhận trẻ ít nhất cũng từ 1 đến 1,5 tuổi. Điều đó dẫn đến hệ lụy, trẻ em dưới 18 tháng tuổi thì gia đình tự lo. Vì vậy, nhiều gia đình không có điều kiện để chăm sóc con tại nhà đành phải gửi đến nhóm trẻ gia đình, mặc dù phụ huynh nào cũng lo lắng, bởi thực tế các nhóm trẻ chủ yếu trông là chính, còn việc chăm sóc, chất lượng bữa ăn... phó mặc cho bố mẹ.
Không ít hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng đã xảy ra đối với trẻ em được gửi tại các nhóm trẻ gia đình mà báo chí đã liên tiếp phản ánh trong thời gian qua. Dù chưa thực sự yên tâm nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn phải chấp nhận, nếu không thì ai trông con cho để đi làm, đặc biệt là đối tượng lao động có thu nhập thấp. Hệ quả của việc chăm sóc nuôi dưỡng của các nhóm trẻ gia đình lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn. Trước áp lực quá lớn của xã hội khi trẻ dưới 3 tháng tuổi vẫn "bơ vơ" ngoài cổng trường mầm non, Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 14 như đã nêu trên. Tuy nhiên, để trẻ em từ 3 tháng tuổi được đến trường, được chăm sóc trong sự quản lý của cơ quan chức năng, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh hầu như chưa thể đáp ứng được yêu cầu.
Dù là trường mầm non có quy mô lớn nhất của huyện Yên Bình nhưng hiện nay, Trường mầm non thị trấn Yên Bình đã bị xuống cấp nặng nề. Cơ sở vật chất vẫn chỉ là những gian nhà xây cấp bốn từ vài chục năm trước. Cô giáo Lương Thị Oanh - Phó hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) cho biết: do cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn thiếu nên trong năm học 2008 - 2009, nhà trường chỉ tuyển thêm 75 cháu, trong khi số hồ sơ xin học đã lên tới hơn 110 cháu. Các hồ sơ này chủ yếu là các cháu từ 18 - 24 tháng tuổi. Việc đáp ứng yêu cầu theo Quyết định 14 của Bộ GD&ĐT là phải nhận chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi là một việc hoàn toàn nằm ngoài khả năng của nhà trường.
Nằm ngay giữa lòng thành phố Yên Bái nhưng Trường mầm non Hoa Hồng cũng không đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu nhận trông giữ trẻ từ 3 tháng tuổi. Cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp và rất chật hẹp trong khuôn viên chỉ vỏn vẹn hơn 1000m2. Cô giáo Lê Thị Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: năm học 2007 - 2008, nhà trường duy trì được 10 lớp học nhưng phải thuê thêm 2 phòng của nhà dân. Do có nhiều bất tiện trong sinh hoạt nên trong năm học 2008 - 2009, nhà trường đã thông báo không tuyển sinh. Vậy là, cũng giống như trường mầm non thị trấn Yên Bình và nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhà trường chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ từ 18 - 24 tháng, chứ chưa nói đến 3 tháng tuổi.
Để tiếp nhận trẻ từ 3 tháng, yêu cầu đầu tiên đối với các trường mầm non là phải có phòng rộng đủ tiêu chuẩn, cách biệt với các lớp trẻ lớn, phải có cũi riêng cho từng cháu. ở độ tuổi dưới 18 tháng, trẻ cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phải hoàn toàn khác biệt, phải có nhân viên y tế tại chỗ... Khi chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi, mỗi cô giáo chỉ chăm sóc được khoảng từ 5 đến 6 cháu, việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu cũng khó khăn, vất vả hơn. Trường công lập thì lại khống chế tỉ lệ biên chế, điều này càng khiến cho việc thực thi Quyết định 14 của Bộ GD&ĐT khó khăn...
Do đó, các trường mầm non đều cho rằng, cần có lộ trình để đáp ứng được yêu cầu này, trong đó, các trường cần phải được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Cũng có một thực tế là hiện nay, do điều kiện kinh tế khá dần, các gia đình chủ yếu có hai con, tâm lý thương con, lo lắng khi gửi con mới 3 tháng tuổi vào nhà trẻ còn quá bé... cũng khiến nhu cầu gửi trẻ từ 3 tháng tuổi chưa cao bởi trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 36 tháng tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi lại cần sự chăm sóc vô cùng đặc biệt mà chỉ những người có đầy đủ kinh nghiệm và lòng yêu trẻ mới có thể cáng đáng được...
Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng chế độ nghỉ thai sản cho các bà mẹ lên 6 tháng. Khi những bất cập xung quanh quyết định yêu cầu các trường mầm non công lập phải nhận chăm sóc các cháu từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi chưa được giải quyết thì việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho các bà mẹ lên 6 tháng có thể coi là một giải pháp hợp lý để các bà mẹ có thể yên tâm chăm sóc con cái.
Trong điều kiện gửi trẻ còn nhiều bất cập như hiện nay, đây là một thuận lợi lớn cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn mong muốn các trường mầm non mở cửa với các bé trong độ tuổi từ 6 tháng tuổi trở lên. Do đó, Quyết định 14 của Bộ GD&ĐT được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ. Nhưng để thực hiện Quyết định này, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh cũng cần có thời gian, lộ trình và điều kiện để đảm bảo về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chăm sóc, dạy dỗ lứa tuổi đặc biệt này.
Phương Lan
Các tin khác
YBĐT - Với tốc độ đạt 30 xã, phường, thị trấn mỗi năm, có thể nói, việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã đã nâng chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở tỉnh Yên Bái lên một bước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.
YBĐT - Vài năm trở lại đây, giá nguyên liệu sắn tăng cao, khiến nhiều hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao ồ ạt trồng sắn. Thậm chí có nhiều hộ dân còn phá bỏ chè, quế, rừng để trồng sắn không theo quy hoạch của huyện, ngành nông nghiệp - PTNT. Rõ ràng việc trồng và phát triển cây sắn như hiện nay chỉ đem lại lợi ích trước mắt nhưng về mặt lâu dài sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu không có sự điều chỉnh kịp thời!
YBĐT - Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói rõ mối quan hệ mật thiết "bốn nhà", trong đó, quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân là chủ yếu, quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết "bốn nhà" thời gian qua rất lỏng lẻo. Bên cạnh một số doanh nghiệp coi trọng liên kết với nông dân, vẫn còn những doanh nghiệp coi nông dân là người phục vụ, chưa coi là đối tác bình đẳng để làm ăn.
YBĐT - Hồ Thác Bà là nơi cung cấp nước để phát điện cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nay thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà. Với 3 tổ máy (108 MW), mỗi năm, Công ty đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên nước. Với người dân Yên Bái, nhà máy thủy điện là công trình vĩ đại của ý Đảng, lòng dân.