Khánh Thiện vào hội Cắc kéng

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/10/2022 | 1:52:28 PM

YênBái - Dịp tết Khảu mảu (gọi là tết Cốm), nhà nhà lại thi nhau khua vang điệu chày cắc kéng mừng một vụ lúa tốt tươi, lương thực đủ đầy, nhà nhà no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa được đồng bào vùng cao Khánh Thiện gìn giữ từ bao đời nay.

Người dân thôn Nà Lóng lựa chọn lúa nếp Lào Mu làm cốm.
Người dân thôn Nà Lóng lựa chọn lúa nếp Lào Mu làm cốm.

>>Các hoạt động lễ hội, du lịch của miền đất Ngọc Lục Yên từ tháng 9 - 12/2022

>>Lục Yên nâng cao giá trị nông sản địa phương

>>Lục Yên hướng mạnh phát triển du lịch trải nghiệm


Tháng 10, những cánh đồng lúa ở xã vùng cao Khánh Thiện, huyện Lục Yên đã trải màu vàng ruộm, trời chuyển về cuối thu, sắp kết thúc một vụ mùa thu hoạch. Những bông nếp cái Lào Mu đã mẩy sữa căng tròn thì cũng là lúc người dân xã Khánh Thiện lại nô nức chuẩn bị tổ chức tết Khảu mảu (gọi là tết Cốm).

Dịp tết này, nhà nhà lại thi nhau khua vang điệu chày cắc kéng mừng một vụ lúa tốt tươi, lương thực đủ đầy, nhà nhà no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa được đồng bào vùng cao Khánh Thiện gìn giữ từ bao đời và trở thành bản sắc riêng của người Tày nơi đây.

Lên Khánh Thiện đã nhiều, cũng được nghe nhiều về tết Khảu mảu, biết rằng Khánh Thiện có một loại lúa nếp cổ thân cao gần bằng người lớn, làm cốm rất ngon, nhưng đến tận tháng 10 năm nay, tôi mới đến được đúng dịp để hòa vào ngày hội Cắc kéng, hòa vào đời sống bình yên với thiên nhiên hùng vĩ, cảm nhận sự mến khách, nhiệt tình của người Tày Khánh Thiện. Khánh Thiện cách trung tâm huyện chưa tới 30 km. Nhờ nông thôn mới, nhiều tuyến đường làng, đường nội đồng đã được bê tông hóa. 

Đưa chúng tôi đi thăm đồng, đồng chí Triệu Đức Chính - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Những ngày này, bà con đang tất bật làm mùa, ngày gặt lúa tối lại về tập thể thao, tập văn nghệ để chuẩn bị cho Lễ hội Cắc kéng của xã. Được biết, năm 2022 là năm đầu tiên xã Khánh Thiện tổ chức Lễ hội Cắc kéng, trong đó, phục hồi một số phong tục đã có từ lâu đời như: tết Khảu mảu thi giã cốm; thi đấu bóng chuyền, bóng đá... 

Đây là một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Khánh Thiện xác định du lịch dần trở thành ngành kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện, trên địa bàn xã hình thành phát triển du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hoá tâm linh; phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao và nghề truyền thống; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng…
Cánh đồng lúa chín vàng thôn Nà Lóng đang thu hoạch, xen vào đó là những ruộng lúa cao gần bằng đầu người. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu với chúng tôi đó là lúa nếp Lào Mu - giống lúa nếp cổ chỉ có ở Khánh Thiện. 

Là một xã nằm ở phía Bắc của huyện Lục Yên, Khánh Thiện có điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, cây lúa nếp Lào Mu là một trong những cây trồng bản địa, nay vươn mình trở thành loại cây đặc sản của xã Khánh Thiện bởi giá trị chất lượng và độ ngon của sản phẩm. 

Cây lúa nếp Lào Mu chỉ được canh tác một vụ trong một năm và được bà con dân tộc Tày tại xã Khánh Thiện trồng chủ yếu trên nương rẫy theo phương thức canh tác truyền thống. Nhờ có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng với sự khéo léo, cần mẫn chăm sóc của người dân địa phương nên cây lúa nếp Lào Mu cho ra hạt gạo mang những đặc trưng riêng không một vùng trồng lúa nào có được. 

Hạt gạo nếp Lào Mu có đặc điểm hạt to, mẩy, tròn, đặc biệt khi đồ lên thành xôi thì có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm, dẻo, xôi nếp để một đến hai ngày thậm chí lâu hơn nhưng vẫn thơm ngon.

Trên cánh đồng thôn Nà Lóng, chúng tôi bắt gặp từng tốp bà con ra đồng gặt lúa, trong đó có tốp đang lựa chọn những bông lúa nếp thơm Lào Mu về giã cốm. Tết Cốm đi liền với nhịp chày cắc kéng là tục lệ lớn không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người Tày Khánh Thiện đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. 

Bà Quốc Thị Mầm đang lựa chọn những bông lúa nếp đẹp nhất về làm cốm niềm nở: "Đây là dịp để mọi nhà sửa soạn mâm cơm có bát cốm ngon tạ ơn trời đất, tổ tiên, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn trong lao động sản xuất, tỏ lòng biết ơn những công cụ lao động đã giúp con người làm ra của cải và trân trọng những loại cây đã cho con người lương thực để sinh tồn, phát triển, trong đó có lúa nếp cái Lào Mu để làm ra những hạt cốm thơm ngon”. 

Theo bà Mầm, từ bao đời nay, đã thành phong tục, khi những bông lúa nếp cái còn chút sữa ở đầu hạt thì người nông dân chắt chiu đem về làm cốm. Để giã được cốm, mỗi nhà đều sắm một cái loỏng (chiếc cối lòng máng dài, làm từ thân cây to, khoét lõi), 6 cái chày để giã cốm. 

Tết Khảu mảu về, sau khi giã cốm xong, mọi người cùng hân hoan phấn khởi nói cười, người thì dùng chày giã xuống loỏng, người thì đập nhịp vào thành cối, tạo nên âm thanh cùm cùm cắc cùm cắc, cứ thế vang rộn khắp bản làng và đó chính là nhịp chày cắc kéng. 

Tiếng chày cắc kéng càng rộn rã, vang xa bao nhiêu thì niềm vui phấn khởi được mùa của người nông dân càng lan tỏa bấy nhiêu, báo hiệu một mùa màng bội thu, cầu mong năm sau tiếp tục mưa thuận gió hòa.

Bà Quốc Thị Mầm là một trong số ít người già ở thôn Nà Lóng còn lưu giữ được những câu chuyện cổ về tết Khảu mảu. Bà kể rằng: Năm ấy, nhà nọ làm tết Khảu mảu mẹ và các con gái cùng nhau ra đồng từ chiều hôm trước, chọn những bông lúa nếp mẩy sữa, đẹp nhất đem về làm cốm. Khi gà đã gáy cuối canh tư, con trăng đã lặn, màn sương đêm còn phủ khắp núi rừng thì đã sấy xong lúa, đem về giã cốm, cả gia đình cùng nhau giã cốm. 

Khi giã cốm xong bố mẹ và các con cùng nhau cắc kéng. Người mẹ khua vào thành loỏng cắc... cắc người cha dùng chày giã mạnh xuống lòng cối máng: cùm… cùm nghe tiếng chày khua của bố, mẹ, cả bốn người con (2 trai, 2 gái) sắp hàng 2 bên cối loỏng cùng bố mẹ cắc kéng và cứ thế tiếng chày "Cùm... cùm... cắc... cùm... cắc...” âm vang khắp bản làng, báo hiệu một mùa màng bội thu, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ, đón một cái tết rộn ràng, vui tươi. Cứ thế nhà nào cũng vậy. 

Câu chuyện được người dân lưu truyền gọi là cắc kéng. Từ đó, cứ đến tết Khảu mảu hàng năm, sau khi giã cốm xong, mọi người lại thi nhau cắc kéng, đội hình gồm 3 nam, 3 nữ, đứng đều 2 bên cối loỏng (người làm mẹ đứng đầu cầm cái, 4 con trai - gái, mỗi bên 2 người, bố đứng cuối loỏng bắt nhịp) và tiếng chày Cắc kéng cứ thế vang vọng mãi đến tận bây giờ. 

Tết Khảu mảu cùng với điệu chày cắc kéng không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống sinh hoạt, có ý nghĩa tâm linh đối với cộng đồng, giáo dục đạo đức, lối sống nhân văn cho các thế hệ và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà còn là sự kế thừa những thành quả lao động, những giá trị đời sống văn hóa tinh thần mà đồng bào Tày ở xã Khánh Thiện đã trân trọng, gìn giữ trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Qua đó, nhắc nhở cho các thế hệ con cháu hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để gìn giữ, phát huy. 

Anh Dũng

Tags Khánh Thiện hội Cắc kéng du lịch nếp Lào Mu văn hóa truyền thống

Các tin khác
Vườn quế giống của gia đình bà Tiến - Hiền ở thôn 2 đã đến kỳ xuất bán nhưng chưa có người mua.

Thấp thỏm có lẽ là tâm trạng lúc này của rất nhiều nông hộ ở vùng quê Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Không lo âu sao được khi trồng rừng vụ thu đã đến từ lâu vậy mà khách đến mua quế giống rất ít, những thôn xa mặt đường Yên Bái - Khe Sang nhiều ngày qua chưa có khách đến xem hoặc hỏi mua quế giống.

Ấm nghĩa đồng bào, cưu mang chia sẻ lúc khó khăn hoạn nạn, người ở hậu phương hay tản cư đều cống hiến hết mình cho cách mạng, một lòng đánh đuổi ngoại xâm giữ gìn tấc đất quê hương, Tổ quốc. Tinh thần ấy vẫn cháy mãi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm nhà máy sơ chế măng của công ty Yamazaky ở xã Hưng Khánh.

Trấn Yên bây giờ đã trở thành vùng măng tre Bát Độ. Những triền đồi xưa vốn trồng sắn, keo, bồ đề hay và các loại cây nguyên liệu cho giá trị kinh tế thấp nay đã được phủ xanh bằng cây tre măng Bát Độ...

Trung bình mỗi năm sản lượng măng Bát Độ thương phẩm đạt hơn 30.000 tấn.

Năm 2003, trên địa bàn huyện trồng được 60 ha tre Bát Độ, năm 2004 trồng thêm được 100 ha, diện tích tre ngày càng được mở rộng. Cây lạ, đất tốt, khí hậu phù hợp nên đến năm 2005, những ngọn măng đầu tiên xuất hiện. Lúc này, một câu hỏi lớn được đặt ra với cấp ủy, chính quyền của huyện là “bán măng ở đâu?”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục