Xuân về đầu sóng

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/1/2020 | 11:27:06 AM

YênBái - Những ngày cuối năm, biển động, con tàu KN 491 oằn mình dưới những con sóng bạc đầu. Rời cảng được khoảng 2 giờ đồng hồ, hầu hết chúng tôi đều chóng mặt, ù tai bởi những con sóng "lừng" thúc mạnh vào thân tàu. Mệt, nhưng ai cũng háo hức sớm tới được Trường Sa.

Chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.
Chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Một mùa xuân mới lại về trên khắp nẻo quê hương. Mọi người đang hoàn tất những công việc cuối cùng để bước sang năm mới. Tết đến, xuân về cũng là lúc mọi người quây quần, đầm ấm bên gia đình và nhận những lời chúc tốt đẹp từ người thân. Nhưng với những người lính ở quần đảo Trường Sa, mùa xuân đến với họ thật bình dị. Gạt qua nỗi nhớ nhà và người thân, họ đang đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió để giữ gìn từng tấc đất, sải biển quê hương.

"Chở mùa xuân" ra đảo
 
Quân cảng Cam Ranh, chiều cuối năm thật nhộn nhịp, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đang tổ chức Lễ tiễn các tàu đi chúc tết cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Sự tĩnh lặng thường ngày bị phá vỡ bởi những tiếng huyên náo của những chú lợn, chú gà chuẩn bị được đưa ra đảo.

Trên cầu cảng, cảnh tiễn người thân lên tàu thật náo nhiệt và xúc động, chồng ôm vợ, bố hôn con, xa xa có ông bố đang cố níu dặn dò cậu chiến sĩ trước khi ra đảo nhận nhiệm vụ. Mọi người bịn rịn, không ai muốn rời xa người thân của mình trong dịp tết đến, xuân về. 

Không gian bỗng trở nên tĩnh lặng trước khi tiếng hát vang dội của những chiến sĩ mới ra Trường Sa đợt này vang lên: "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình... " - lời bài hát Vì nhân dân quên mình ngân vang mãi cho đến khi những con tàu khuất dần sau cánh sóng. Những con tàu ấy mang yêu thương, mang hơi ấm từ đất liền chuyển tới các cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đảo tiền tiêu. 

Tàu KN 491 nổ máy nhằm hướng đảo Trường Sa thẳng tiến. Đại tá Lê Đình Hải - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn công tác. Tàu KN 491 mang theo quà tết của đất liền gửi tới cán bộ, chiến sĩ tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa. Nào lợn, nào gà, rồi gạo nếp, đỗ xanh, lá dong... tất cả được bọc, xếp đặt ngay ngắn dưới khoang chứa hàng của tàu. 

Những ngày cuối năm, biển động, con tàu KN 491 oằn mình dưới những con sóng bạc đầu. Rời cảng được khoảng 2 giờ đồng hồ, hầu hết chúng tôi đều chóng mặt, ù tai bởi những con sóng "lừng" thúc mạnh vào thân tàu. Mệt, nhưng ai cũng háo hức sớm tới được Trường Sa.

Sắc xuân nơi tuyến đầu Tổ quốc

Sau 2 ngày, 1 đêm lênh đênh trên biển, tàu cập cảng đảo Trường Sa. Xa xa trên âu tàu cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đang xếp thành hai hàng dài đón chúng tôi. Anh em ai cũng tay bắt mặt mừng như đón người thân trở về nhà sau bao ngày xa cách. Những thực phẩm thiết yếu chuẩn bị cho tết Canh Tý từ đất liền gửi ra nhanh chóng được đưa lên đảo. 

Ngoài các nhu yếu phẩm phục vụ cho việc đón tết... là những cánh thư mẹ gửi cho con, vợ gửi cho chồng đang làm nhiệm vụ ngoài đảo. Đại tá Lê Đình Hải đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc của người "thủy thủ già" đã chuyển được hơi ấm, tình cảm của đất liền đến điểm đảo đầu tiên.



Ấm lòng người lính đảo

Nhận được kế hoạch khoảng 2 ngày tới tàu sẽ cập đảo, Ban Chỉ huy đảo Trường Sa Lớn ai cũng hân hoan, Thiếu tá Trịnh Xuân Huân - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: "Lúc nhận được điện rằng 8 giờ sáng tàu sẽ cập cảng đảo Trường Sa, suốt đêm tôi không sao chợp mắt được, chúng tôi mong ngóng các đồng chí ra từng ngày. Điều làm tôi trăn trở là mùa này biển động, sóng to, tàu hầu như không cập cảng được, việc đưa quà tết lên đảo rất khó khăn, thật may điều đó đã không xảy ra, chào mừng các đồng chí đến quần đảo Trường Sa". 

Lên đảo, chúng tôi cảm nhận được ngay không khí của những ngày tết đến, xuân về. 

Trên các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Sinh Tồn cán bộ, chiến sĩ tận dụng những thứ sẵn có để làm đẹp đảo trong những ngày tết. Những chiếc lá bàng vuông, lá phong ba dùng để gói bánh chưng, hoa của cây đại tướng quân dùng để trang trí trên ban thờ... Khắp mọi nơi từ phòng giao ban của chỉ huy đảo đến phòng họp của các cụm, các phân đội chiến đấu đâu đâu cũng được trang trí lộng lẫy, đẹp mắt. Có chiến sĩ khéo tay còn gấp những con vật đủ màu sắc với mong muốn xuân Canh Tý này anh em sẽ được hạnh phúc, bình an. Bữa cơm tất niên của lính đảo tươm tất và ấm cúng hơn ngày thường, rau xanh, thịt cá tươi thay chỗ cho đồ hộp và măng khô thường ngày trên đảo.

Vui và xúc động nhất đối với những người lính trên đảo là đêm giao thừa. Sau khi nhận những lời chúc tết ý nghĩa từ lãnh đạo các cấp ở đất liền, ban chỉ huy các đảo tổ chức cho bộ đội liên hoan chào đón năm mới. 

Ở đảo chỉ có chiếc bánh chưng, mấy đĩa hạt dưa nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội dành cho nhau thì vô cùng ấm áp. Đại úy Nguyễn Trọng Nhân -Chính trị viên Cụm Chiến đấu 3, đảo Trường Sa - người nhiều lần ăn tết ở đảo chia sẻ: "Giao thừa là giây phút hạnh phúc nhất trong năm, vì vậy từ Ban Chỉ huy đảo và chỉ huy cụm chúng tôi chia nhau xuống tất cả các vọng gác để chúc tết anh em. Dù vật chất ở Trường Sa còn thiếu thốn nhưng tinh thần thì tất cả đều vui. Mọi người đều yên tâm công tác với phương châm: đảo là nhà, biển cả là quê hương". 

Thắm đượm tình người

Tại các đảo chìm, tất cả quà tết được chuyển ra từ đất liền đã cập đảo an toàn. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây trổ tài gói vo những chiếc bánh chưng trước sự trầm trồ thán phục của cánh phóng viên chúng tôi. Tết ở đảo chìm cũng vui và ấm áp không kém đảo nổi. Hiện nay, các đảo chìm đã có sóng điện thoại nên cán bộ, chiến sĩ có thể gọi điện chúc tết gia đình. Những người thân yêu sẽ đồng hành bên cán bộ, chiến sĩ, giúp họ bớt cô đơn trong những ngày đầu xuân mới.

Trên tuyến đảo chúng tôi đi qua, đoàn phóng viên, nhà báo tổ chức giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và những hộ dân trên đảo. Chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn với các tiết mục tự biên tự diễn, hái hoa dân chủ... đã làm ấm lòng các chiến sĩ. Một chi tiết đọng lại mãi trong tâm trí tôi: Lúc đó ở đảo chìm, khi đơn vị giao lưu cùng đoàn công tác, vẫn có chiến sĩ tranh thủ lấy bàn chải đánh sạch từng con ốc để làm quà cho mọi người mang về đất liền, nhìn hình ảnh đó cánh phóng viên ai cũng rưng rưng nước mắt. Vâng, ở đảo vật chất còn thiếu thốn nhưng tình cảm thì luôn dạt dào. 

Nhà báo Trần Hữu Chí - phóng viên Báo Ấp Bắc, người nhiều lần đi Trường Sa vào dịp cuối năm đã tâm sự: "Trước kia, một số đảo sóng to gió lớn, tàu không chở hàng vào được thì anh em lại phải ăn tết thiếu thốn. Nhìn những mâm cỗ tất niên phải bày mâm ngũ quả bằng nhựa, những cành hoa mai, hoa đào giả mà lòng tôi se lại, thương các anh quá, các anh đã hy sinh lợi ích riêng của mình để bảo vệ biển, đảo quê hương!".

Tết Canh Tý này thật may mắn là tất cả các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đều nhận được hàng, quà tết và tình cảm ấm áp từ đất liền, sẽ không còn những mâm ngũ quả giả, những cành mai, cành đào phải gắn hoa nữa. Để dù là xuân nơi đầu sóng cũng sẽ trọn vẹn và đủ đầy hơn. Chúc các anh luôn vững tay súng để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc thân yêu.

Đặng Tùng (Báo Hải quân Việt Nam)

Các tin khác
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc khi Người về thăm và chúc tết đồng bào và bộ đội - Tết Đinh Mùi, tháng 2/1967 (ảnh: Tư liệu).

Tết năm ấy, năm Nhâm Dần (tức là ngày 5 tháng 2 năm 1962) sau khi cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thăm một số gia đình và vui tết với thiếu nhi tại Cung văn hóa gần hồ Hoàn Kiếm, Bác Hồ nói với đồng chí Chủ tịch UBND thành phố - bác sĩ Trần Duy Hưng để Bác tự đi thăm một số gia đình nữa.

Nông dân xã Khánh Hòa thu hoạch cam.

Trên triền đồi xanh ngát, những trái cam chín vàng như điểm tô hêm sắc màu cho mùa xuân nơi đất ngọc Lục Yên. Cam sành - loại cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân huyện Lục Yên rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng “đất ngọc” đã mang đến những mùa quả ngọt cho mảnh đất này.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đón tiếp người dân đến khám bệnh.

Việc mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo mới, đào tạo lại, thực hiện dự án đào tạo cán bộ, luân chuyển cán bộ đã được ngành y tế Yên Bái căn cứ theo nhu cầu của các đơn vị cùng các dự án đào tạo, tham mưu và thực hiện chính sách thu hút bác sĩ và được sĩ đại hoc...

Người Mông Nà Hẩu đã quan tâm việc học của con em.

Nà Hẩu- xã vùng cao 434/439 hộ là đồng bào Mông, cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30 km về phía Tây Nam, nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, có diện tích tự nhiên 5.639,52 ha nhưng đất nông nghiệp chỉ có 73,3 ha. Giờ đây, giữa thung lũng này, đường nhựa, trụ sở, trường học, nhà dân tạo nét chấm phá, sinh động về một cuộc sống mới giữa núi rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục