Vào đầu thế kỷ XX, dưới chế độ thực dân áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng, bị đói nghèo, có 5 hộ dân từ miền xuôi lưu lạc lên vùng này. Thấy bãi đất hoang bằng phẳng, đất đai màu mỡ các gia đình quyết định ở lại, dựng nhà, khai khẩn đất đai sinh sống.
Đất lành chim đậu, sau người miền xuôi lên đông dần thành bản. Người cao niên ở đây kể lại, "Nơi đây xưa kia có tên Pá Heo hoang sơ lắm vì nó vốn là nghĩa địa của người Mường. Pá Heo theo tiếng Thái có nghĩa là "rừng ma”, chính vì thế mà "Heo” biến âm thành "Hẻo” - Bản Hẻo, xứ đạo Vĩnh Quang ngày nay”.
Giáo dân xứ đạo kính Chúa yêu nước
Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, nhiều thanh niên xứ đạo Vĩnh Quang đã cùng thanh niên trong vùng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi phong trào cách mạng phát triển, Tri phủ Đặng Phạm Lộc chạy trốn, sau xin hàng cách mạng. Nhờ vậy, việc ta giành chính quyền ở Nghĩa Lộ không gặp nhiều trở ngại. Khi thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Nghĩa Lộ, Bản Hẻo đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội ta hoạt động bí mật.
Để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ, những chiến sĩ đến trước mở đường vào giải phóng Tây Bắc đã được nuôi giấu ngay trong Nhà thờ Bản Hẻo. Kẻ địch phát hiện đưa quân lính đến vây ráp, linh mục Đỗ Văn Sáng - người được cử trông coi việc Chúa ở Nhà thờ Bản Hẻo đã đưa hai cán bộ Việt Minh lên gác chuông Nhà thờ ẩn nấp.
Ông Đào Văn Bút - một giáo dân ở Bản Hẻo đã bỏ công sức, kín đáo đào hầm bí mật trong vườn nhà, đêm đêm chuyển đất đào đi giấu, dùng trụ leo giàn trầu không để làm ống thông hơi cho cán bộ ẩn nấp. Chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (năm 1952), Đại đoàn 308 đưa một đại đội vào trinh sát.
Khi đó, bộ đội thiếu lương thực, Linh mục Đỗ Văn Sáng cho xuất kho Nhà Chúa một tấn thóc chia cho các giáo dân đem về xay giã ngay trong đêm, khi trời còn chưa sáng, người dân giáo xứ đã có gạo mang đi tiếp tế cho bộ đội.
Hơn thế, chính các chiến sĩ trinh sát được Nhà thờ Bản Hẻo tạo cơ hội, đóng vai là người Nhà Chúa vào đồn Nghĩa Lộ lấy hàng để điều tra đồn Pú Trạng giữa ban ngày, về lập sa bàn và giúp trên lập kế hoạch tác chiến. Sau đó, Bản Hẻo chính là hậu phương trực tiếp của Đại đoàn quân Tiên Phong và được chọn là trạm đón tiếp thương binh cứu chữa cho bộ đội.
Linh mục Đỗ Văn Sáng là người trực tiếp giúp đỡ bộ đội ta đến ngày giải phóng Nghĩa Lộ. Phong trào đấu tranh vũ trang, du kích nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, Bản Hẻo trở thành xưởng công binh, sửa chữa vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường do ông Lâm Quang Phân phụ trách. Với những trận đánh tiêu biểu của nhân dân và lực lượng vũ trang, Bản Hẻo đã được ghi vào sử sách của địa phương, có tác động tích cực trong Chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ, giải phóng Điện Biên Phủ và góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tin tưởng vào Đảng "Sống tốt đời, đẹp đạo”
Đất nước thống nhất, nhân dân bắt tay vào xây dựng đời sống mới hội nhập và phát triển, Bản Hẻo giờ là các tổ dân phố số 5, số 7 và 8 của thị trấn Nông trường Liên Sơn. Người dân Bản Hẻo vẫn cần cù làm ăn, đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặc dù đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm đến gần 100%, hơn 90% đồng bào giáo dân nhờ có cách làm hay, biện pháp tốt đã xây dựng Bản Hẻo trở thành một điển hình văn hóa mới của huyện và đang phấn đấu đạt chuẩn văn hóa mới của tỉnh.
Dẫn chúng tôi xuống thăm các tổ dân phố ở Bản Hẻo, bà Vũ Thị Thanh Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Thực hiện kế hoạch của Đảng ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới và nhân rộng các mô hình kinh tế mới, nhằm khuyến khích đảng viên áp dụng để phát triển kinh tế ngay tại địa phương, để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, chúng tôi đã phối hợp với Hội đồng Giáo xứ đưa những đảng viên gương mẫu có uy tín vào trong Ban hành giáo của Nhà thờ. Từ đó, nắm bắt nhanh nhất tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân để có hướng chỉ đạo công việc hợp lý, kịp thời”.
Xác định có mục tiêu muốn địa phương phát triển và giữ vững an ninh trật tự thì cho dù ở đâu, dân tộc hay tôn giáo nào thì đảng viên vẫn phải là người đi đầu, dám nghĩ dám làm, phải là tấm gương sáng thì người dân mới học và làm theo.
Đảng bộ thị trấn Nông trường Liên Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi bộ có các hộ giáo dân, phân công thành viên Ban Chỉ đạo Tôn giáo của thị trấn trực tiếp nắm chắc tình hình, giúp đỡ những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Vì thế, tổ chức Đảng ở Bản Hẻo đã thường xuyên được củng cố vững mạnh.
Là người từng làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ nhiều năm, ông Trần Thái Phong cho biết: "Bản Hẻo gồm 3 tổ dân phố, 134 hộ dân, khi sáp nhập vào Nông trường Liên Sơn thì được chia lại ruộng đất. Vì ruộng đất ít, mỗi khẩu chỉ được chia có 240 m2 nhưng với tinh thần lao động cần cù, bà con giáo xứ đã làm rất tốt. Từ cây lúa, trồng cây thâm canh tăng vụ không cho đất nghỉ, không để đất trống, giáo dân ở đây đã dần ổn định cuộc sống. Hôm nay, Xứ đạo Vĩnh Quang không có hộ nghèo mà chỉ còn chưa đến 5% hộ dân là hộ cận nghèo theo cách tính mới của Nhà nước, trong đó số hộ giàu và hộ khá giả đã đạt trên 40%”.
Kể từ khi có "luồng gió” xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Bản Hẻo ngày càng thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bằng việc lựa chọn hướng đi phù hợp và phát huy được vai trò chủ thể của người dân, đến cuối năm 2020, Bản Hẻo đã đạt tiêu chuẩn làng văn hóa và phấn đấu nâng cao các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu trong năm tiếp theo.
Ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Vĩnh Quang, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Chấn cho biết: "Bà con lương - giáo sống rất hòa đồng, đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, chúng tôi luôn vận động giáo dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo và tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện”.
Gặp chúng tôi sau một hồi trò chuyện, động viên bà con giáo dân, ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ chia sẻ: "Môi trường sống là nhu cầu tối quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả mối tương quan chung sống giữa con người. Song, hiện nay môi trường sống đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, vì vấn đề rác thải bẩn, không khí ô nhiễm, đồ ăn thức uống mang hóa chất độc hại, nguồn nước không sạch… gây ra bệnh tật cho nhiều người. Do đó, chúng tôi thường xuyên kêu gọi bà con giáo dân tích cực tham gia vệ sinh, bảo vệ môi trường với phương châm "Tử tế với môi trường là tử tế với chính mình, tử tế với xã hội là tử tế với thế hệ mai sau”.
Để lời nói đi đôi việc làm, Hội đồng Giáo xứ Vĩnh Quang đã mua thêm cây xanh, trồng quanh Nhà thờ tạo bóng mát cho khuôn viên. Ngoài ra, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng bào Giáo xứ Vĩnh Quang từ lớn tới nhỏ ai cũng ý thức rõ, cần phải thay đổi thói quen, lối sống hằng ngày để góp phần cải thiện môi trường sống, cùng nhau tạo nên một môi trường Sáng - xanh - sạch - đẹp; tập dần thói quen tốt như: không xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh, tiết kiệm và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tận dụng ánh sáng tự nhiên, bảo vệ môi sinh nơi học đường, công sở, giáo xứ và làm giảm nguy cơ do biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đường làng ngõ xóm luôn luôn giữ sạch đẹp, điều đáng ghi nhận ở đây là những việc làm đó đã trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân chứ không hề đưa vào hương ước hay quy định nào về vệ sinh môi trường nơi sinh sống.
Những việc làm của Nhà thờ và bà con Giáo xứ Vĩnh Quang thời gian qua đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trấn Nông trường Liên Sơn nói riêng và huyện Văn Chấn nói chung, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Anh Dũng - Xuân Tình