"Tân Đồng giờ khác quá!” Tôi thốt lên như vậy, khi đi qua Khe Nhài, Làng Đồng, Làng Đát. Mấy anh cán bộ kiểm lâm huyện thêm vào: "Xã đạt nông thôn mới nâng cao rồi đó anh ạ! Nhờ nghề rừng mà dân giờ khấm khá lắm!”.
Hương quế quyện trong gió thu tỏa lan khắp vùng. Ở Tân Đồng, mọi câu chuyện như chỉ xoay quanh cây quế. Nhà này bán nương quế xây ngôi nhà tân cổ điển bề thế thật. Nhà kia vừa hạ vườn quế mua cái xe bán tải rất đa lợi ích vừa đi chơi cũng sang mà chở vật tư, phân bón, leo đồi rừng cũng tốt. Mấy bác đang bàn tính giải pháp xây thương hiệu quế hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Anh Đặng Văn Hùng tỏ ra tâm đắc: "Mỗi ngày lên nương một lần. Tỉa bó cành quế bán vài trăm nghìn thế là gia đình đủ ăn đủ tiêu, anh ạ”.
Theo thống kê, xã Tân Đồng có tổng diện tích tự nhiên 2.774 ha, đất rừng chiếm tới gần 2.500 ha. Trước đây, núi đồi Tân Đồng đông đặc cây rừng tự nhiên với những cây gỗ mấy người ôm không xuể. Thế rồi, những chiếc rìu sắc lẹm từ bàn tay vô thức của bao người dân trong vùng đã đốn hạ mọi cây lớn cây nhỏ. Những mồi lửa hung bạo đốt nương làm rẫy đã xóa đi gần như toàn bộ rừng tự nhiên ở nơi đây và đẩy người dân đến chỗ đói nghèo, lạc hậu.
Cùng với Hồng Ca, Kiên Thành, Tân Đồng trở thành xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của huyện Trấn Yên. Nhưng đó là chuyện của xưa cũ thôi.
Giờ đây, Tân Đồng đã vươn lên, sánh ngang; thậm chí là vượt hơn nhiều xã bạn. Có nhiều nguyên nhân để Tân Đồng có sự thành công như ngày hôm nay, trong đó phải nói tới người dân đã khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương là kinh tế lâm nghiệp.
Bí thư Đảng ủy xã Trần Đức Hợp chia sẻ: "Tôi mới được cấp trên luân chuyển về đây làm Bí thư Đảng ủy xã từ đầu nhiệm kỳ. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã có truyền thống đoàn kết, chăm chỉ lao động và ý chí vươn lên”.
Quế - cây trồng chủ lực ở xã Tân Đồng.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, người Dao, người Tày, người Kinh trong xã hăng hái đi học các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và coi đó là nền tảng, là cốt lõi cho công cuộc đổi mới vươn lên. Sau những lứa rừng nguyên liệu kém hiệu quả bởi rất nhiều nguyên nhân, bà con xã Tân Đồng chuyển hẳn sang trồng quế với lợi thế cây bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Gần 50% dân số Tân Đồng là người dân tộc Dao đã gắn với cây quế từ đời tổ tiên, ông bà.
Sự khác biệt của quế Tân Đồng chính là sử dụng giống chất lượng tốt, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật… nên quế luôn đạt chất lượng cao, giá bán tốt cộng với thị trường quế luôn ổn định đầu ra, giá bán tăng và tận thu tất cả các bộ phận từ thân, vỏ, lá…
Nhờ thế, quế ở Tân Đồng cứ lan rộng từ thôn này đến thôn khác, từ ngọn đồi này sang lưng núi kia. Hẳn sẽ là thiếu sót nếu như nói về sự phát triển kinh tế nông lâm nghiệp ở Tân Đồng mà không nhắc tới vai trò của cán bộ kiểm lâm - những con người gắn với địa bàn cơ sở.
Anh em về tận thôn cùng ăn cùng ở với dân. Gắng sức leo lên những ngọn đồi để tuyên truyền, hướng dẫn bà con xử lý thực bì, đào hố, bỏ phân, trồng quế. Khi cả xã Tân Đồng đã nhuộm màu xanh của quế thì những cán bộ kiểm lâm như các anh: Nguyễn Minh Huấn, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Anh Đức vẫn sát cánh với các tổ tuần tra bảo vệ rừng của 8 thôn trong xã để thực hiện tuần tra, canh gác, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào ngăn giặc lửa.
Anh Tạ Khắc Trang - người thôn Khe Nhài mà chúng tôi gặp không phải là người nhiều quế ở Tân Đồng và càng không phải là người nông dân tiêu biểu, nhưng câu chuyện anh kể khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng.
Theo anh, Tân Đồng không có nhiều gia đình có diện tích quế đặc biệt lớn và cây quế không tập trung ở một, hai thôn nào đó. Quế ở Tân Đồng có ở tất cả các thôn mà gần như hộ nào cũng có quế và nhà ít nhất từ một đến vài héc - ta trở lên. Nhờ thế mà nhà nào cũng có công ăn, việc làm, thu nhập đáng kể; số hộ nghèo rất ít và giảm rất nhanh.
Được biết, nhà anh Trang có hơn 2 ha quế từ 7 đến 12 năm tuổi. Diện tích này tương đối ít so với các hộ trong thôn, xã nhưng cũng đủ để đến mùa vụ cứ sớm chiều chặt tỉa vài bó cành cũng có thu nhập mấy trăm nghìn và khai thác một bãi sẽ cho một khoản để chi dùng vào việc lớn.
Không những vậy, ở vùng trọng điểm về quế như Tân Đồng, người dân không thiếu gì việc làm với thu nhập khá khi tham gia vào các tổ hợp tác hoặc vào làm việc tại các cơ sở dịch vụ thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế ngay trên địa bàn xã…
Thống kê cho thấy, bình quân thu nhập người dân Tân Đồng đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) là 0,2% (12 hộ nghèo do neo đơn, bệnh hiểm nghèo) vào cuối năm 2021.
Vụ 3 năm 2022 (vụ tháng 3), dân Tân Đồng khai thác 75 ha quế tập trung, tỉa thưa 1.200 ha và thu hơn 8.000 m3 gỗ, 1.305 tấn vỏ quế, gần 3.000 tấn lá quế, doanh thu ước đạt 50 tỷ đồng. Vụ 8 này, sôi động không kém, khai thác tới đâu bà con xử lý thực bì ngay tới đó để trồng mới vào vụ thu đông 2022 và vụ xuân 2023.
"Cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã Tân Đồng trọng cây quế lắm! Chúng tôi đã và đang bắt tay vào nâng cao giá trị cây quế bằng cách xây dựng và phát triển những đồi quế hữu cơ. Trước sự phá hoại của sâu đo, sâu róm, nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức phòng trừ sâu bệnh, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng thuốc sinh học đã được triển khai và tới đây sẽ tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ quế ngay trên địa bàn xã… Quế giúp dân Tân Đồng vươn lên ấm no, giàu mạnh” - Bí thư Đảng ủy xã Tân Đồng nói.
Ngào ngạt hương quế trong nắng gió mùa thu. Những ngôi nhà khang trang nổi bật trên những rừng quế xanh thẫm. Những khuôn mặt rạng ngời của người dân Tân Đồng khi cuộc sống ấm no, hạnh phúc để lại ấn tượng trong tôi. Tạm biệt vùng quê từ nghèo khó thuở nào, giờ đang vươn lên giàu mạnh.
Lê Phiên