Người bảo mẫu đầu tiên trên đỉnh Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với đồng lương hợp đồng 80.000 đồng một tháng, suốt hai năm liền cô chỉ biết lặng lẽ chia đều cho mỗi ngày và chắt chiu cất đi 20.000 đồng, phòng khi thuốc men cho trò, cho cô giữa miền sơn cước này...

Đó là câu chuyện cách đây cũng chưa lâu, khi ở đô thị cán bộ công nhân viên chức nhận đồng lương hàng tháng một vài triệu đồng thì tháng 1 -2000, cô giáo Lại Thị Hiền đến nhận công tác tại Trường Tiểu học xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn - một xã 100% là đồng bào Mông. Đêm đầu tiên nằm một mình trong căn phòng tập thể, cũng là lần đầu tiên xa nhà, Hiền trằn trọc không sao ngủ được. Gió vù vù thổi xuyên qua vách đất nứt nẻ lọt vào phòng làm cho những mảnh báo cũ dán tạm bợ trên vách bay lật phật. Xa xa tiếng chim thù thì run rẩy trong đêm, tiếng chim ú òa vang vọng khe núi hòa lẫn tiếng nước chảy róc rách của máng nước lần, từ một cô gái đồng lúa Thái Bình bây giờ Hiền mới hiểu một đêm giữa vùng cao Suối Giàng cô quạnh đến thế nào. Giấc ngủ chập chờn khiến cô thấy mình như đang trên đỉnh Trường Sơn.
Sáng dậy, mấy chị giáo viên đã nấu xong mỗi người một bát bún khô. Vừa húp miếng đầu tiên, Hiền giật mình chững lại, một bát nước muối với chút ớt cay và vài sợi bún, Hiền liếc nhìn xung quanh, các chị ăn xì xụp ngon quá, Hiền vội cúi xuống xuýt xoa húp cho hết bát bún không người lái.

Buổi đầu tiên lên nhận việc, anh hiệu trưởng đưa Hiền đến một ngôi nhà cũ, nhà chẳng ra nhà, lán chẳng ra lán, tường đất vỡ lung tung, hốc hác, nền nhà ổ voi, ổ trâu, đầy vết chân lợn thả rông của dân bản. Anh bước vào nhà rồi quay lại cười và đôi mắt vẫn nghiêm:

-Trận địa của cô đây. Lớp mẫu giáo đầu tiên của xã Suối Giàng đây, cô gái Trường Sơn ạ.

Suýt nữa Hiền kêu lên: "Lớp đây?" song rất may kìm lại được và cô hiểu từ mai vị trí làm việc của mình là đây. Lướt nhìn xung quanh một lượt, cô với tay rung thử mấy tấm vách, đất rơi xuống rào rào, cô quay lại:

-Anh Toán ạ! Ngày mai em sẽ đề xuất với anh bằng văn bản nhé, phải sửa nhiều lắm. Lớp phải ra lớp chứ!

Vầng trán người hiệu trưởng nhíu lại rất nhanh, anh không ngờ cô gái trẻ với tuổi nghề chưa đủ một ngày lại có câu nói chững chạc quá, anh cười động viên:

-Nhất trí, Hiền tính toán đi, lập kế hoạch và mai hai anh em mình cùng trao đổi, cả kế hoạch tuyển sinh nữa. À mà nhớ dự toán đều quy ra công lao động của chính mình thôi, ở đây tiền coi như bằng không.

Mọi đề xuất của Hiền được chi bộ Đảng, nhà trường và chính quyền xã thông qua nhanh chóng, đồng chí Giàng A Đằng - Chủ tịch xã cũng chỉ bổ sung bằng lời:

-Còn vất vả lắm đấy, cô giáo ạ. Ở đây dân thì nghèo, phong tục lại khó sửa, nó chỉ thích địu con lên nương, lên rẫy thôi, chưa đi lớp bao giờ.

Cùng với công việc sửa chữa lớp học, Hiền xuống cơ sở để vận động bà con đưa trẻ đến lớp, từ Pang Cáng đến Giàng A, Giàng B, Giàng Cao, Suối Lóp, rồi Bản Mới, Tập Lăng I, Tập Lăng II cách xa nhau hàng chục cây số đường rừng.

Buổi học đầu tiên Hiền nhớ lắm, từ các con đường nhỏ chênh vênh vách đá, các bà, các chị váy trùm gối, lưng đeo gùi, tay bế trẻ đằng trước, dắt trẻ đằng sau, rung rinh tiếng nhạc rừng quanh người. Có gia đình, chồng dắt ngựa cùng vợ đưa con đến lớp. Ba chục cháu ngồi trong lớp học thì có hơn ba chục người nhà vây quanh, thập thò, ngó nghiêng xem con cháu mình học. Buổi trưa nghỉ họ ào vào đón con, dở cơm gói trong lá dong, lá chuối với thức ăn chỉ là muối ớt, măng chua cùng ăn ngon lành.

Ba chục cháu đến lớp là hạnh phúc quá lớn đối với Hiền và cũng trong buổi học đầu tiên này cô nhận thấy mình phải học tiếng Mông, đó chính là cơ hội cho mình nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và dạy dỗ các cháu, nhất là duy trì số lượng. Trên đỉnh Suối Giàng lần đầu tiên đã vọng lên tiếng hát trong trẻo của cô, líu lo của cháu. Tiếng cô kể chuyện sôi nổi khi thì thành tiếng thỏ con, khi thì tiếng gấu mẹ, tiếng gà gáy, tiếng chim hót, cả tiếng ô tô, tiếng xe máy và cả tiếng còi bim bim... Các suất ăn đã được để trong cặp lồng cách nhiệt, sạch sẽ, ấm áp từng miếng cơm khi các cháu ăn, thay cho lá rừng, lá chuối. Quần áo các cháu đến lớp đã gọn gàng, sạch sẽ, đủ ấm trong những ngày giá lạnh, những đôi giày nhỏ, dép hồng đã chấm dứt những đôi chân đi đất triền miên của các cháu. Suốt ngày dạy dỗ, chăm sóc hơn ba chục cháu nhỏ, tối về Hiền cặm cụi soạn giáo án, làm những con rối ngộ nghĩnh, vẽ tranh, cắt hình, làm cả cái xe đạp, cái cối nước... cho các cháu học và chơi. Chủ nhật, sáng tranh thủ đi cơ sở, chiều về lại bê đá, gánh đất đắp mấy luống trồng rau xanh. Với lương hợp đồng 80.000 đồng một tháng, suốt hai năm liền Hiền chỉ biết lặng lẽ chia đều cho mỗi ngày và chắt chiu cất đi 20.000 đồng phòng khi thuốc men cho trò, cho cô.

Năm thứ hai, số học trò tăng lên, Hiền có thêm đồng nghiệp mới, đồng thời Hiền đề xuất với lãnh đạo cho đào tạo giáo viên mầm non là người địa phương và phát triển lớp về tận thôn bản. Năm học 2002 - 2003 khối mẫu giáo được tách khỏi trường tiểu học, Hiền được đề bạt phụ trách trường mẫu giáo Suối Giàng và được chuyển từ hợp đồng sang hợp đồng dài hạn. Đồng lương nhích lên chút ít, thỉnh thoảng bữa cơm chị em có thêm chút thịt gửi mua từ chợ xa về. Trường được xây dựng kiên cố ở trung tâm Pang Cáng và số lớp được phát triển thêm về Giàng A, Giàng B, giáo viên đã làm tốt nhiệm vụ dạy các cháu bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Mông. Cũng trong năm học này, lần đầu tiên nhà trường tổ chức hội thi "Bé khỏe - bé ngoan". Ngày tổ chức, bà con dân bản kéo về chật cả sân Ủy ban xã, có bà mẹ đã khóc rất to khi thấy con mình ở trên sân khấu đẹp quá, giỏi quá. Tan hội, phụ huynh chẳng muốn về, cứ xúm quanh các cô giáo, muốn nói được lời biết ơn. Anh Pù Cang Sứ có tới 3 con gửi ở trường đã thốt lên: "Bản mình muốn gửi tất con cho cô giáo dạy đấy, cho nó biết nhiều cái chữ, biết hát, biết múa để lại làm cô giáo mà". Bí thư Giàng A Tếnh cũng không kìm nổi xúc động: "Giỏi lắm rồi! Sáng cả xã mình rồi cô giáo ạ. Tầm vóc Suối Giàng mình chẳng kém gì các xã nữa".

Năm học 2003 - 2004 tin vui liên tiếp đến với Hiền. Cô được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được biên chế chính thức và có quyết định là Hiệu trưởng Trường mầm non Suối Giàng. Tầm hoạt động được mở rộng hơn, cô về Sở Giáo dục và Đào tạo, sang Khoa Mầm non Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh mua sắm, xin trang thiết bị cho trường Suối Giàng. Sân chơi của các cháu đã có cầu trượt, đu quay, bập bênh, phòng học đã có phòng nhạc múa, phòng thực hành với các loại giáo cụ trực quan để nâng cao chất lượng dạy và học. Bữa ăn của các cháu đã được nâng cao theo chế độ 3.000 đồng/ngày do các cô chế biến, nấu nướng.

Sáu năm là thời gian quá ngắn cho một cơ sở từ tay không đi lên và bây giờ là năm thứ 7, lại có quá nửa thời gian 100% giáo viên là hợp đồng và chưa chuẩn nhưng trường mầm non Suối Giàng với nữ hiệu trưởng Lại Thị Hiền như người Mông trên đỉnh núi lặng lẽ bới đá, nhặt cỏ, cơm ngô muối ớt cần mẫn trụ vững và đi lên. Hội thi "Bé khỏe bé đẹp" lần thứ ba thành công, chương trình khép lại với tốp ca của các cô giáo có các cháu ríu rít xung quanh. Tất cả cùng cất cao lời ca: "Bản làng đây núi rừng cao lắm. Vì đàn em cô giáo về cùng dân...". Tiếng hát bay xa vọng vào vách núi, thấm vào rừng xanh, hòa quyện trong hương sắc của ngàn cây chè cổ thụ và đọng lại trong tâm hồn con người trên đỉnh Suối Giàng hôm nay và mãi mãi mai sau.

Hương Giang

Các tin khác
Văn Chấn vào vụ.(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Từ Bản Hẻo (Sơn A) bên này suối, nhìn sang bên kia thấy trập trùng mây, cây, lối mòn ngược dốc. Nơi ấy là đất An Lương, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Nói đặc biệt khó khăn không phải vì An Lương thiếu gạo, thiếu quế, ít chè. Vậy thì nguyên nhân nào khiến nơi này nghèo vẫn hoàn nghèo? Để ý, ngày ngày, dòng xe, dòng người vẫn nhộn nhịp qua Sơn A, bản Hẻo nhưng mấy ai ngược An Lương? Đường không có, chỉ toàn sương mù tan rồi sương mù lên.

Mùa vàng ở La Pán Tẩn (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Sau bão Trà My, rét. Tôi vượt hai trăm ki-lô-mét lên Mù Cang Chải vừa tối. Gió vi vút rừng thông. Sương giăng mờ phố núi. Ánh điện cao áp toả xuống dòng Nậm Kim lấp lánh lấp lánh. Tôi kéo ve áo cho kín cổ rồi lững thững theo con đường mòn ven suối ngược lên bản Kim Nọi, tắt ngang dòng Nậm Kim sang Chế Cu Nha. Chợt tiếng sáo Mông như bật ra từ lòng núi, đổ tràn xuống các cung ruộng bậc thang, trầm bổng: Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ/ Ta theo ngọn gió về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/ Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ/ Ta bám mây về nhà/ Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em...

Em Liên đẩy xe bán hàng dọc đường Nguyễn Thái Học.

YBĐT - Ngày cuối năm, thành phố Yên Bái tràn ngập những cơn gió lạnh. Khoác trên mình những chiếc áo ấm ra đường, có khi nào bạn bắt gặp hay vô tình lướt qua những phụ nữ dáng dấp quê mùa, ăn mặc phong phanh đẩy chiếc “xe” hay chính xác hơn là “quầy hàng di động” khắp các con đường, góc phố bán hàng rong với mong muốn bình dị là kiếm thêm vài ba chục nghìn đồng gửi về quê nhà nuôi sống gia đình.

YBĐT - Đỉnh Phiêng Nhe chưa phải là đỉnh núi cao của Trạm Tấu, song Phiêng Nhe đã đi vào lịch sử, Phiêng Nhe trở nên thân quen, mãi mãi sống trong lòng dân Trạm Tấu và nhân dân cả nước. Nơi đây 51 người con anh dũng đã yên nghỉ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục