Cần xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS
- Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sự có mặt kịp thời của những thành viên trong các nhóm giáo dục viên đồng đẳng đi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS do tổ chức Ngân hàng Thế giới tài trợ đang trực tiếp hoạt động trên địa bàn 5 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần lấp đầy chiếc hố sâu ngăn cách giữa bệnh nhân HIV/AIDS với cộng đồng.
Anh Hà Văn Sang (người đầu tiên từ trái sang) đang trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS với cán bộ Ban quản lý Dự án phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
|
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo “Nếu 1 người nhiễm HIV thì địa bàn dân cư đó có 10-15 người nữa nhiễm và đang có nguy cơ tiềm ẩn chưa tìm ra”. Đây thực sự là bức thông điệp đòi hỏi tất cả mọi người phải cùng suy ngẫm và tự giác hơn trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS ngay trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư mình đang sinh sống. Nói cách khác là để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, chúng ta cần phải xã hội hoá công tác này.
Khó khăn lớn nhất để thực hiện xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS không phải vì căn bệnh thế kỷ này không có thuốc chữa hoặc không có cách gì cứu chữa mà chính là sự phân biệt, kỳ thị, đối xử của cộng đồng.
Sự phân biệt, đối xử, kỳ thị ấy với người có bệnh là chiếc hố sâu ngăn cách khiến cho căn bệnh HIV/AIDS ngày càng bị lây truyền nhanh và phát triển rộng rãi. Đó là những rào cản vô tình vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại, thậm chí ngay trong chính mỗi gia đình có người thân mắc bệnh. Đầu tiên là việc cho người bệnh tách ra khỏi cộng đồng, tiếp đó là hành động chỉ trỏ, nói năng bóng gió rồi đến việc hắt hủi, xa lánh khiến cho người bệnh đã tủi thân lại thêm phần tự ti. Người yếu đuối mong muốn tìm đến cái chết một cách thật nhanh, kẻ ngông cuồng thì tìm đến giải pháp tiêu cực là đi quan hệ tình dục một cách bừa bãi để “trả thù đời” cho người khác cũng bị nhiễm với một mục đích: “để xem khi có HIV rồi, bị xã hội, người thân hắt hủi, xa lánh có chịu được không?”.
Đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành y tế nói chung và Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh nói riêng. Các giải pháp hạn chế tình trạng lây truyền căn bệnh thế kỷ này đã có nhiều, song khả thi nhất có lẽ vẫn là hoạt động tiếp cận sát, tuyên truyền, giáo dục tận nơi, có địa chỉ rõ ràng, cụ thể của các đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.
Sự có mặt kịp thời của những thành viên trong các nhóm giáo dục viên đồng đẳng đi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS do tổ chức Ngân hàng Thế giới tài trợ đang trực tiếp hoạt động trên địa bàn 5 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần lấp đầy chiếc hố sâu ngăn cách giữa bệnh nhân HIV/AIDS với cộng đồng.
“Họ thực sự là những người nhiệt tình, hướng thiện nên mới làm được việc”. Đó là nhận xét rất thật của bác sỹ Lê Văn Nam – Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái). Nhờ có sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ đồng đẳng viên và sự ủng hộ giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương nên Đồng Tâm là 1 trong 11 xã, phường của thành phố làm rất tốt công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Được biết, năm 1998 cả phường chỉ mới phát hiện 2 đối tượng nhiễm HIV nhưng đến đầu năm 2008 con số này đã tăng lên trên 70 đối tượng.
Qua thực tế hoạt động công tác can thiệp giảm tác hại, đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền của phường đã phát hiện nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do một số gia đình chưa hiểu biết đã ruồng bỏ ngay chính con, em mình khi phát hiện có HIV. Vô tình những người thân ấy đã làm cho chiếc hố sâu ngăn cách người bệnh với cộng đồng và xã hội càng sâu thêm.
Anh Hà Văn Sang, sinh năm 1960, là một đồng đẳng viên của phường tâm sự: “Có những gia đình đối tượng nhiễm HIV bị chết, anh em y tế , người trong khu phố và đội ngũ đồng đẳng viên phải đứng ra khâm liệm. Trong khi bản thân bố mẹ người chết lại phải dùng tới mấy lần găng tay mà vẫn không yên tâm”. Là người cùng cảnh ngộ, anh Sang rất tận tình trong việc tìm và tuyên truyền cho các đối tượng có HIV trên địa bàn mình cách phòng, chống lây nhiễm cho người thân. Khi được người dân tin, hiểu và thông cảm, anh Sang càng thấy nhiệt tình và hăng say với công việc của mình hơn bởi anh thấy công việc của mình có ý nghĩa và thấy mình cần cho xã hội.
Chính vì tin và hiểu công việc của anh mà có người đến tận nhà nhờ anh giúp rất chân thành: “Tôi nghi con tôi mắc nghiện rồi. Nhờ anh đến tuyên truyền nói thế nào để cho cháu đi cai nghiện giúp tôi với”. Tuy vậy, số người hiểu và thông cảm với hoạt động của các nhóm đồng đẳng viên như anh Sang vẫn chưa nhiều. Họ cho rằng, phát bơm kim tiêm và bao cao su như vậy có khác nào khuyến khích người nghiện? Mà không hiểu rằng đó chính là giải pháp hữu hiệu nhất giảm thiểu sự lây lan của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Với tỷ lệ người nhiễm HIV đang gia tăng như hiện nay thì chỉ riêng ngành y tế và đội ngũ 49 cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng không thể đảm đương nổi nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có được sự vào cuộc của tất cả mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội, mà chính những cán bộ trong Ban quản lý Dự án Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh phải là lực lượng nòng cốt.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Tài nguyên là vốn quý của quốc gia, song không biết quản lý một cách đúng đắn, khoa học thì sự lãng phí, thất thoát tài nguyên trở thành yếu tố tác động xấu đến môi trường, xã hội. Sự quản lý lỏng lẻo, bất cập của chính quyền địa phương khiến nguồn “vàng đen” ở xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang chảy máu ...
YBĐT - Những ngày qua, đồng bào cả nước và nhân dân trong tỉnh Yên Bái vô cùng xúc động khi chứng kiến những mát mát và thiệt hại nặng nề của người dân Yên Bái bị ảnh hưởng của cơn bão số 4. Thành phố Yên Bái, các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình là những địa phương thiệt hại nặng về người và tài sản. Nhiều nơi, giao thông bị cắt đứt, người dân lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu nước uống.
YBĐT - Hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh Yên Bái, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật đang có dấu hiệu gia tăng. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng.
YBĐT - Năm 2007, tính chung cả nước, thiên tai, mưa bão đã làm 462 người chết, 33 người mất tích; gần 728.000 ngôi nhà bị hư hại, cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng, gây thiệt hại về vật chất lên hơn 11.500 tỉ đồng.