Là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Đào Lợi ở tổ dân phố 13, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi ở Tiểu đoàn Yên Ninh 1, ban đầu chiến đấu ở Tây Nguyên. Sau đó, Tiểu đoàn Yên Ninh 1 chia làm hai, một nửa giữ lại chiến trường Tây Nguyên để làm khung xây dựng lực lượng, một nửa tiến quân vào miền Đông Nam Bộ thuộc Sư đoàn 5, Đoàn 232 trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Lợi cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát và một số tỉnh ở phía Tây Sài Gòn. Sau khi chiếm được Tổng nha Cảnh sát, đơn vị của ông tiến quân ra quốc lộ 4, tỉnh Long An để tạo đà cho 4 mũi tiến công của ta vào tiếp quản Dinh Độc Lập, không cho địch có cơ hội rút khỏi Sài Gòn cũng như lực lượng cứu viện từ Cà Mau lên.
"Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đối với người dân, niềm vui lớn nhất chính là đất nước hòa bình, chiến tranh không còn tàn phá nhưng với người lính chúng tôi là được về đoàn tụ với gia đình, người thân!” - ông Lợi xúc động.
Ông Hoàng Hữu Thắng ở phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái, năm 1969, mới 19 tuổi đã nhập ngũ vào Tiểu đoàn Yên Ninh 3. Vào quân ngũ 2 tháng, ông Thắng có giấy báo trúng tuyển Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Song, ông đã hạ quyết tâm ở lại chiến trường.
Gặp ông Thắng tại Văn phòng Luật sư Hoàng Thắng, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái, người lính trẻ năm xưa giờ đã trên 70 tuổi nhưng vẫn còn khí phách lắm. Ông Thắng chia sẻ: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời lính của tôi chính là bắn hạ máy bay của Mỹ trên điểm chốt động Cooc Ba Sai ngày 8/8/1970”.
Khi ấy, ông Thắng và đồng đội có trách nhiệm bảo vệ cho khẩu đội sơn pháo DK75 trên điểm chốt động Cooc Ba Sai. Một chiếc máy bay trực thăng OH6-Utyty bay thẳng đến điểm chốt, độ cao cách cửa hầm khoảng 15-20m.
Mặc dù bị địch chặn ở cửa hầm, song với tinh thần quả cảm, ý chí của người lính cụ Hồ, ông Thắng đã trực tiếp dùng khẩu pháo DK75 bắn liên tiếp về phía máy bay địch. Chiếc máy bay của địch bốc lửa nghiêng vào một ngọn cây to phía dưới cách chừng 40m. Ông Thắng tung thêm hai quả lựu đạn thu được và bắn hạ máy bay địch. Với thành tích đó, ông Thắng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Tiểu đoàn 6 Bình Tân Mặt trận Bắc Sài Gòn Gia Định - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng các chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh 2 thăm viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Yên Bái.
Cựu chiến binh Lê Xuân Minh sinh năm 1929 ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Được tham gia trận đánh mang ý nghĩa lịch sử - Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi thấy mình thật vinh dự và tự hào. Với đỉnh cao chiến thuật, sự mưu trí của người chỉ huy và tinh thần dũng cảm của người lính Yên Ninh, chúng tôi cùng đồng đội và quân dân cả nước đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975”.
Với những thành tích đó, ông Minh 7 lần được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ”, 2 lần được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Còn ông Nguyễn Trọng Khải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Yên Ninh thuộc thành phố Yên Bái tự hào chia sẻ về người lính Yên Ninh: "Hai chữ Yên Ninh ngày ấy làm cho giặc run sợ đấy!”.
Cho đến đầu năm 2000, Câu lạc bộ (CLB) các tiểu đoàn Yên Ninh tỉnh Yên Bái mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 ban liên lạc của 4 Tiểu đoàn 1,2,3,4 với số lượng hội viên gần 200 người. Trong đó, có rất nhiều hội viên CLB tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn tích cực tham gia làm kinh tế gia đình.
Thượng tá Phạm Tiến - Chủ nhiệm CLB cho biết: "Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc bởi các chiến sỹ của Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, anh em vẫn còn thường xuyên tìm hiểu, cung cấp thông tin về các phần mộ của đồng chí, đồng đội bị thất lạc”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tấm gương oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc cho độc lập tự do hôm nay vẫn luôn ngời sáng giúp thế hệ trẻ quê hương hiểu rõ hơn khí phách, bản lĩnh kiên cường của ông cha để ra sức thi đua lao động, học tập và phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngọc Sơn