Làm gì để "vực dậy" chợ truyền thống?
- Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2023 | 12:55:06 PM
YênBái - Chợ Yên Bái nói riêng và các chợ truyền thống nói chung, trước đây được xem là hình thức thương mại chủ lực của đô thị thì đến nay hoạt động với lượng khách hàng bị thu hẹp nghiêm trọng bởi sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, chợ truyền thống cần được đổi mới về không gian, môi trường và cả phương thức kinh doanh.
![]() |
|
Chợ Yên Bái, hay còn gọi là chợ Ga, từng được coi là trung tâm mua sắm không chỉ của người dân thành phố mà còn hút lượng lớn du khách thập phương. Buôn bán ở chợ là nghề và là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình hàng nghìn tiểu thương và người lao động.
Thời hoàng kim, nhà nào có vài sạp hàng buôn bán ở chợ thì chẳng khác gì đại gia. Nhưng thời đó đã xa, còn giờ đây nhiều tiểu thương mòn mỏi đợi khách, có người ngồi cả ngày chỉ bán được vài món hàng, thậm chí, không bán được gì.
Bà Phạm Thị Thúy than thở: "Vắng khách lắm! Có hôm từ sáng đến trưa mà không có người mở hàng. Giờ mình muốn chuyển nhượng cũng khó khăn, vì nhìn tình cảnh ế ẩm này, ai muốn đến buôn bán”.
Bà Tống Mai Hương buôn bán ở chợ này từ năm 1983 cho biết: "Ngày xưa, bán từ sáng đến tối mà vẫn không ngơi tay và còn tạo thêm việc làm thêm cho 2 - 3 người phụ bán. Giờ đây, ngay chính bản thân chúng tôi còn thất nghiệp, làm không đủ ăn. Hôm qua, nắng như thế, cố ngồi cả ngày bán được 150.000 đồng tiền hàng thì không đủ nộp tiền điện, tiền thuế… Phần vì yêu nghề, phần vì có tuổi mà giờ chuyển đổi sang làm việc khác cũng khó nên đành túc tắc qua ngày”.
Nhàn rỗi, các tiểu thương ngồi tán gẫu, lướt điện thoại, cuốn vàng mã giết thời gian và kiếm thêm thu nhập. Thu không đủ bù chi phí, khiến nhiều tiểu thương buộc phải bỏ chợ. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có cả trăm ki - ốt nhưng chỉ còn chừng hơn 20 ki - ốt còn bán hàng. Số còn lại đóng cửa, treo thông báo di dời cửa hàng hoặc treo biển chuyển nhượng. Không chỉ khu vực bán hàng quần áo, mà cả những sạp hàng thiết yếu khác cũng chung cảnh đìu hiu, vắng khách.
Tại khu vực bán thực phẩm tươi sống, cả dãy dài hơn chục quầy bán thịt lợn, thế mà cũng chỉ còn vẻn vẹn 2 phản thịt đang bày bán.
Bà Ngô Thị Loan hơn 30 năm bán thịt lợn ở đây cho biết: "Trước đây, mỗi ngày bán 3 - 4 con lợn hết bay, nhưng giờ có 20 kg thịt, vậy mà bán từ sáng đến chiều cũng không hết”. Thời sung túc, đông đúc của chợ Yên Bái dường như chỉ còn trong hoài niệm của các tiểu thương ở đây.
![](https://imgs.baoyenbai.com.vn/Includes/NewsDetail/6_2023/dt_19620231253_4%20t.jpg)
Câu chuyện về sự hụt hơi ở chợ Yên Bái, có lẽ cũng là tình trạng chung của các chợ truyền thống ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các đô thị hiện nay. Trước đây, chợ truyền thống được xem là hình thức thương mại chủ lực của đô thị, nay bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng.
Tại thành phố Yên Bái, các siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi "phủ sóng” khắp các khu dân cư khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm mạnh với trước đây.
Trong khi đó, xu thế "chuộng” siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng trở nên phổ biến với người dân bởi hàng hóa đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết công khai. Cùng đó, không gian mua sắm thoáng mát, sạch sẽ lại liên tục có các chương trình ưu đãi giá, dịch vụ chăm sóc khách hàng mà ở chợ truyền thống hầu như không có.
"Mình không thể cạnh tranh với các siêu thị được. Chợ thì xập xệ, hàng hóa thì lác đác. Trong khi đó, siêu thị hàng hóa có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tốt hơn ở chợ” - bà Triệu Cẩm Thúy - tiểu thương chợ Yên Bái bày tỏ.
Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ, khiến xu thế người tiêu dùng cũng thay đổi. Đa phần giới trẻ ngày nay mua hàng bằng hình thức online nên chẳng còn mặn mà với chợ truyền thống. Ngoài ra, người tiêu dùng thường chọn mua hàng thông qua mạng online, điện thoại được các loại thực phẩm sạch, ngon, tiện lợi, tiết kiệm được thời gian đi chợ sau giờ làm. Điều này, khiến sức mua tại nhiều chợ sụt giảm, nhất là từ sau đợt dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, dù xu thế người tiêu dùng có thay đổi thì chợ Yên Bái hay các chợ truyền thống ở đô thị vẫn có lượng khách hàng của riêng mình. Bởi vì, đối với nhiều người, chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin.
Cùng đó, chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh như: chi phí thuê mặt bằng thấp, nhiều mặt hàng chỉ ở chợ mới có. Tuy nhiên, ưu thế này sẽ không trở thành lợi thế nếu các chợ truyền thống không chủ động thay đổi để thích nghi mới xu thế của thời đại theo hướng văn minh, hiện đại. Vì vậy, đã đến lúc chợ cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thay đổi cơ cấu sản phẩm, đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho phù hợp với xu hướng người tiêu dùng.
Nói như nhiều tiểu thương ở chợ Yên Bái: "Chúng tôi vẫn có khách hàng của riêng mình. Quan trọng là chợ cần nâng cấp, cải tạo làm sao cho khang trang lên để thu hút khách, bố trí các ngành hàng phù hợp, phong phú với nhu cầu phát triển. Có người không có chỗ ngồi nhưng có những người có từ 7 - 8 ô để làm kho; việc phòng cháy chữa cháy thì không an toàn, hàng mã còn xếp trên tầng 2... Nếu không thay đổi mà cứ tình trạng xập xệ thế này thì thật sự lãng phí”.
Sự nâng cấp cải tạo là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là sự thay đổi phong cách và phương thức bán hàng của ngay chính các tiểu thương. Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, tiểu thương cũng phải biết tận dụng công nghệ số, ưu thế Internet để bán hàng trực tuyến.
Cùng đó, thái độ lịch sự, vui vẻ của tiểu thương cũng là yếu tố quan trọng để hút khách hàng. Nếu không thay đổi để thích nghi với xu thế của thời đại thì chợ ga Yên Bái hay nhiều chợ truyền thống khác mãi chỉ là "sân sau” và thu gom lượng khách hàng "rơi vãi” từ các cửa hàng tiện lợi và khi đó đồng nghĩa với tuổi thọ các chợ này ngày càng ngắn đi.
Tags Chợ Yên Bái thương mại du khách tiểu thương công nghệ số
Các tin khác
![Toàn cảnh bản làng Cu Vai trong mây.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/5_2023/284768_khat-vongcuvai1.jpg)
Dạo bước trong bản Cu Vai, tôi cảm nhận rõ một cuộc sống mới no ấm đang hiện hữu. Những ngôi nhà sạch đẹp, hoa trồng hai bên đường rực rỡ khoe sắc trong nắng mới, đường trong bản đang được Nhà nước đầu tư bê tông hóa, các hộ mở rộng chăn nuôi, trồng trọt… Có được kết quả đó là nhờ những năm qua, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Trạm Tấu đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phong trào dân vận khéo đi vào thiết thực, hiệu quả làm cho đồng bào Mông nơi đây đổi thay tư duy, chăm chỉ, nhạy bén trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Bản làng trở nên khang trang, sạch đẹp, đời sống bà con vùng cao được cải thiện rõ nét nhờ dân vận khéo.
![Sản xuất tinh bột sắn tại Nhà máy Sắn Văn Yên.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/5_2023/284032_nguy-co-xoa-so1.jpg)
Niên vụ sắn 2022 - 2023 đã kết thúc nhưng nhìn vào những con số thống kê nhiều người không khỏi giật mình khi vùng nguyên liệu sắn Văn Yên đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Diện tích, năng suất cây trồng này liên tục bị thu hẹp trong thời gian qua. Bên cạnh sự "cạnh tranh” khốc liệt của các cây trồng khác thì tình hình sâu bệnh cũng như giá cả bấp bệnh khiến nhiều người nông dân không còn mặn mà với cây sắn.
Ở huyện Mù Cang Chải ngày càng có nhiều hộ đồng bào Mông chuyển mạnh tư duy và hành động từ tự cung, tự cấp sang phát triển hàng hóa. Bằng sự chăm chỉ, nhanh nhạy, họ đang tự mình làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
![Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/4_2023/273281_yenbai-cua-toi.jpg)
Tháng 4, kỷ niệm 123 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái, thêm một dấu mốc thời gian để tôi nghĩ về những chặng đường đã qua và những gì đang đến của Yên Bái. Mặc dù quê cha, đất tổ tôi là xứ nhãn Hưng Yên nhưng Yên Bái mới là nơi chôn rau, cắt rốn của tôi. Yên Bái mới là nơi nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành, bồi đắp lên tâm hồn tôi. Tôi thực sự yêu và tự hào về vùng đất và con người Yên Bái.