Con tằm về lại vùng dâu

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/10/2013 | 8:52:38 AM

YBĐT - Về với xã Việt Thành (Trấn Yên), nơi nghề trồng dâu nuôi tằm đã có từ lâu đời lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi con tằm, cây dâu đang giúp người dân nơi đây giàu lên nhanh chóng. Giờ thì nghề trồng dâu nuôi tằm đã không còn bó hẹp ở Việt Thành mà đã lan rộng về Báo Đáp, Tân Đồng... và nhiều xã khác.

Nông dân xã Việt Thành đang nuôi tằm theo phương pháp nuôi tằm đất.
Nông dân xã Việt Thành đang nuôi tằm theo phương pháp nuôi tằm đất.

Nghề trồng dâu nuôi tằm đang thực sự đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Từ những ruộng dâu xanh bát ngát ven sông Hồng nhìn về làng,  chúng tôi bắt gặp những ngôi biệt thự mới xây còn tươi màu sơn mới. Rất nhiều hộ nông dân trồng dâu nuôi tằm ở đây đang có những ngôi nhà xây khang trang với đầy đủ tiện nghi đắt tiền.

Chỉ với 7 sào đất trồng dâu nuôi tằm hai vụ thu và hè đã cho gia đình ông Hoàng Quốc Hiệp ở thôn 10, xã Việt Thành thu 70 triệu đồng/năm từ bán kén tằm. Ba năm trở lại đây, giá tằm cao, gia đình ông bán với giá 110.000 đồng đến 120.000 đồng/kg đã giúp gia đình cất được ngôi nhà xây trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ông Hiệp cho hay: “Thú thực, nếu không có con tằm, chỉ trông vào cây lúa thì chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới xây được nhà”. Còn anh trai ông Hiệp là ông Hoàng Quốc Liên - Bí thư Chi bộ thôn 10, nhà ở liền kề hiện đang có một mẫu đất trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm thu 80 triệu đồng từ tiền bán kén hai vụ thu và hè. Nhờ có nguồn thu nhập này, gia đình ông cũng đã chắt chiu đủ tiền chuẩn bị xây cất một ngôi nhà khang trang.

Qua ông Đàm Văn Tám - Trưởng thôn được biết, hiện nay, ở thôn 10, xã Việt Thành có 50 hộ thì tới 43 hộ trồng 14,8ha dâu nuôi tằm. Thực tế cho thấy, hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích trồng dâu nuôi tằm thấp cũng gấp 6 lần trồng lúa còn là khiêm tốn. Nếu như cấy lúa 1 sào lúa hai vụ, bán thóc đi được 2,8 triệu đồng, sau khi trừ 50% chi phí chỉ còn thu được 1,4 triệu đồng. Còn trồng dâu, mỗi sào một năm thu được 7 vòng kén, mỗi vòng thu 15kg, tổng thu hoạch 105kg kén, chỉ cần nhân với giá 100.000 đồng/kg đã cho thu nhập trên 10 triệu đồng, sau khi trừ 1,4 triệu tiền giống vẫn còn thu được 9 triệu đồng.

Ba năm trở về trước, thôn 10 nghèo nhất xã Việt Thành này nhưng nhờ thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm, kén có đầu ra ổn định mà số nhà xây mới trong xã tăng theo từng năm. Giờ đây, trong thôn, người ta thường điểm tên các cặp vợ chồng: Lan - Tiến, Nhặn - Học, Ninh - Toàn,  Hằng - Vinh, Tích - Hiệp, Thìn - Thủy… đã có nhà xây khang trang. Năm 2012, người dân trong thôn thu được hơn 20 tấn kén cho thu nhập 2 tỷ 300 triệu đồng. 

Nhiều hộ gia đình ở xã Việt Thành đã có nhà xây khang trang nhờ nuôi tằm.

Không phải đây là lần đầu tiên tôi về với vùng dâu tằm tơ xã Việt Thành mà ngay từ những năm 2001 - 2002, tôi đã đến với vùng đất ven sông Hồng này để tìm hiểu viết bài về hiệu quả của nghề nuôi tằm ươm tơ. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành truyền thống ở vùng đất này từ đó. Nhưng buồn thay, chỉ chừng dăm năm sau đó, do giá cả bấp bênh, sản phẩm kén tằm không có đầu ra, chưa nắm vững về kỹ thuật cũng như chưa có cây, con giống tốt nên không ít người dân đành ngậm ngùi phá bỏ cây dâu để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Còn lần này, tôi trở lại với vùng dâu trong tâm trạng phấn chấn với sự hồi sinh và đang phát triển mạnh mẽ của nghề. Hiện nay, toàn huyện Trấn Yên có 120ha dâu tằm tơ thì Việt Thành có 40ha, còn lại là ở Tân Đồng, Báo Đáp và nhiều xã khác.

Hàng năm, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên cho sản lượng trên 100 tấn kén, giúp nông dân có thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm, quả là một thu nhập không nhỏ với nhà nông. Hiện nay, kén tằm được cơ sở thu mua, sản xuất tơ tằm Nguyễn Văn Hà ở Nam Định lên đặt tại xã Việt Thành thu mua cho nông dân tất cả các xã trong huyện sản xuất, chuyển về Nam Định sơ chế, bán sang Lào và Thái Lan với đầu ra ổn định.

Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành phấn khởi khoe: “Bà con phấn khởi lắm bởi cây dâu đang thực sự có chỗ đứng chân trên đất Việt Thành. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với cây, con giống chuẩn hơn, phù hợp với đất đai khí hậu, đặc biệt là nông dân được áp dụng kỹ thuật nuôi tằm đất - nuôi tằm trên nền xi măng - không dùng nong để nuôi như trước đây đã giúp nhà nông đỡ vất vả hơn, đầu ra cho sản phầm kén tằm cũng đã ổn định. Trồng dâu nuôi tằm đang thực sự là nghề phát triển, giúp nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.

Người dân vùng dâu ở Trấn Yên dù đang rất vất vả với nghiệp “nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng vẫn rộn niềm vui. Con tằm lần thứ ba trở lại vùng dâu và đang làm cho người dân nơi đây giàu trở lại nhưng mong sao nó mãi gắn bó với vùng dâu!

 Minh Đức

Các tin khác
Lớp thực hành trồng nấm rơm ở thôn 3.

YBĐT - Sau gần 3 giờ đi ca-nô lênh đênh trên hồ Thác Bà, chuyển sang đi bằng xe máy, chúng tôi đã đến trung tâm xã Tích Cốc - một xã vùng xa của huyện Yên Bình. Đường từ bến ca-nô xã Cảm Nhân vào Tích Cốc khoảng chừng 15km đã được rải nhựa vài năm rồi, đi lại thuận lợi nhưng hiếm khi nhìn thấy một căn nhà xây nào bên đường khang trang, rộng rãi mang dáng dấp biệt thự... Tích Cốc vẫn nghèo lắm!

Cần có sự liên kết giữa nông dân với nhau để tạo thành những nông trang trong sản xuất nguyên liệu.
(Ảnh: Lê Phiên)

YBĐT - Để sản xuất, kinh doanh chè ngày một phát triển bền vững, song song với giải quyết những tồn tại đã nêu, chúng ta tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, vào các cơ sở chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Nói là vậy nhưng cơ bản vẫn cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tư duy và từ người nông dân đến các cấp quản lý.

Diện tích chè kinh doanh của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn luôn đạt năng suất trên 9 tấn/ha nhờ chăm sóc và thu hái đúng kỹ thuật.

YBĐT - Hạn chế, tồn tại trong sản xuất, kinh doanh chè đã rõ và cũng đã đến lúc, tỉnh Yên Bái cùng các ngành chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp mới hy vọng vực dậy được vùng chè. Chỉ có như vậy mới đưa cây chè trở lại đúng vị thế của nó.

Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn đều sơ chế chè đen bán thành phẩm.

YBĐT - Diện tích chè nhiều đồng nghĩa doanh nghiệp chế biến lắm, nếu như không nói là quá hùng hậu. Từ vùng cao đến các vùng quê, bản làng, đâu đâu cũng thấy cơ sở, nhà máy chế biến chè từ nhỏ đến to, nhiều đến nỗi vượt quá gần hai lần khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục