Cái khó “bó” cái nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/10/2013 | 9:24:25 AM

YBĐT - Sau gần 3 giờ đi ca-nô lênh đênh trên hồ Thác Bà, chuyển sang đi bằng xe máy, chúng tôi đã đến trung tâm xã Tích Cốc - một xã vùng xa của huyện Yên Bình. Đường từ bến ca-nô xã Cảm Nhân vào Tích Cốc khoảng chừng 15km đã được rải nhựa vài năm rồi, đi lại thuận lợi nhưng hiếm khi nhìn thấy một căn nhà xây nào bên đường khang trang, rộng rãi mang dáng dấp biệt thự... Tích Cốc vẫn nghèo lắm!

Lớp thực hành trồng nấm rơm ở thôn 3.
Lớp thực hành trồng nấm rơm ở thôn 3.

Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, ông Vương Trọng Tĩnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cử cán bộ Hội Cựu Chiến Binh, Hội Phụ nữ là hai “cánh tay” vững chắc, giúp các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng xóa đói giảm nghèo, đưa chúng tôi xuống các thôn, bản tìm hiểu về những thuận lợi và khó khăn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của các hộ dân.

Trên đường xuống thôn 1, gặp các hộ nghèo đang tham gia lớp học thực hành trồng nấm rơm, ông Nguyễn Đức Quân - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cùng cho biết: xã Tích Cốc hiện có 518 hộ dân chung sống ở 5 thôn. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, trồng cây màu, chăn nuôi... Sản xuất nông nghiệp  “lấy công làm lãi”, còn chăn nuôi hai năm gần đây rất khó khăn! Lợn thịt xuống giá liên tục nhưng cám để chăn nuôi lại tăng rất nhanh nên nhiều hộ bán lứa lợn được chục triệu đồng thì trả tiền cám mất khoảng 7 triệu rồi, chưa kể tiền mua lợn giống thì lấy đâu ra lãi. Đàn bò, không phát triển được do dịch lở mồm long móng, bò bị bệnh chết nên nhiều hộ dân lo lắng đã bán bò đi chuyển sang nuôi trâu...

Các hộ dân trong xã có nghề phụ gì làm để tăng thêm thu nhập không? - Tôi hỏi.

- Không có nghề gì cả, ngoài một số hộ còn trẻ đi làm nghề xây dựng hoặc đi nơi khác lao động phổ thông cũng chẳng thu nhập được nhiều, do công việc không ổn định - Anh Nguyễn Đức Quân đáp lời.

- Trên đường vào xã chúng tôi thấy có một số hộ dân mang rọ tôm đi bán, có phải người dân xã mình không?

- Đúng, đó chủ yếu là các hộ đồng bào Dao ở thôn 4 và thôn 5 đã tham gia học nghề mây tre đan xuất khẩu mở tại xã nhưng không phát huy được nghề học, họ đi tự học đan  rọ tôm để kiếm tiền mua gạo ăn thôi, chứ cũng không thể làm giàu hoặc xóa nghèo bằng nghề này được.

Chúng tôi tới thăm lớp thực hành trồng nấm được tại thôn 2, địa điểm tổ chức tại nhà của đồng chí Vương Trọng Phục- nguyên Bí thư Đảng ủy xã. Âu cũng là cái duyên nợ với bà con, trong bao năm anh làm lãnh đạo chủ chốt xã chưa thể làm hết mọi việc cho bà con được. Lần này có lớp dạy nghề trồng nấm tại xã anh nhiệt tình nhận “đăng cai” địa điểm tại nhà để cán bộ đến làm mô hình, dạy cho các hộ dân thực hành trồng nấm rơm.

 

Cán bộ tổ vay vốn thôn 3, Hội phụ nữ xã Tích Cốc tuyên truyền hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Chuẩn bị cho lớp học trồng nấm rơm, mấy ngày hôm nay, bà Nông Thị Hồng - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã luôn phải đi sớm về muộn cùng với các trưởng thôn rà soát các hộ đã được học nghề, chưa được học nghề, nhất là các hộ nghèo lên danh sách lớp học đảm bảo mỗi hộ dân được học một nghề, áp dụng vào phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Hôm nay bàHồng có mặt tại địa điểm thực hành rất sớm, đôn đốc chị em các chi hội nhắc nhở hội viên đến học đúng giờ.

Trao đổi về cố gắng của Hội Phụ nữ xã trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, bà Hồng tâm sự: Hiện nay, 5 thôn trong xã Tích Cốc đều có các tổ vay vốn của Hội Phụ nữ và Cựu chiến binh xã đứng ra tín chấp cho các hộ dân vay vốn như: vốn vay hộ nghèo; vốn vay hộ cận nghèo; vốn sản xuất vùng khó khăn; vốn vay dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; vốn vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Đến thời điểm này đang có 336 hộ vay các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, trong đó Hội Phụ nữ tín chấp cho 249 hộ vay, Hội Cựu chiến binh 87 hộ vay với tổng dư nợ trên 4 tỷ 764 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Phụ nữ và Hội Cựu Chiến binh xã còn tín chấp cho hàng trăm hộ dân vay nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với tổng dư nợ đến nay trên 2 tỷ đồng...

Nhiều hộ gia đình vay vốn về phát triển đã thoát khỏi diện hộ nghèo, xây được nhà ở khang trang như các hộ: chị Vương Thị Hòa ở thôn 3, Long Thị Trịnh ở thôn 2, Lương Thị Tám ở thôn 4, Hoàng Thị Đào ở thôn 3, Phùng Thị Mến ở thôn 3... Cũng có nhiều hộ vay vốn nhưng chưa thể thoát được nghèo... - chị Hồng cho biết thêm.

Hộ gia đình bà Trần Thị Sinh - dân tộc Dao ở thôn 3 là hộ nghèo đã được vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, hôm nay chị Sinh cũng đến học lớp thực hành trồng nấm. Chị Sinh cho hay: “Nhà mình có 5 khẩu, ruộng chỉ có 3 sào, làm 2 vụ mỗi năm thu được 1 tấn thóc, vụ ngô đông làm 2 sào được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, có vụ làm muộn không được thu hoạch chặt bán cây cho trâu ăn, cũng chỉ thu lại được vốn bỏ ra, còn công lao động thì mất không. Năm 2007, mình vay 7 triệu đồng mua con trâu mất hơn 6 triệu về chăn nuôi. Thật may, trâu mua về đã đẻ, mình mới bán một con được 16 triệu 800 ngàn đồng trả nợ gốc xong cho ngân hàng rồi. Mình dự định vay thêm tiền mua một con nữa về nuôi, mỗi năm bán đi một con lấy tiền chi tiêu, chứ chồng đi làm thuê ít việc mỗi tháng chỉ được từ 200 ngàn đến 500 ngàn khổ lắm!”. Thế mà trước câu hỏi: “Chị có mong gia đình mình sớm thoát khỏi hộ nghèo không?”, bà Sinh lại cười: “Chưa, vì cứ muốn được Nhà nước “ưu tiên”.

Tích Cốc hiện có tới 183 hộ nghèo/518 hộ dân trong xã, trong đó thôn 4 tập trung khá nhiều. Cả thôn ruộng chỉ có 16,7ha, chia cho 148 hộ dân, vụ mùa gieo cấy được 100% diện tích, vụ xuân chỉ gieo cấy được 12,3ha do thiếu nước, đất đồi rừng lại không có nên số hộ nghèo ở đây hiện là 60 hộ. Có nhiều hộ đã tiếp cận nguồn vốn vay để xóa đói giảm nghèo nhưng vẫn chưa thoát khỏi diện hộ nghèo; có nhiều hộ cũng không biết vay vốn về để làm gì nên cũng không dám vay.

Như hộ gia đình bà Tướng Thị Xanh có diện tích đất chưa đầy 200m2 không thể trồng trọt, chăn nuôi, ruộng lại chỉ có 2 sào nên những khi nông nhàn chồng chị phải đi về các tỉnh miền xuôi để làm thuê kiếm tiền gửi về cho vợ con sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Quang - chồng bà Xanh tâm sự: “Em cũng muốn vay vốn để phát triển kinh tế để thoát khỏi diện hộ nghèo, nhưng quả thật vợ chồng em cũng chưa tính được vay tiền về làm nghề gì nên cũng chưa dám vay. Em dự định sau khi vợ sinh cháu thứ hai, em sẽ vay vốn để mở quán bán giải khát và sửa chữa xe máy, xe đạp, chứ đi làm thuê bây giờ công việc không ổn định, thu nhập thấp có tháng chỉ đủ sinh hoạt cho riêng mình, không thể nuôi vợ con được...”. Hay hộ gia đình bà Đặng Thị Cư và Đặng Thị Vinh là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt ở thôn 1 (hai chị em ở chung với nhau, không xây dựng gia đình).

 

Cán bộ Hội cựu chiến binh và chi hội Phụ nữ thôn 4 đến tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn.

Vài năm trước đây, hai chị em bà Cư đã được Dự án bò nghèo hỗ trợ tiền mua một con bò giống về chăn nuôi, sau vài năm bà Cư bán bò đi trả ngân hàng không vay nữa vì vay tiền về cũng không biết làm gì, thậm chí tiền bán bò còn dư sau khi trả nợ ngân hàng, hai chị em bà lại mang đi gia đình khác trong xã nhờ giữ hộ. Hiện tại, hộ bà Cư vẫn chưa thể thoát nghèo mặc dù đã một lần được Nhà nước tạo cơ hội để thoát nghèo...

Ông Vương Trọng Tĩnh- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tích Cốc:

Để giúp các hộ dân trong xã xóa đói giảm nghèo bền vững, phấn đấu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ủy, UBND xã đã có một số giải pháp giúp dân xóa đói giảm nghèo như: đầu tư chăn nuôi tăng đàn trâu, giảm đàn bò cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; giao khoán cho một nhóm hộ tham gia đấu thầu quản lý hồ nước tưới tiêu, giúp thôn xóa được 4ha ruộng từ một vụ lên thành 2 vụ; tiếp tục chỉ đạo nhân dân các thôn gieo cấy cây màu, trên diện tích ruộng một vụ để tăng thu nhập; đưa tối đa diện tích ruộng 2 vụ vào sản xuất vụ đông; khuyến khích các hộ dân mở các xưởng chế biến gỗ rừng trồng; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dễ làm để các hộ dân dễ tiếp cận, học tập làm theo.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Tích Cốc vẫn hết sức gian nan, cần phải được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn của các cấp, các ngành của huyện Yên Bình. Xã và các ngành của huyện cần phải “gần dân hơn”, tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dân cần gì, hướng dẫn dạy nghề đó. Bởi trên thực tế người dân ở đây muốn học nghề đan rọ tôm thì không được học, lại phải học nghề mây tre đan xuất khẩu không áp dụng vào làm nghề ở địa phương. Và cũng cần phải xây dựng những mô hình “dễ làm”, dễ tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt người dân, nhất là hộ nghèo mới tiếp cận làm được. Nếu xây dựng mô hình quy mô quá lớn, các hộ nghèo không thể làm theo được.

Thực tế Tích Cốc đã xây mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ trứng thành công ở hộ gia đình chị Hoàng Thị Sự, thôn 4 đã mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng các hộ nghèo không thể học tập làm theo được vì mô hình quá lớn đòi hỏi đầu tư về vốn và kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gà. Mặt khác, bản thân các hộ nghèo ở Tích Cốc cũng phải quyết tâm học tập, lao động tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách cho hộ nghèo của Nhà nước...

Chia tay những hộ nghèo ở Tích Cốc đúng vào ngày chợ phiên cuối tuần (thứ sáu), chợ chỉ thấy toàn hàng hoa quả từ nơi khác mang đến, rất ít thấy sản phẩm của địa phương như: gà, vịt, lợn, rau, củ, quả bán tại chợ... Hy vọng những năm tới trở lại Tích Cốc, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ có nhiều đổi thay, chợ phiên Tích Cốc sẽ có nhiều sản phẩm của địa phương, phong phú, đa dạng như chợ phiên ở Cảm Nhân, Vũ Linh, Phúc An... ! 

Minh Hằng

Các tin khác
Cần có sự liên kết giữa nông dân với nhau để tạo thành những nông trang trong sản xuất nguyên liệu.
(Ảnh: Lê Phiên)

YBĐT - Để sản xuất, kinh doanh chè ngày một phát triển bền vững, song song với giải quyết những tồn tại đã nêu, chúng ta tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, vào các cơ sở chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Nói là vậy nhưng cơ bản vẫn cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tư duy và từ người nông dân đến các cấp quản lý.

Diện tích chè kinh doanh của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn luôn đạt năng suất trên 9 tấn/ha nhờ chăm sóc và thu hái đúng kỹ thuật.

YBĐT - Hạn chế, tồn tại trong sản xuất, kinh doanh chè đã rõ và cũng đã đến lúc, tỉnh Yên Bái cùng các ngành chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp mới hy vọng vực dậy được vùng chè. Chỉ có như vậy mới đưa cây chè trở lại đúng vị thế của nó.

Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn đều sơ chế chè đen bán thành phẩm.

YBĐT - Diện tích chè nhiều đồng nghĩa doanh nghiệp chế biến lắm, nếu như không nói là quá hùng hậu. Từ vùng cao đến các vùng quê, bản làng, đâu đâu cũng thấy cơ sở, nhà máy chế biến chè từ nhỏ đến to, nhiều đến nỗi vượt quá gần hai lần khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu.

Nguyễn Thị Đường với ngón tay út bị chặt vì không chịu để ép làm gái mại dâm.

YBĐT - Đường cho tôi xem bàn tay phải với ngón út bị chặt cụt 1 đốt, vết tích của những ngày phiêu bạt nơi xứ người, chịu sự đánh đập tàn tệ của đám chủ dẫn mối, ép gái Việt đi bán dâm, hé lộ sự thật hãi hùng về cuộc sống nơi "địa ngục trần gian" mà không ít người vẫn mơ hồ nuôi ước mơ hay mạo hiểm "gửi trứng cho ác" mong tìm được cơ hội đổi đời nơi xứ người...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục